Xây dựng sân bay Long Thành: Còn nhiều yếu tố cần được làm rõ

Báo cáo đầu tư dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành vừa được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay, 8-10.

(SGGPO).- Báo cáo đầu tư dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành vừa được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay, 8-10.

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Đinh La Thăng báo cáo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã phát biểu quan điểm sau khi thẩm tra sơ bộ.

Theo đó, đa số ý kiến trong thường trực cơ quan thẩm tra tán thành với chủ trương đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, song có một số ý kiến đề nghị cần làm rõ mục đích xây dựng cảng này trở thành cảng hàng không trung chuyển của khu vực và quốc tế. Vì nếu chỉ đơn thuần là để giảm tải cho sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không trong tương lai thì hệ thống cảng hàng không hiện tại (7 cảng hàng không quốc tế) hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu.

Đáng lưu ý, vẫn có ý kiến cho rằng, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (với tổng diện tích hiện tại là 1.500 ha) vẫn có thể mở rộng, nâng công suất khai thác để đáp ứng nhu cầu, vì các cảng hàng không trong khu vực với diện tích nhỏ hơn vẫn có thể phục vụ lượng khách rất lớn. Đơn cử, cảng hàng không quốc tế Chek Lap Kok (Hồng Kông) chỉ với diện tích 1.255 ha có công suất đạt 50 triệu hành khách/năm, cảng hàng không Changi (Singapore) rộng 1.300 ha công suất đạt 42 triệu hành khách/năm...

Một yêu cầu nữa từ cơ quan thẩm tra là đánh giá được khả năng cạnh tranh của sân bay Long Thành với các sân bay lớn đã hình thành từ lâu trong khu vực như cảng hàng không quốc tế Suvarnabhumi – Thái Lan (qui hoạch 100 triệu khách/năm), Kuala Lumpur – Malaysia (qui hoạch 100 triệu hành khách/năm), Changi – Singapore (qui hoạch 135 triệu hành khách/năm)…

Quan trọng hơn, trong bối cảnh huy động vốn đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông còn khó khăn, có ý kiến đề nghị cân nhắc lựa chọn việc đầu tư cảng Long Thành với những dự án giao thông khác, cụ thể như đầu tư phát triển hệ thống đường sắt Bắc – Nam hoặc phát triển hệ thống giao thông đường biển để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Có ý kiến nhấn mạnh, mới chỉ là giai đoạn 1 của dự án đầu tư này đã lên tới gần 165 ngàn tỷ đồng; nếu tính cả ba giai đoạn thì tổng mức đầu tư sẽ rất lớn. Mặt khác, dự toán mức đầu tư cho giai đoạn 1 là ước tính, thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều dự án giao thông phát sinh chi phí rất lớn so với tổng mức đầu tư ban đầu. “Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo tổng vốn đầu tư cho toàn bộ dự án, sau khi Quốc hội đồng ý chủ trương thì lập dự án đầu tư giai đoạn 1”, ông Phúc nói.

Một số yếu tố khác cũng đã được khuyến nghị xem xét, đánh giá kỹ lưỡng hơn, tránh xu hướng quá lạc quan, như lợi ích kinh tế của dự án. “Báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá hết được các chi phí xã hội phải bỏ ra vì khoảng cách từ Long Thành về trung tâm TP HCM là xa hơn so với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, việc đầu tư các công trình kết nối giữa sân bay Tân Sơn Nhất với Long Thành cũng phải tính trong tổng vốn đầu tư của dự án”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.

Đó là chưa kể một cảng hàng không trung chuyển với qui mô lớn và hiện đại như cảng hàng không quốc tế Long Thành đòi hỏi năng lực quản lý, vận hành cao. Thực tế, thời gian qua cho thấy, trình độ quản lý, vận hành các sân bay của Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập. Do đó, đề nghị cần phân tích, đánh giá về năng lực quản lý, vận hành, chi phí để đào tạo nguồn nhân lực, áp dụng công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực quản lý, vận hành khi Long Thành đi vào hoạt động…

Báo cáo đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành đưa ra tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 164.580 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước bao gồm ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và ODA là 84.624 tỷ đồng, vốn khác là 79.965 tỷ đồng.

Bảo Vân

Tin cùng chuyên mục