Xây dựng thành phố thông minh cần có những bước đi thật chắc

Điều kiện nào để xây dựng thành phố thông minh?

(SGGPO).- Ngày 24-3, Báo SGGP tổ chức tọa đàm “Hiểu thế nào về thành phố thông minh” với sự chủ tọa của đồng chí Nguyễn Tấn Phong - Thành ủy viên, Tổng Biên tập Báo SGGP và PGS TS Nguyễn Minh Hòa - Giám đốc Diễn đàn phát triển đô thị bền vững châu Á tại TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Qui hoạch và phát triển TPHCM cùng với sự tham gia của các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực, đại diện các sở: Xây dựng, TNMT, QHKT, GTVT, KHCN… Buổi tọa đàm với sự đồng hành của Tập đoàn Novaland, Hưng Thịnh Corp.

Điều kiện nào để xây dựng thành phố thông minh?
 
PGS. TS Nguyễn Minh Hòa cho biết, ý tưởng về thành phố thông minh (Smart city) xuất hiện vào đầu thế kỷ 21, đến khoảng năm 2005 khái niệm “Thành phố thông minh” được chính thức công bố trên diễn đàn quốc tế.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Khát vọng trở thành thành phố thông minh trở nên mãnh liệt đối với nhiều quốc gia, đặc biệt Singapore tham vọng trở thành Quốc gia thông minh, nhưng cho đến nay mới chỉ có 4 thành phố được coi là đạt đến thông minh ở các cấp độ khác nhau là Putrajaya ( Malaysia),  Songdo (Hàn Quốc), thành phố Đại học Quảng Châu (Trung Quốc) và Dubai (Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống nhất).

Singapore đang phấn đấu trở thành thành phố thông minh vào năm 2030. Tuy nhiên cũng có những quan điểm khác về thành phố thông minh, chẳng hạn Năm 2012, Nhật Bản xây dựng 4 thành phố thông minh, nhưng cho đến nay họ đã từ bỏ ý định này.

Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Tấn Phong trao đổi với khách mời tại buổi tọa đàm

Nhiều thành phố của Việt Nam cũng mong muốn trở thành thành phố thông minh như TPHCM, Đà Nẵng, Thủ Dầu Một (Bình Dương), Đà Lạt, Phú Quốc, Mỹ Tho, … Nhưng lý thuyết và thực tiễn về thành phố minh không chỉ rất mới mẻ với người dân, mà còn cả với giới trí thức và công quyền.

PGS-TS Nguyễn Minh Hòa phát biểu tại buổi tọa đàm

Thực tế trên thế giới, những thành phố thông minh hoàn toàn (Full SC) thành công ở những nơi có đặc điểm sau: Xây dựng hoàn toàn mới, diện tích nhỏ 6.5 km2 (Songdo); 50 km2 (Putrajaya); 43 km2 (thành phố Đại học Quảng Châu); Singapore: 650 km2. Dân số ít: dưới 500.000 người (cho TP); Singapore: 5,2 triệu. Bên cạnh đó thành phố thông minh có mức đầu tư cực lớn, như 35 tỷ USD (Songdo), 15 tỷ USD (Putrajaya); QZUC: 10 tỷ USD, King Apdula: 100 tỷ USD, Thiên Tân: 30 tỷ USD.

Ngoài ra muốn xây dựng thành phố thông minh, công nghệ thông tin phải cực kỳ hiện đại, vạn vật được kết nối, tự động hóa trong hầu hết các hoạt động của SC. Hệ thống hạ tầng của các loại hình dịch vụ, các lĩnh vực mà mình định áp dụng đảm bảo hiện đại, đồng bộ để tiếp nhận được công nghệ mới.  

TPHCM thích hợp và đủ điều kiện xây dựng thành phố thông minh

Trình độ và mặt bằng phát triển không chênh nhau với công nghệ và kỹ thuật SC. Ví dụ bệnh viện, trường học phải hiện đại đến mức tương hợp với công nghệ và kỹ thuật ICT định ứng dụng. 

Phải có kho dữ liệu lớn, đầy đủ, chính xác cho lĩnh vực mà mình muốn ứng dụng, thường xuyên cập nhật. Nếu thiếu, sai, chậm đều không mang lại kết quả như mong muốn. Ví dụ: Người dân biết được thông tin thời tiết mưa lớn ở đâu, vũ lượng bao nhiêu, ngập đến đâu, đường nào?. Để từ đó quyết định hành động như đón con hay nhắn con ở lại trường chờ đợi, đi vòng tránh đường nào, ngắt điện ở nhà khi đang mưa,… muốn như vậy phải có rất nhiều các trạm quan trắc, có trung tâm tiếp nhận thông tin, xử lý dữ liệu, kết nối nhanh với các nhà mạng, công ty viễn thông, TV,…  

Mặt bằng Dân trí phải cao để sử dụng được các công nghệ và kỹ thuật mới. Tài chính cá nhân đủ để mua các thiết bị tối thiểu như laptop, Smart phone, camera, đường truyền.
 
Phải có một ngũ chuyên gia cực giỏi. Họ không chỉ là chuyên gia về công nghệ thông tin, mà còn là nhà kinh tế, xã hội, tâm lý hàng đầu. Bởi bài toán SC không thuần tuý là IT mà là những vấn đề xã hội. Chính quyền thông minh và các giải pháp thông minh vượt trội.

TPHCM cần “Thông minh chọn lọc”

Luật sư Trương Trọng Nghĩa - Đại biểu Quốc hội, cho rằng mục đích cuối cùng là làm được những đều hữu ích, đóng góp vào sự phát triển cho đất nước nói chung và TPHCM nói riêng. Trong quá trình xây dựng “Thành phố thông minh” cần có nhiều tiếng nói phản biện để đi đến những ý tưởng đúng đắn nhất trước khi triển khai.

Theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, xây dựng thành phố thông minh thì trình độ dân trí cần phải cao, bên cạnh người lãnh đạo phải giỏi. “Nên chăng chúng ta bắt đầu xây dựng thành phố thông minh từ những việc nho nhỏ như xây dựng khu phố thông minh, con hẻm, con đường thông minh… từ đó phát triển lên”- luật sư Trương Trọng Nghĩa đề xuất.

PGS. TS Thoại Nam - Trưởng khoa Máy tính (Đại học Bách khoa TPHCM), đặt câu hỏi: TPHCM hiện nay đã thông minh chưa? Và ông tự trả lời: Rõ ràng là thông minh hơn trước kia rất nhiều, cụ thể như các dịch vụ công tiến bộ rất nhiều, ngồi nhà có thể nộp hồ sơ, đóng tiền điện nước qua internet… Như vậy nếu không xây dựng thành phố thông minh thì thành phố vẫn phi “thông minh hơn”.

TS Nguyễn Hữu Nguyên - Hội Quy hoạch Phát triển Việt Nam, cho rằng chúng ta cần nâng dần hàm lượng khoa học công nghệ vào quản lý Nhà nước, dịch vụ công. “Chúng ta đang đi qua bẫy thu nhập trung bình, hạ tầng kỹ thuật còn nhiều bất cập, do đó muốn xây dựng thành phố thông minh thì cần phải nâng cấp hạ tầng kỹ thuật”- TS Nguyễn Hữu Nguyên đề nghị.
 
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ý kiến các sở: QHKT, Xây Dựng, GTVT, TNMT đều cho biết, hiện nay thiếu sự kết nối về dữ liệu, công nghệ giữa sở này với sở kia. Thậm chí trong một sở cũng chưa có sự đồng bộ; giữa các quận, huyện, sở, ngành thì dữ liệu, công nghệ xử lý công việc hàng ngày cũng chưa đồng bộ.

Ông Lê Minh Triết, đại diện Sở GTVT thành phố cho rằng, thông minh là làm sao ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết công việc tốt hơn, người dân cũng có thể biết được những dữ liệu đó để phục vụ cho cuộc sống của mình tốt hơn. Hiện nay các dữ liệu này chưa được mở, các trung tâm chưa được kết nối, sở này muốn có dữ liệu của ngành khác phải đi xin.

Nhiều ý kiến tại buổi tọa đàm kiến nghị, TPHCM nên chọn một số lĩnh vực bức thiết với cuộc sống người dân, cản trở sự phát triển của thành phố để “thông minh trước” hay phát triển trong một số khu vực có đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, dân trí. Cụ thể, nên chọn một vài địa điểm ứng dụng Khu vực 930 ha, đô thị đại học quốc gia TPHCM 647 ha, Khu CN cao, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, tới đây là Thủ thiêm 650 ha (Smart town).

Lựa chọn một số lĩnh vực: Một vài trục giao thông thông minh, quản lý môi trường thông minh, quản lý du lịch thông minh, bệnh viện thông minh.  

Lựa chọn ứng dụng ưu tiên gắn với 7 chương trình đột phá: Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chương trình cải cách hành chính. Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố. Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông. Chương trình giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Chương trình giảm ô nhiễm môi trường. Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị...
 
Các chuyên gia cũng khuyến cáo một số vấn đề khó khăn có thể xảy ra khi xây dựng thành phố thông minh. Có rủi ro, nếu xảy ra thì rất cao. Ví dụ: Hệ thống cảm biến bị hỏng không báo cháy, hệ thống tự động điều khiển giao thông trên đường cao tốc bị hỏng khiến xảy ra tai nạn liên hoàn, hệ thống máy tính bị hỏng ở sân bay làm cho hoạt động bị tê liệt. Khi SC phát triển cao tạo ra một xã hội lạnh lùng, cô đơn, tách biệt. Quan hệ mặt đối mặt chuyển sang quan hệ gián tiếp sẽ làm mất xúc cảm, tình cảm và sự quan tâm lẫn nhau…

Tin: Đỗ Trà Giang- Ảnh: Cao Thăng 

Tin cùng chuyên mục