Tiếp theo nội dung cuộc hội thảo “Báo Đảng và nhiệm vụ góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại”, số báo hôm nay, Báo SGGP xin giới thiệu đến bạn đọc ý kiến tham luận từ góc nhìn của các nhà báo về sự kết hợp giữa cơ quan quản lý và báo chí trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.
- Phó Tổng Biên tập Báo Hải Phòng Hoàng Đình Thi: Báo chí luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương
Nhằm từng bước hiện thực hóa những mục tiêu về quản lý và phát triển đô thị, từ năm 2011, TP Hải Phòng quyết định chọn chủ đề Năm “Đô thị và bảo đảm an sinh xã hội”, tiếp đó, năm 2012 chọn chủ đề Năm “Đô thị và an toàn giao thông”, nhằm tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc của đô thị Hải Phòng. Trong đó, vấn đề được TP đặc biệt quan tâm là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong công tác quản lý và phát triển đô thị loại 1, đô thị trung tâm quốc gia, có môi trường xanh – sạch – đẹp, thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Theo đó, TP quyết định thành lập 24 tổ quản lý đô thị tại 4 quận trung tâm, đội quản lý đô thị có trang phục và phương tiện (ô tô) hoạt động. Với sự quan tâm và đầu tư của TP, tại 4 quận trung tâm (Ngô Quyền, Hồng Bàng, Lê Chân, Hải An), UBND quận đều đầu tư, lựa chọn cán bộ để bảo đảm 100% số phường đều có tổ quản lý đô thị…
Về cảnh quan đô thị, TP quyết định đầu tư cải tạo chỉnh trang dải trung tâm TP. Trong con mắt của các chuyên gia quy hoạch, trên toàn quốc, hiện duy nhất Hải Phòng có dải trung tâm đẹp như vậy, với nét riêng biệt, đó là dải cây xanh, công viên tập trung và một phần mặt nước. Dải trung tâm thực sự không chỉ đóng vai trò lá phổi xanh, điều hòa khí hậu của TP mà còn là biểu trưng gắn liền với quá trình phát triển của TP – trái tim của đô thị Hải Phòng…
Bám sát nhiệm vụ chính trị của TP, Báo Hải Phòng mở chuyên mục “Đô thị và an toàn giao thông”, tập trung phản ánh kịp thời những nỗ lực của các ngành, địa phương, đơn vị trong triển khai chủ đề năm, những khó khăn, vướng mắc; thông tin nhiều chiều cả những mặt được và chưa được, qua đó đề xuất những giải pháp, cơ chế để thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra.
- Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng Mai Đức Lộc: Không bỏ qua dù là yếu tố nhỏ
Trong việc xây dựng, phát triển TP theo hướng văn minh, hiện đại, không có yếu tố nhỏ nào được bỏ qua. Bởi nếu bỏ qua - dù là yếu tố nhỏ nhất – cũng có thể dẫn đến việc mất “thương hiệu”. Trong việc xây dựng TP văn minh hiện đại, cái khó nhất có lẽ không phải là việc chỉnh trang đô thị, dù đó là khối công việc khổng lồ, mà cái khó nhất có lẽ là việc xây dựng nếp sống thị dân, văn minh.
Câu “quê em từ xã lên phường” một mặt nói lên sự thay đổi nhanh chóng của vùng đất này, mặt khác phản ánh yêu cầu mới hình thành phong cách, văn hóa đô thị và nó không thể một sớm một chiều hay tự nhiên mà có. Nhiều chủ trương đã được ban hành, nhiều biện pháp đã được triển khai để có sự ngăn nắp, trật tự.
Báo Đà Nẵng với trách nhiệm của mình, hạnh phúc cho chúng tôi khi có một vấn đề chưa đúng, chưa hay xảy ra trên địa bàn được phản ánh trên Báo Đà Nẵng đều được lãnh đạo TP ghi nhận và xử lý. Đó có thể chỉ là một việc nhỏ như bảng tên đường bị mờ, một tấm băng rôn bị rơi chữ, sai chính tả hoặc ở khu dân cư mà không được thu dọn… cho đến những vấn đề lớn như việc phê phán sự chậm cải cách hành chính; chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm để xây dựng các tuyến đường ở khu dân cư; việc đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP vào cuộc sống…
- Tổng Biên tập Báo Cần Thơ Huỳnh Quốc Hoàng: Làm thay đổi nhận thức sẽ dẫn đến thay đổi hành vi
Như nhiều TP khác, bên cạnh những thành quả do sự phát triển mang lại, bao giờ cũng kèm theo những hệ lụy – mặt trái của sự phát triển. Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường do dân cư đông đúc, xây dựng lấn chiếm kênh rạch, tình trạng xây dựng không phép do công tác quy hoạch không theo kịp đà phát triển… Do công tác quản lý chưa tốt, tình trạng lấn chiếm vỉa hè buôn bán, đậu xe gây mất mỹ quan đô thị; tình hình tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội cũng phức tạp hơn.
Có nhiều nguyên nhân, trong đó một trong những nguyên nhân quan trọng là bước chuyển của chính quyền và nhận thức của người dân chưa theo kịp bước chuyển quá nhanh của quá trình đô thị hóa. Nhận thức được điều này, nhiều năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND TP Cần Thơ xác định trọng tâm cần tập trung thực hiện là trật tự, kỷ cương đô thị, nhằm xây dựng TP ngày càng văn minh, hiện đại, xanh – sạch – đẹp.
Là tờ báo Đảng của địa phương, trong những bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác tuyên truyền về trật tự, kỷ cương đô thị là từng bước làm thay đổi nhận thức dẫn đến thay đổi hành vi. Vì thế, công tác tuyên truyền phải thường xuyên, lâu dài kiểu “mưa dầm thấm sâu”. Trong tuyên truyền, đồng thời với vận động, thuyết phục, phải kiên quyết phê phán; song song với nêu gương, nhân rộng mô hình, phải có những bài viết không khoan nhượng với những hành vi sai trái ảnh hưởng đến lợi ích chung của cộng đồng.
Ban Biên tập Báo Cần Thơ xác định tuyên truyền về trật tự, kỷ cương đô thị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài nhằm góp phần xây dựng TP vùng sông nước ĐBSCL ngày càng văn minh, hiện đại, xứng đáng là “thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Công”.
>> Xây dựng thành phố văn minh, hiện đại - Cần mô hình quản lý phù hợp