Bám trụ với cây tiêu
Vườn tiêu gần 4ha của gia đình anh Ngô Văn Tuyển, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Lộc Quang, được chăm sóc tốt. Anh Tuyển cho biết, trước đây, khi anh vừa mới phục viên và theo đoàn đi thăm lại chiến trường xưa, tận mắt nhìn đất đai màu mỡ và chủ trương của Nhà nước khuyến khích Hội CCB trồng vườn phủ xanh đồi trọc, đoàn có 21 CCB đã hăm hở trở lại làm kinh tế trên vùng đất kháng chiến năm xưa.
Thời gian đầu rất vất vả, luôn phải đối mặt với sốt rét, vắt rừng, thức ăn khan hiếm, thiếu thốn nhiều thứ nên nhiều người không trụ nổi đã rời đi, chỉ còn lại 5 người, trong đó có anh Tuyển. Mỗi năm anh trồng cao su một ít, chỉ cốt lấy gỗ và trồng thêm hồ tiêu. Không ngờ sau đó, giá cao su và hồ tiêu cao dần, sản lượng 2 vườn tiêu nhà anh đạt bình quân 8 tấn hạt khô/vụ.
CCB xã Lộc Quang là lực lượng nòng cốt trong Hội nông dân xã. Nhiều CCB giúp người dân cây giống, chia sẻ kỹ thuật chăm sóc tiêu, từ đó nhân lên màu xanh của tiêu ở xã Lộc Quang. Qua bao năm tháng, giống tiêu Vĩnh Linh cắm rễ trên đất Lộc Quang sinh trưởng tốt. Anh Tuyển đưa chúng tôi đến thăm vườn tiêu của gia đình anh Trần Văn Hăng, có trên 2.000 nọc tiêu. Năm 2000, anh Hăng đưa gia đình đến ấp Bù Tam, xã Lộc Quang lập nghiệp. Thời gian đầu, anh mua được 3 sào đất trồng các loại cây ngắn ngày theo kiểu lấy ngắn nuôi dài - lấy cây hoa màu để phát triển cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao. Qua nhiều năm tích góp, gia đình anh đã mua thêm được 5ha đất trồng tiêu và cao su. Từ đó đến nay, hàng năm gia đình anh thu lợi nhuận hơn 500 triệu đồng từ vườn tiêu và cao su.
Giữ thương hiệu “tiêu sạch Lộc Quang”
Toàn xã Lộc Quang có khoảng 267ha tiêu, trong đó có 18ha tiêu chưa thu hoạch. Nhằm không để tiêu xuất thô bị thương lái ép giá, Hợp tác xã (HTX) Hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang ra đời nhằm hướng dẫn bà con chăm sóc cây tiêu theo hướng hữu cơ sinh học vừa bảo vệ môi trường đất, nước, cây, sức khỏe con người và chống biến đổi khí hậu.
Chị Vân Hải, một trong những người sáng lập HTX Hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang, cho biết, trên thị trường tràn lan thực phẩm bẩn, hóa chất nhiều làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người đã thôi thúc vợ chồng chị đứng lên thành lập HTX. Từ khi thành công với mô hình chăm sóc hữu cơ, chị thấy cây trồng cũng như con người rất khỏe mạnh. Các nguyên liệu đầu vào để làm ra sản phẩm tiêu sạch bổ ích sức khỏe luôn được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chăm sóc, theo quy trình hữu cơ sinh học, hoàn toàn không dùng thuốc hóa học. “Khi làm được tiêu hữu cơ rồi, phải làm sao để nâng cao giá trị hạt tiêu và đưa tới tận tay người tiêu dùng. Những ngày đầu mới thành lập, HTX gặp muôn vàn khó khăn khi đối mặt với giá tiêu trên thị trường giảm cùng với dịch bệnh khiến bà con hoang mang, chán nản. Tuy nhiên, với những lợi ích mà nền nông nghiệp hữu cơ mang lại đã tạo nên thành công cho bản thân tôi và mọi người nên quy trình ngày càng ổn định hơn và mọi người càng tích cực tham gia sản xuất”, chị Vân Hải chia sẻ.
Đến nay, HTX đã có 15 thành viên với diện tích canh tác trên 30ha và sản phẩm hồ tiêu hữu cơ của HTX Lộc Quang đã được thị trường trong và ngoài nước ghi nhận: tiêu giữ nguyên được màu sắc và dưỡng chất bởi công nghệ sấy thăng hoa hiện đại nhất hiện nay, hoàn toàn không can thiệp bất cứ chất gì khác. Hiện đã có 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao (hạt tiêu xanh sấy thăng hoa, bột tiêu xanh sấy thăng hoa, bột tiêu tứ sắc sấy thăng hoa và hạt tiêu đen, bột tiêu đen). Các sản phẩm tiêu hữu cơ của HTX Lộc Quang còn có công dụng cải thiện hệ tiêu hóa và vấn đề dạ dày; hỗ trợ giảm cân, tiêu biến mỡ thừa; ngăn ngừa các tế bào ung thư; chống viêm khớp.
Theo số liệu của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước), riêng 5 năm gần đây, chi nhánh đã cho 34.049 lượt hộ nông dân, doanh nghiệp nhỏ vay vốn trồng mới, chăm sóc phát triển cây tiêu, cao su, chăn nuôi heo trang trại hoặc mô hình trồng tiêu kết hợp chăn nuôi dê, với tổng số vốn lên đến 9.452 tỷ đồng. Nguồn vốn vay này đã giúp nhiều hộ duy trì được việc chăm sóc cây tiêu, cao su giữa lúc giá cả xuống thấp để chờ giá lên lại, tránh được vòng luẩn quẩn trồng - chặt. |