Xây dựng thủy điện trên dòng sông chính Mê Công - Xem xét thận trọng, hạn chế tối đa thiệt hại

Ngày 4-12, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban sông Mê Công Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế về “Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng sông chính Mê Công”.

(SGGP).- Ngày 4-12, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban sông Mê Công Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế về “Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng sông chính Mê Công”.

Tham dự hội thảo có khoảng 70 đại biểu là học giả, các nhà khoa học trong và ngoài nước; đại diện Ủy ban sông Mê Công quốc gia Lào và Campuchia. Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai cho biết, 11 công trình thủy điện đã được đề xuất trên dòng sông chính Mê Công thời gian qua, nằm trên lãnh thổ Thái Lan, Lào và Campuchia, đang dấy lên mối quan ngại trong lưu vực. Các công trình này có khả năng gây ra các tác động bất lợi đáng kể tới môi trường, kinh tế, xã hội tại các quốc gia ven sông, đặc biệt tác động tới châu thổ sông Mê Công của Campuchia và Việt Nam.

Cụ thể, khi chế độ vận hành phủ đỉnh hàng ngày và tích nước trong mùa khô của bậc thang các thủy điện, dòng chính có thể gây tác động từ lớn đến nghiêm trọng lên chế độ dòng chảy (sụt giảm tổng lượng 10 ngày tại Kra-chê khoảng 60% và tại Tân Châu và Châu Đốc là 40%) đoạn sông trên phần lãnh thổ Campuchia khu hạ lưu của bậc thang thủy điện cuối cùng, được coi là chịu tác động lớn nhất từ các hiện tượng sụt giảm và dao động mức nước lớn. Ngoài ra, tổng lượng phù sa bùn cát và dinh dưỡng bị giảm tới 65% tại Kra-chê và Tân Châu - Châu Đốc; những vị trí xa dòng chính ở mức nhỏ hơn, sẽ làm giảm mạnh năng suất sinh học và sản lượng nông nghiệp, làm gia tăng xói lở và ảnh hưởng tới diễn biến bồi lắng vùng ven sông và ven biển. Đáng chú ý, xâm nhập mặn sẽ gia tăng tại hầu hết các vùng ven biển. Từ đó, dẫn tới tuyến di cư của các loài cá có tính di cư xa như cá trắng - chiếm tới 74% sản lượng của 10 loài cá có giá trị kinh tế lớn nhất sẽ hoàn toàn bị cản trở. Các đập thủy điện còn cản trở dự di chuyển lên thượng lưu và xuống hạ du của tất cả các loại cá và các sinh vật thủy sinh di cư khác, gây ra sụt giảm mạnh sản lượng đánh bắt cá tới 50% cho cả Việt Nam và Campuchia. Bên cạnh đó, việc xây dựng các đập thủy điện cũng tác động lên sinh kế của khoảng 60 triệu dân trong vùng, do gia tăng xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long; gây ra tình trạng lưu thông không an toàn cho các tàu thuyền ở hạ du khi đập vận hành phủ đỉnh hàng ngày hoặc tích xả bất thường.

Các vấn đề nêu trên của đại điện Bộ Tài nguyên - Môi trường VN cũng tương đồng với các nội dung mà nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu thủy lực Đan Mạch (DHI) đề cập trong “Đề án Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng sông chính Mê Công (DHR)” đang được hoàn thiện và đệ trình Chính phủ cuối tháng 12-2015. Theo đó, sau khi phân tích các mặt tiêu cực bị tác động bởi các đập thủy điện trên dòng sông chính Mê Công, nhóm DHR đề xuất, cần xem xét không xây dựng hoặc hạn chế xây dựng một số công trình trong bậc thang dự kiến, đặc biệt tránh xây dựng về phía hạ du hoặc dịch chuyển vị trí tuyến đập từ dòng chính sang dòng nhánh. Trong khâu thiết kế đập, tránh hoặc giảm thiểu hiện tượng phủ đỉnh ngày để có thể giảm tác động lên mực nước và lưu lượng. Đưa vào thiết kế các đập thiết bị quản lý vận chuyển phù sa bùn cát cùng với quy tắc vận hành có tính chiến lượng; thiết kế bao gồm bảo vệ bờ sông phía hạ lưu của đập để tránh sạt lở bờ sông... Tham dự hội  thảo, đại diện Lào, Campuchia cho rằng, nội dung của DHR chỉ nêu những mặt tiêu cực của hệ thống thủy điện trên dòng sông chính Mê Công là chưa đầy đủ, toàn diện. Trong khi đó, các chuyên gia về sông ngòi đến từ Mỹ, Úc… cho biết, việc xây dựng đập thủy điện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là quan trọng, nhưng các nước cần phải lưu tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường và đảm bảo sự an toàn của con người. Do vậy, việc đánh giá tác động của các công trình thủy điện trên dòng sông Mê Công phải xem xét thật thận trọng, kỹ lưỡng và phải dựa trên bằng chứng khoa học.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục