Xây dựng tiêu chí tạm thời bao bì thân thiện môi trường

Nhiều doanh nghiệp (DN) hiện nay đang sản xuất túi phân hủy sinh học nhằm tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường và tránh bị đánh thuế đến 40% đối với túi ni lông thông thường theo quy định sắp ban hành vào đầu năm 2012. Tuy nhiên, đến giờ các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra một tiêu chí nào về quy trình sản xuất và đánh giá túi phân hủy sinh học.
Xây dựng tiêu chí tạm thời bao bì thân thiện môi trường

Nhiều doanh nghiệp (DN) hiện nay đang sản xuất túi phân hủy sinh học nhằm tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường và tránh bị đánh thuế đến 40% đối với túi ni lông thông thường theo quy định sắp ban hành vào đầu năm 2012. Tuy nhiên, đến giờ các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra một tiêu chí nào về quy trình sản xuất và đánh giá túi phân hủy sinh học.

Cần có biện pháp hiệu quả để giảm việc sử dụng bao ni lông (Ảnh: Đưa bao ni lông đã qua sử dụng lên xe mang đi tái chế). Ảnh: KIM NGÂN

Cần có biện pháp hiệu quả để giảm việc sử dụng bao ni lông (Ảnh: Đưa bao ni lông đã qua sử dụng lên xe mang đi tái chế). Ảnh: KIM NGÂN

Cần ngay tiêu chí

Lời nhận định trên của đại diện Co.opMart - một trong những DN đầu tiên sản xuất túi thân thiện với môi trường ở Việt Nam, cũng là băn khoăn chung của các đại biểu tham sự Hội thảo “Bao bì thân thiện với môi trường - Quy trình đánh giá khả năng phân hủy sinh học và tiêu chuẩn chất lượng” do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM tổ chức tuần vừa qua.

Chủ trì hội thảo, ông Nguyễn Văn Phước – Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM cho biết, Sở TN-MT TPHCM hiện vẫn chưa nhận được bất kỳ quyết định hay thông báo nào của Bộ TN-MT Việt Nam về việc ban hành những quy chế cũng như những tiêu chí đánh giá khả năng phân hủy sinh học và tiêu chuẩn chất lượng của các sản phẩm túi sinh học. Để giải quyết và tháo gỡ những vướng mắc hết sức cấp bách này của các DN, giúp các DN có cơ sở để hoạt động sản xuất, Sở TN-MT TP.HCM sẽ kiến nghị UBND TPHCM cho phép xây dựng và ban hành những tiêu chí đánh giá tạm thời về quy trình sản xuất loại sản phẩm thiện với môi trường này.

Tại Hội thảo, các báo cáo viên đã trình bày các cơ chế hoạt động, cách nhìn nhận và đánh giá về quy trình sản xuất cũng như tầm quan trọng của việc sản xuất các sản phẩm túi phân hủy sinh học. PGS-TS Hồ Sơn Lâm, Viện trưởng Viện nghiên cứu vật liệu ứng dụng cho biết, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 800 ngàn tấn túi ni lông được sản xuất từ nhựa PP và chúng phải mất đến 400 năm để có thể phân hủy hoàn toàn. Như vậy, các sản phẩm túi ni lông thông thường hiện nay đang là một nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn.  Việc sản xuất túi phân hủy sinh học sẽ giúp giảm sự lệ thuộc vào dầu mỏ, vốn là thành phần nguyên liệu chủ yếu để sản xuất túi ni lông, đồng thời với đặc tính tự phân hủy trong một khoảng thời gian ngắn hơn, các túi này sẽ làm giảm thiểu tác nhân gây ô nhiễm môi trường.

Xây dựng tiêu chí phù hợp với Việt Nam  

Theo Sở TN-MT TPHCM, trung bình mỗi năm cả nước sản xuất khoảng 800.000 tấn túi ni lông (trong đó TPHCM sản xuất 70%-80%). Nếu áp thuế theo quy định (30.000 - 50.000 đồng/kg tùy loại túi ni lông không thân thiện với môi trường) thì trung bình mỗi năm Nhà nước thu được 9.600 tỷ đồng-16.800 tỷ đồng tiền thuế từ hoạt động sản xuất này.

Hiện nay trên thế giới đã có những tiêu chuẩn và tiêu chí đánh giá quy trình sản xuất các sản phẩm phân hủy sinh học như ASTM 6954 của Mỹ về xác định hàm lượng CO2 thoát ra sau khi phân hủy, ASTM  G154 về xác định khả năng phân hủy của sản phẩm… Tuy nhiên  chi phí để thực hiện đánh giá sản phẩm theo các tiêu chuẩn đó theo các chuyên gia là khá cao đối với các DN Việt Nam. Nghiên cứu “Đề xuất quy trình thí nghiệm đánh giá khả năng phân hủy sinh học trong điều kiện Việt Nam” do TS Trần Thị Mỹ Diệu, Khoa Công nghệ và quản lý môi trường Đại học Văn Lang trình bày đã nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu tham dự hội thảo. Nghiên cứu này đã đưa ra được mô hình sơ bộ về phương pháp, quy trình đánh giá khả năng phân hủy sinh học của các sản phẩm trong những môi trường tiếp xúc và thời gian khác nhau, từ đó giúp các cơ quan chức năng xây dựng tiêu chí đánh giá các sản phẩm phân hủy sinh học phù hợp với điều kiện Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Lâm, PGĐ Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, mô hình này vẫn chưa thật chính xác và còn phải bổ sung, điều chỉnh thêm. Ông Lâm cho biết, việc đưa ra tiêu chí và tiêu chuẩn đánh giá chất lượng quy trình sản xuất các sản phẩm phân hủy sinh học hiện nay vẫn chưa thể thực hiện được bởi còn tồn tại nhiều vấn đề, đặc biệt là bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các loại bao bì dùng để chứa đựng thực phẩm.

Việc sớm ban hành tiêu chí đánh giá cũng như tiêu chuẩn chất lượng chính thức, rõ ràng về quy trình sản xuất bao bì thân thiện với môi trường sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất yên tâm hơn trong việc áp dụng các quy chế mới về thuế đối với túi ni lông thông thường, đồng thời đẩy mạnh việc sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lông trong các sinh hoạt tiêu dùng của người dân, góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, suy cho cùng, nói theo lời PGS-TS. Hồ Sơn Lâm: “Túi ni lông không có tội tình gì, bản thân nó không gây ô nhiễm môi trường mà chính là cách thức sử dụng và hành vi, ý thức của con người”.

HIẾU THƯỢNG

Tin cùng chuyên mục