Đây là một trong những nỗ lực của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM nhằm cung cấp cho người dân thông tin về hiện trạng môi trường trên địa bàn thành phố.
Xu hướng tất yếu
“Nhờ có những thông tin hiển thị trên bảng điện tử ở các trục đường mà tôi mới biết được mức độ ô nhiễm không khí cũng như chất lượng nước kênh rạch trên địa bàn TPHCM như thế nào. Hy vọng những thông tin này được phổ biến rộng rãi và cập nhật thường xuyên hơn”, anh Nguyễn Văn Minh, quận 2, TPHCM hay đi qua tuyến đường Võ Văn Kiệt - một trong những tuyến đường có nhiều bảng thông tin điện tử hiển thị các thông số về môi trường, bày tỏ.
Đây cũng là nhu cầu của nhiều người dân TPHCM được thể hiện qua các cuộc tiếp xúc với các đại biểu Hội đồng nhân dân, Đại biểu Quốc hội thời gian gần đây.
Các thông số môi trường được đưa lên bảng điện tử giao thông tại TPHCM
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM trong những năm gần đây, nhất là khi dự án phát triển các khu đô thị mới cùng với phương tiện giao thông tăng cao, vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP ngày càng phức tạp. Kết quả quan trắc chất lượng môi trường thời gian gần đây cho thấy, nồng độ các chất ô nhiễm trong môi trường không khí như bụi, tiếng ồn ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, cùng với sự bùng nổ về dân số, các chất ô nhiễm trong môi trường nước kênh rạch, sông ngòi như DO (oxy hòa tan), coliform (ô nhiễm hữu cơ) hay dầu mỡ cũng tăng lên đáng kể.
Trước những thách thức về môi trường nói trên, việc kiện toàn cơ sở vật chất, bộ máy bảo vệ môi trường TPHCM được xem là yêu cầu hết sức cần thiết và cấp bách; có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với hoạt động phát triển kinh tế - xã hội nói chung của thành phố, nhất là trong điều kiện công tác quản lý môi trường chưa đồng bộ và còn mang tính chất thủ công như hiện nay.
Trong các cuộc làm việc với UBND TPHCM gần đây, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc đầu tư xây dựng một trung tâm điều hành môi trường thông minh (bao gồm các lĩnh vực như quản lý về đất đai, về quan trắc môi trường, thủy văn, về biến đổi khí hậu…) là hoàn toàn cần thiết, giúp nâng cao năng lực quản lý môi trường và ứng phó nhanh với các sự cố về môi trường. Qua đó, góp phần thực hiện thành công chương trình giảm ô nhiễm môi trường - một trong 7 chương trình đột phá của TP.
Tại TPHCM, từ vài năm trước, cơ quan quản lý môi trường đã thành lập Trung tâm Quan trắc môi trường. Tại đây cũng có hệ thống theo dõi chuyển biến chất lượng nước ở một số khu vực. Song, chất lượng về môi trường không khí chưa được cập nhật thường xuyên do chưa có hệ thống quan trắc cố định. Trong khi đó, chất lượng nước cũng chỉ được quan trắc ở một số lưu vực quan trọng và số liệu chưa được cập nhật liên tục. Do đó, khi các thông số này được cung cấp để hiển thị trên các bảng thông tin điện tử giao thông cũng chưa phản ánh được hiện trạng môi trường một cách tức thì để người dân có thể theo dõi và có biện pháp ứng phó kịp thời.
Một trong những sự cố môi trường được nhiều người dân TPHCM biết đến là tình trạng cá chết hàng loạt trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vào mùa mưa hàng năm. Nguyên nhân là do vào đầu mùa mưa, nước cuốn theo nhiều chất ô nhiễm xuống kênh làm khuấy động lớp bùn đất ô nhiễm ở đáy kênh khiến nguồn nước bị ô nhiễm tăng cao một cách đột ngột. Nếu chất lượng nước kênh được quan trắc thường xuyên thì sự cố này hoàn toàn có thể ngăn chặn được.
“Nếu chúng ta có hệ thống quan trắc tự động nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và số liệu này được truyền liên tục về trung tâm điều khiển để theo dõi thì khi chất lượng nước có dấu hiệu ô nhiễm tăng lên, chúng ta sẽ ứng phó ngăn cá chết bằng cách bổ sung các chất làm tăng oxy trong nước. Hoặc tăng cường bơm hút nước ô nhiễm ra khỏi kênh, đồng thời chủ động đưa nước từ sông Sài Gòn vào kênh nhiều hơn để giảm ô nhiễm. Như thế sẽ hạn chế được tình trạng cá chết do ô nhiễm. Đây là ví dụ cụ thể cho thấy, công tác quan trắc môi trường có ý nghĩa như thế nào nếu được thực hiện một cách liên tục, thường xuyên và được quản lý bằng hệ thống kết nối dữ liệu hiện đại”, một chuyên gia về môi trường dẫn chứng.
Từ năm 2003, khi cơ quan quản lý môi trường tại thành phố được thành lập trên cơ sở hợp nhất từ Sở Địa chính - Nhà đất và các cơ quan thực hiện về chức năng quản lý tài nguyên nước và khoáng sản, môi trường thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công nghiệp… thì công tác quản lý về tài nguyên và môi trường đã được xây dựng theo tiêu chí kết nối từ phường xã, quận huyện thuộc TPHCM đến bộ, ngành Trung ương.
Quản lý thông minh, hiệu quả sẽ tăng cao
Cụ thể, về tài nguyên, Sở Tài nguyên và Môi trường TP đã xây dựng được dữ liệu về quản lý đất và đo đạc bản đồ. Nổi bật là xây dựng được các loại bản đồ tỷ lệ 1/2000, 1/5000 với ứng dụng GIS nên rất thuận lợi cho công tác quy hoạch các lĩnh vực liên quan như xây dựng, giao thông… Đặc biệt hơn là mô hình một cửa về thủ tục đất đai, tạo bước đột phá được nhiều tỉnh thành đến tham quan, học hỏi. Về quản lý khoáng sản, sở cũng đã thực hiện quy hoạch tổng thể về tài nguyên nước theo định hướng đến 2025, xác định những vùng hạn chế khai thác nước ngầm. Về môi trường, đã xây dựng được nhiều khu chôn lấp rác sinh hoạt hợp vệ sinh; các khu công nghiệp, khu chế xuất đều được xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung và chất lượng nước xả thải được giám sát chặt chẽ…
Tuy nhiên, nếu so với nhu cầu thực tế của một thành phố lớn nhất nước và có tốc độ phát triển về dân số, đô thị, công nghiệp… quá nhanh, mô hình quản lý hiện nay của Sở Tài nguyên và Môi trường TP không thể theo kịp, nhất là về cơ sở vật chất. Năng lực về cơ sở hạ tầng cũng như trang thiết bị để quản lý, phân tích, đưa ra quyết định dựa trên các số liệu môi trường còn rất hạn chế. Do đó, việc đầu tư mới một trung tâm điều hành môi trường thông minh để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý môi trường hàng năm, cũng như góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ môi trường của thành phố là hết sức cấp thiết.
Hiện nay mô hình “Trung tâm quản lý môi trường thông minh” đang được triển khai, dự kiến thực hiện từ nay cho đến 2018. Trung tâm này được xây dựng ngay trụ sở của Sở Tài nguyên và Môi trường TP để tận dụng sự thuận lợi về giao thông và hạ tầng kỹ thuật ở khu vực trung tâm TPHCM.
Có thể hình dung, trung tâm này sẽ có một màn hình lớn, với các thiết bị máy móc hiện đại để kết nối và đưa các thông tin về hiện trạng môi trường từ các nơi về trung tâm điều khiển, nhằm cung cấp bức tranh toàn cảnh của TPHCM trên cơ sở tập hợp dữ liệu tất cả hệ thống thông minh khác như: camera giao thông, về thời tiết, khí tượng thủy văn, quy hoạch… Tại đây, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường có thể dễ dàng theo dõi, nắm bắt được các vấn đề về môi trường cũng như tài nguyên của TP để đưa ra các chỉ đạo kịp thời.
Một trong những mục tiêu mà “Trung tâm quản lý môi trường thông minh” nhắm đến là đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường không khí và chất lượng nguồn nước lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai để cảnh báo kịp thời và chính xác về nguyên nhân ô nhiễm. Ví dụ như ở hệ thống kênh Ba Bò, nếu có hệ thống quan trắc tự động được lắp đặt ở khu vực tiếp giáp với tỉnh Bình Dương, khi chất lượng nước bị ô nhiễm, chúng ta sẽ biết được nguyên nhân và sẽ chủ động liên hệ với tỉnh Bình Dương để kiểm tra hoạt động xả thải.
Để thực hiện được nhiệm vụ nói trên của “Trung tâm quản lý môi trường thông minh”, Sở Tài nguyên và Môi trường TP xác định từ nay sẽ tăng cường năng lực về quan trắc và phân tích môi trường cho Trung tâm Quan trắc môi trường; đồng thời, tăng cường về công tác quản lý số liệu quan trắc tự động cũng như sự kết nối, truyền dữ liệu một cách liên tục, ổn định. Sở này cam kết, khi “Trung tâm quản lý thông minh” đi vào hoạt động ổn định sẽ đảm bảo cung cấp chuỗi số liệu tin cậy, tức thời liên tục 24/24 giờ. Qua đó, làm cơ sở cho việc phát hiện và cảnh báo các vấn đề về môi trường, đánh giá được hiện trạng, xu thế và diễn biến môi trường để phục vụ công tác quản lý ngày một tốt hơn.
Nhiều chuyên gia về môi trường cho rằng, việc xây dựng mô hình quản lý môi trường thông minh là xu hướng tất yếu của sự phát triển, nhất là đối với các thành phố hiện đại.
Đơn cử như ở Hàn Quốc, từ nhiều năm trước, tại thủ đô Seoul đã xây dựng một trung tâm điều hành thông minh về môi trường. Các kết quả phân tích về môi trường như chất lượng không khí, chất lượng nước trên địa bàn thành phố đều được liên tục truyền về trung tâm này. Tại đây, sẽ có hệ thống cảnh báo nhanh khi các thông số về môi trường qua quan trắc, phát hiện vượt ngưỡng cho phép.
Tại thủ đô Kualar Lumpua (Malaysia) hay Bangkok (Thái Lan) cũng có hệ thống quản lý môi trường thông minh và các thông số về môi trường được chuyền về theo định kỳ.