Xây dựng và duy trì văn hóa an toàn tại nơi làm việc là xu hướng tất yếu, mang lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ), đồng thời, làm tốt công tác này sẽ giúp cải thiện điều kiện làm việc, phòng chống tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động và nâng cao uy tín của DN. Đây là nội dung được các đại biểu trong nước và quốc tế nêu ra tại Hội thảo Quốc tế “Vai trò của văn hóa an toàn trong kéo giảm tỷ lệ TNLĐ tại DN”, do Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động TPHCM tổ chức ngày 6-9.
Theo số liệu thống kê, năm 2017, cả nước có 8.956 vụ TNLĐ làm 9.173 người bị nạn; số vụ TNLĐ chết người là 898 vụ, số người chết là 928 người, số người bị thương nặng lên đến 1.915 người. So với năm 2016, số vụ TNLĐ trên toàn quốc tăng 2,1%, số nạn nhân tăng lên 1,3%.
Đánh giá về thiệt hại do TNLĐ, TS Nguyễn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động TPHCM cho hay, riêng năm 2017, TNLĐ ở TPHCM gây thiệt hại 19 tỷ đồng và hơn 26.200 ngày nghỉ. TNLĐ không chỉ cướp đi sinh mạng của những người vốn là trụ cột kinh tế gia đình, mà còn kéo theo những hệ lụy đau lòng khiến nhiều gia đình tan nát; cuộc sống của nhiều nạn nhân TNLĐ đã bị thay đổi một cách đột ngột theo chiều hướng xấu.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh lực an toàn lao động đến từ các nước Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia, Australia, ngoài chia sẻ kinh nghiệm, cách làm để giảm thiểu cao nhất về TNLĐ cũng đã giải đáp, gợi mở những vấn đề mà DN đang quan tâm hiện nay là làm thế nào có thể đào tạo, huấn luyện an toàn lao động tốt nhất, cũng như có các nguồn lực cho hệ thống phòng ngừa tai nạn, cảnh báo rủi ro... Các đại biểu nhấn mạnh, xây dựng văn hóa an toàn lao động là nhiệm vụ quan trọng, cần trở thành phong trào sâu rộng khắp các đơn vị, DN.