Cuối năm 2007, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý về nguyên tắc việc điều chỉnh quy hoạch tuyến đường sắt quốc gia và đường sắt cao tốc theo kiến nghị của TPHCM, dời ga Sài Gòn, ga Bình Triệu (TPHCM) về ga Dĩ An (Bình Dương). Tuy nhiên mới đây, Bộ Giao thông Vận tải lại kiến nghị giữ nguyên như hiện nay và chọn phương án nâng cao đoạn đường sắt từ ga Sài Gòn đến Bình Triệu dài khoảng 9,5km giao cắt với đường bộ tại 14 điểm.
Xây dựng đường sắt trên cao
Đoạn đường sắt từ ga Sài Gòn đến Bình Triệu dài khoảng 9,5km giao cắt với đường bộ tại 14 điểm đã tạo nên ùn tắc giao thông do phải chắn đường mỗi khi tàu chạy, nhất là giờ cao điểm. Đây là một trong những nguyên nhân thường xuyên dẫn đến các vụ tai nạn.
Để giải quyết những bất cập trên, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung cần điều chỉnh trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố đến năm 2025. Trong đó, nội dung chủ yếu là có nên di dời ga Sài Gòn hiện hữu hay không?
Sau nhiều lần TP kiến nghị di dời ga Sài Gòn nhưng phương án cuối cùng, bộ đề nghị giữ nguyên vị trí ga và sẽ xây đường sắt trên cao. Nguyên nhân do Sài Gòn là ga trung tâm đường sắt liên tỉnh và đường sắt nội - ngoại ô, nếu di dời gặp nhiều khó khăn vì vị trí ga mới không đáp ứng các tiêu chí cơ bản của ga trung tâm đô thị. Mặt khác, ga mới theo kiến nghị của thành phố lại nằm trên đất Bình Dương, nơi chưa được xác định quy hoạch phát triển giao thông vận tải. Việc di dời cũng đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn.
Ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, hiện nay, Bộ GTVT giao cho Cục Đường sắt lập báo cáo tiền khả thi cũng như tìm kiếm nguồn vốn để đầu tư hạng mục đường sắt trên cao từ ga Sài Gòn đến ga Bình Triệu quận Thủ Đức. TP đã nhiều lần đề nghị Bộ GTVT ưu tiên làm trước đoạn này, cụ thể, làm mới lại toàn bộ hệ thống đường sắt nói trên, nâng tĩnh không đoạn cầu Bình Lợi để đáp ứng tàu bè qua lại khu vực này.
Hiện nay, Bộ GTVT đang xúc tiến triển khai và tiếp tục cập nhật điều chỉnh cho phù hợp với tình hình phát triển đô thị của TPHCM song vẫn chưa thống nhất phương án chính thức. Cục Đường sắt VN đang chủ trì quy hoạch đầu mối đường sắt trên địa bàn TPHCM và các khu vực lân cận, trong đó có ga Bình Triệu, Sài Gòn, Tân Kiên, Dĩ An… Tổng Công ty Đường sắt VN triển khai lập dự án cụ thể để thực hiện, trong đó bao gồm cả ga Sài Gòn, ga Bình Triệu và đường sắt trên cao.
Điều chỉnh phù hợp với phát triển chung
Trong điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 đã xác định sẽ cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt thống nhất (đoạn Trảng Bom - Bình Triệu và Bình Triệu - Hòa Hưng), trong đó chuyển chức năng Bình Triệu - Hòa Hưng thành đường sắt đô thị. Xây mới ga trong khu đầu mối đường sắt, chuyển chức năng 2 ga hiện hữu (Bình Triệu và Sài Gòn) thành ga nội đô, xây mới ga Thủ Thiêm thành ga đường sắt đô thị.
Di dời ga Sài Gòn và Bình Triệu về ga Dĩ An do hiện ga Dĩ An đã kết nối các tuyến đường sắt TPHCM - Tham Lương - Lộc Ninh - Campuchia và tuyến TPHCM đi miền Tây Nam bộ. Các tuyến đường sắt cũ, thành phố sẽ sử dụng để xây tuyến monorail.
Thành phố nhiều lần kiến nghị điều chỉnh quy hoạch tuyến đường sắt quốc gia kết thúc tại ga ngoại vi thành phố, và kiến nghị không quy hoạch xây mới ga Thủ Thiêm thuộc tuyến đường sắt cao tốc TPHCM - Nha Trang tại quận 2 mà điều chỉnh đưa về ga Suối Tiên quận 9, vì tại đây đang xây dựng ga metro cuối tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên và xây dựng bến xe Miền Đông mới. Bởi vì, việc điều chỉnh quy hoạch phải được đánh giá tổng thể trong điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố và quy hoạch vùng TPHCM.
Tuy nhiên, Bộ GTVT có văn bản không đồng ý điều chỉnh dời ga đường sắt cao tốc Bắc Nam từ Thủ Thiêm ra Suối Tiên. Theo Bộ GTVT, chọn vị trí ga cuối cùng của tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam phải là ga Thủ Thiêm vì Thủ Thiêm là trung tâm đô thị mới, có hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, dân cư tập trung với mật độ cao. Nhà ga đường sắt cao tốc tại đây sẽ thỏa mãn các tiêu chí lựa chọn ga trung tâm và có hiệu quả tốt nhất.
Theo Bộ GTVT, việc điều chỉnh quy hoạch đường sắt theo quan điểm của thành phố sẽ làm thay đổi toàn bộ quy hoạch tổng thể phát triển ngành đường sắt, đặc biệt là mạng đường sắt quốc gia khu đầu mối TPHCM cũng như các quy hoạch liên quan của vùng. Về lâu dài sẽ tác động mạnh theo hướng tiêu cực đến tổ chức giao thông công cộng của thành phố và làm suy giảm vai trò của đường sắt trong hoạt động vận tải.
Cũng theo Bộ GTVT, quy hoạch phát triển GTVT TPHCM đã được nghiên cứu kỹ thấu đáo và được sự nhất trí cao của các cơ quan chức năng hữu quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ga Thủ Thiêm liên kết với ga hành khách liên vùng Hòa Hưng thông qua tuyến đường sắt đô thị số 2 sẽ trung chuyển lượng hành khách tiếp cận với các đô thị vệ tinh thông qua các tuyến đường sắt liên vùng như Hòa Hưng- Tân Kiên- Mỹ Tho- Cần Thơ; Hòa Hưng- Tây Ninh; Hòa Hưng-Dĩ An- Thủ Dầu Một- Lộc Ninh và Hòa Hưng- Vũng Tàu; liên kết trực tiếp với cảng Hàng không Long Thành, cụm cảng Thị Vải- Cái Mép và Bà Rịa- Vũng Tàu tại ga Long Thành cắt tuyến đường sắt Hòa Hưng-Vũng Tàu. |
DỊU HƯƠNG