(SGGP). – Chiều 18-4, Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức cuộc tọa đàm khoa học “Thủy điện Xayaburi và nguồn nước sông Mekong”. PGS-TS Hồ Uy Liêm, Phó Chủ tịch VUSTA, khẳng định, nguồn tài nguyên nước sông Mekong là không thể thay thế và quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững và thịnh vượng của đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy, việc xây đập Xayaburi và 11 bậc thang khác trên dòng chính hạ lưu vực sông Mekong sẽ không mang lại bất cứ một lợi ích nào cho ĐBSCL mà còn đe dọa trực tiếp tới đời sống của gần 20 triệu dân ĐBSCL hiện nay và các thế hệ tương lai cũng như đe dọa đến an ninh lương thực quốc gia và khu vực.
Phân tích các yếu tố về dự án đập thủy điện Xayaburi cũng như các vấn đề liên quan, TS Đào Trọng Tứ, thành viên Ban tư vấn mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), nguyên Phó Tổng thư ký Ủy ban sông Mekong, cho rằng nếu xây đập thủy điện Xayaburi sẽ như “phát đại bác” khai hỏa việc xây dựng toàn bộ các đập khác trên dòng chính Mekong ở phần hạ lưu. Sông Mekong là tài sản chung của các quốc gia trong lưu vực nên cứ một dự án nào trên dòng sông này đều có ảnh hưởng to lớn đến những quốc gia khác, nhất là ở vùng hạ lưu. Chính vì thế, VUSTA cũng như VRN đề xuất 5 vấn đề liên quan:
1. Hiện đã có nhiều giải pháp năng lượng thay thế bền vững có thể đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế và năng lượng trong hạ lưu vực Mekong thay vì phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mekong. Chính phủ Việt Nam có thể kêu gọi các đối tác phát triển quốc tế cùng giúp Lào thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội và tìm các giải pháp năng lượng thay thế.
2. Lào có nhiều tiềm năng thủy điện trên các chi lưu để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế quốc gia ít gây tác động môi trường xuyên biên giới thay cho phát triển thủy điện trên dòng chính. Việt Nam hiện đang tham gia xây dựng nhiều thủy điện trên dòng nhánh Mekong ở Lào, việc tăng cường hỗ trợ và viện trợ bạn nghiên cứu và xây dựng các thủy điện khác trên dòng nhánh có thể được xem như giải pháp “đền bù” hoặc giải pháp “cùng có lợi”.
3. Việc kiên quyết trì hoãn việc xây dựng đập Xayaburi để có thể tiến hành các nghiên cứu bổ sung theo khuyến nghị của báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Ủy hội sông Mekong (SEA) và đây là điều kiện tiên quyết để tránh hậu quả lớn lao sau này.
4. Chính phủ Việt Nam nên giao các cơ quan chức năng tiến hành ngay nghiên cứu đánh giá tác động toàn diện của hệ thống 12 công trình đập thủy điện đối với ĐBSCL. Xem xét phân tích lợi ích đa chiều vấn đề nhập khẩu điện từ các công trình dòng chính sông Mekong trong chiến lược năng lượng để có điều chỉnh phù hợp nhất, có xem xét đầy đủ lợi ích và thiệt hại của quốc gia.
5. Đề nghị phổ biến rộng rãi và nâng cao nhận thức công chúng về vấn đề thủy điện dòng chính sông Mekong để tranh thủ và vận dụng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và các nhà tài trợ trong vấn đề này.
T.LƯU
Ngày 18-4, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam về việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng sông Mekong trong đó có đập Xayaburi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nói: “Việt Nam mong muốn các quốc gia có liên quan phối hợp chặt chẽ trong việc nghiên cứu kỹ lưỡng tổng thể những tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong trước khi đưa ra quyết định triển khai xây dựng các công trình này. Các quốc gia ven sông cần hợp tác chặt chẽ trong việc khai thác và sử dụng công bằng và hợp lý các nguồn tài nguyên, đặc biệt là nguồn nước dòng sông Mekong nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần vào sự phát triển bền vững chung của toàn bộ lưu vực sông Mekong và mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia ven sông và người dân sinh sống tại khu vực này”. T.Nam |