Xe 3 – 4 bánh thô sơ: Cấm - vẫn chạy tràn lan

Sau gần 2 năm TPHCM thực hiện chương trình hỗ trợ thay thế xe cơ giới, xe thô sơ 3 - 4 bánh thuộc diện cấm lưu thông theo Nghị quyết 32 của Chính phủ, đến nay dù số lượng phương tiện có giảm, tuy nhiên khắp các tuyến đường trên địa bàn TP vẫn còn rất nhiều người hành nghề bằng loại xe này.
Xe 3 – 4 bánh thô sơ: Cấm - vẫn chạy tràn lan

Sau gần 2 năm TPHCM thực hiện chương trình hỗ trợ thay thế xe cơ giới, xe thô sơ 3 - 4 bánh thuộc diện cấm lưu thông theo Nghị quyết 32 của Chính phủ, đến nay dù số lượng phương tiện có giảm, tuy nhiên khắp các tuyến đường trên địa bàn TP vẫn còn rất nhiều người hành nghề bằng loại xe này.

  • Chạy liều

Mặc dù các quận, huyện trên địa bàn TP đã hỗ trợ tiền cho những người chạy xe 3 - 4 bánh thô sơ chuyển đổi sang các loại xe phù hợp hoặc chuyển đổi nghề nghiệp trước khi lệnh cấm có hiệu lực (1-1-2010). Tuy nhiên, hiện nay ở nhiều đoạn đường, người dân vẫn tiếp tục chạy xe 3 - 4 bánh thô sơ mặc dù đã có rất nhiều biển báo cấm được lắp đặt.

Xe thô sơ còn lưu thông trên nhiều tuyến đường tại TPHCM. Ảnh: Thanh Tâm

Xe thô sơ còn lưu thông trên nhiều tuyến đường tại TPHCM. Ảnh: Thanh Tâm

Trên quốc lộ 13, đoạn từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình, đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh), đường Trường Chinh (quận Tân Bình), CMT8, Võ Văn Tần (quận 3)... vẫn xuất hiện những chiếc xe ba gác máy chạy chở hàng vào khoảng thời gian lệnh cấm có hiệu lực (từ 5 giờ đến 13 giờ trong khu vực nội thành và từ 6 giờ đến 8 giờ trên các tuyến quốc lộ). Nhiều xe thu gom rác cũng lưu thông trong giờ cao điểm, xe đẩy tay vẫn tiếp tục rong ruổi trên nhiều đoạn đường ở trung tâm TP như Tôn Đức Thắng, Lý Tự Trọng, Cách Mạng Tháng Tám... (quận 1), tuy nhiên vẫn không thấy cơ quan chức năng xử lý. Đặc biệt, trên địa bàn quận 5 như đường Hồng Bàng, Châu Văn Liêm, Hậu Giang, An Dương Vương… bất kể giờ cấm hay không những chiếc xe 3 - 4 bánh thô sơ vẫn ngang nhiên chạy chở hàng.

Anh Phạm Văn Toản, thường chở hàng cho một cơ sở sản xuất đồ nhựa trên đường Nguyễn Thị Nhỏ, quận 11 cho biết anh từ Đồng Nai lên đây không có nghề nên mua một chiếc xe ba gác máy chạy, nghe nói cấm nhưng cũng phải luồn lách chạy để kiếm cái ăn. Tuy nhiều lần bị xử phạt hành chính nhưng anh Toản vẫn sử dụng xe ba gác máy loại cũ để chở hàng. “Phạt xong, mấy chú CSGT bảo nên mua loại xe mới để khỏi bị phạt nhưng tiền kiếm được ngày nào xào ngày ấy, lấy đâu ra tiền để mua xe”, anh Toản nói.

Giống như anh Toản, nhiều người vẫn làm liều để kiếm thêm thu nhập và giữ mối chở hàng. Anh Nguyễn Minh Tùng, hành nghề xe ba gác máy trên đường Hồng Bàng, quận 5 cho biết: “Cấm thì cấm, dám chạy hay không là do mình. Tất nhiên thấy CSGT phải lo né chứ không bị tịch thu xe. Thời gian chúng tôi được lưu thông ngắn quá! Không đủ thu nhập cho gia đình nên đành... làm liều”.

  • Lờn thuốc

Theo Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ “Về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông” thì các loại xe tự chế 3 - 4 bánh sẽ bị tịch thu. Song song đó các địa phương cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ để chuyển nghề, mua sắm phương tiện mới cho những người có xe bị thu hồi.

Thống kê từ các quận, huyện gửi về Sở Tài chính cho thấy toàn TPHCM có hơn 24.000 xe 3 - 4 bánh thuộc diện bị đình chỉ lưu thông, trong đó có hơn 3.000 xe do người sử dụng thuộc diện nghèo, số còn lại là người địa phương gắn bó lâu năm với nghề chạy xe 3 gác hoặc dân từ các tỉnh đổ về TP làm ăn, sinh sống. Cũng theo thống kê của Sở Tài chính TPHCM, đến nay, ngân sách TP đã tạm ghi kinh phí hơn 120 tỷ đồng cho việc hỗ trợ chủ phương tiện thay thế xe 3 - 4 bánh bị đình chỉ lưu thông. Chưa kể số tiền không nhỏ do UBND các quận, huyện vận động mạnh thường quân hỗ trợ các hộ nghèo có xe trong diện này. Chủ trương hỗ trợ của TP là hợp lòng dân, được xã hội đồng tình, được đánh giá sẽ mang lại hiệu quả tốt nếu người dân chấp hành nghiêm.

Xử lý xe thô sơ 3-4 bánh tại TPHCM. Ảnh: THÀNH TÂM

Xử lý xe thô sơ 3-4 bánh tại TPHCM. Ảnh: THÀNH TÂM

Theo Quyết định 04 của UBND TP ban hành tháng 1-2009, việc hỗ trợ các hộ nghèo có khá nhiều ưu đãi: Ngoài mức hỗ trợ 7 triệu đồng/phương tiện còn hỗ trợ đào tạo nghề không hoàn lại 3,6 triệu đồng/người/khóa, hỗ trợ vay vốn mua phương tiện mới tối đa 50 triệu đồng/hộ, hỗ trợ vay vốn tối đa 30 triệu đồng/hộ để tham gia hợp tác lao động. Vì thế, trong thời gian qua, hầu hết các quận, huyện thực hiện triệt để việc chuyển đổi nghề cũng như hỗ trợ các hộ thuộc diện nghèo. Do số hộ nghèo sử dụng phương tiện này ít nên vấn đề quản lý, kiểm soát việc chuyển nghề, hỗ trợ cũng dễ dàng. Chưa kể TP có nhiều ưu đãi cho các hộ thuộc diện nghèo nên đa số các hộ sau khi nộp xe, nhận tiền đều tìm một nghề khác thay thế, phù hợp hơn. Đến nay, tại các quận, huyện chưa nghe phản ánh trường hợp nào mua xe tự chế sử dụng lại.

Theo Phòng CSGT Đường bộ - Công an TP, có hơn 21.000 phương tiện đã thu hồi. Song trên thực tế, theo phản ánh, lực lượng CSGT vẫn phải xử phạt và tiếp tục thu hồi một lượng lớn xe tự chế khiến hầu hết các kho bãi chứa xe đều quá tải.

Luật Giao thông đường bộ quy định: Đối với các phương tiện xe công nông, xe thô sơ 3 - 4 bánh, xe ba gác máy… không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật, không đăng ký, đăng kiểm... sẽ bị tịch thu nếu bị xử phạt. Thế nhưng, CSGT không ít lần phải nương tay bởi không nỡ tước chén cơm của những người lao động nghèo. Xã hội ngày càng văn minh, đường phố cần sự an toàn, thông thoáng… vì thế mọi người phải thực hiện nghiêm quyết định của Chính phủ. Muốn vậy, không chỉ cần liều thuốc mạnh của luật pháp mà còn rất cần ý thức của người dân. 

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục