Thời gian đầu, các ngành chức năng đồng loạt triển khai xử lý rốt ráo tình trạng xe 3, 4 bánh, xe thô sơ lưu thông trong giờ cao điểm, đường cấm. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm, tình trạng này đang bị bỏ lơ.
Giờ nào cũng chạy
Hình ảnh những chiếc xe 3 bánh tự chế, chở hàng cồng kềnh vẫn chạy ngang nhiên như chốn không người trên các tuyến đường đã cấm, nhất là những tuyến đường cửa ngõ, khu vực xây dựng và buôn bán ngày càng nhiều.
Bất chấp giờ cao điểm hay thấp điểm trên đường Lý Thường Kiệt, hàng loạt chiếc xe 3 bánh chở sắt và vật liệu xây dựng luồn lách qua dòng xe dày đặc đang lưu thông thông. Nhìn những cây sắt dài lúc nhổng lên trời lúc nhịp xuống đất khi xe chạy qua những đoạn đường nhấp nhô, những người điều khiển xe máy vội vàng nếp vào nhường chỗ cho “hung thần” này qua. Trên tuyến này, mật độ xe ba gác xuất hiện rất nhiều. Khi tài xế phát hiện cảnh sát giao thông đứng chốt thì canh đèn tín hiệu chạy nép theo sau xe tải lớn. Xe nào không vượt qua được cảnh sát giao thông thì quẹo vào hẻm, chờ cảnh sát giao thông qua rồi đi tiếp.
Tương tự, trên một số tuyến đường như trên CMT8, Hoàng Văn Thụ, Hai Bà Trưng, Nguyễn Văn Trỗi, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn từ Cách Mạng Tháng Tám - Hai Bà Trưng quận 1 và quận 3), Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh)… nhiều xe 3, 4 bánh vẫn lưu thông trên các giao lộ đã có bảng cấm lưu thông từ 5 giờ đến 13 giờ và từ 16 giờ đến 22 giờ.
Trên đường Hoàng Văn Thụ từ ngã tư Phú Nhuận hướng về bến xe miền Đông ngày nào cũng có những chiếc ba gác không biển kiểm soát chở đầy vật liệu xây dựng lưu thông. Điều đáng ngạc nhiên là cảnh sát giao thông hầu như không xử phạt hay xử lý gì cả.
Trên tuyến đường Võ Văn Kiệt (khu vực quận 5 và 6) - tuyến đường được cho là hiện đại bậc nhất TP hiện nay- loại xe thô sơ này vẫn xuất hiện. Thời gian qua có khá nhiều xe ba bánh (có động cơ, không đăng ký), xe bán hàng rong vẫn xuất hiện trên nhiều tuyến đường cấm như Nguyễn Thị Minh Khai (trước công viên Tao Đàn), Trương Định (quận 3), Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận), Trường Sơn, CMT8 (quận Tân Bình)…
Mặc dù các bảng cấm xe 3, 4 bánh tự chế đã được đặt trên các tuyến đường những người điều khiển phương tiện này ai cũng biết về lệnh cấm nhưng bằng nhiều lý do hoặc do không bị phạt nên họ vẫn hoạt động.
Xử lý thật nghiêm
Cách đây hơn hai năm, các sở, ngành và UBND các quận, huyện trên toàn TP tổng lực ra quân kiểm tra, xử lý đình chỉ lưu thông các loại xe thô sơ 3, 4 bánh tự chế trên địa bàn. Tuy nhiên, việc thực hiện kéo dài được vài tháng, sau đó nhiều quận huyện có phần nới lỏng hoặc thực hiện chưa kiên quyết dẫn đến tình trạng xe 3, 4 bánh thô sơ, tự chế xuất hiện trở lại khắp nơi và còn cố tình lưu thông vào đường cấm, giờ cấm.
Từ ngày 1-1-2010, có 67 đoạn đường có lệnh cấm các loại xe thô sơ 3, 4 bánh lưu thông. Nay TP đã tăng thêm hàng loạt tuyến nữa. Tuy đã được hỗ trợ chuyển đổi nghề nhưng một số người tiếp tục tự chế xe 3, 4 bánh hoặc mang xe từ tỉnh khác vào TP hoạt động. Công an TPHCM từng kiến nghị UBND TP lập đoàn kiểm tra liên ngành, gồm Sở Công thương, Sở GTVT… để kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, lắp ráp các loại xe 3, 4 bánh tự chế. Thời gian qua, việc xử lý, tịch thu xe loại này chưa được thực hiện triệt để vì nhiều nguyên nhân.
Về việc xử lý xe 3, 4 bánh tự chế lưu thông vào đường cấm, Phòng CSGT đường bộ, Công an TPHCM thường xuyên yêu cầu toàn bộ các đội, trạm quản lý 67 tuyến đường cấm hay hạn chế xe 3, 4 bánh thô sơ; tập trung kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm và xử lý nhanh các trường hợp cự cãi chống lại người thi hành công vụ.
Thống kê từ các quận, huyện toàn TP có khoảng 24.000 xe 3 - 4 bánh thuộc diện bị đình chỉ lưu thông, trong đó có hơn 3.000 xe do người sử dụng thuộc diện nghèo, số còn lại là người địa phương hoặc dân từ các tỉnh đổ về TP làm ăn, sinh sống bằng nghề chạy xe ba gác. Thế nhưng con số thực tế những xe này đang hoạt động còn lớn hơn rất nhiều lần. Đặc biệt xe không được đăng ký, đăng kiểm hoạt động “chui” là không thể kiểm soát hết.
Hiện nay, có rất nhiều cơ sở sản xuất xe tự chế hoạt động không cần bất cứ một đăng ký hay điều kiện nào. Chỉ cần 15 - 20 triệu đồng trong vòng 4 đến 5 ngày là có thể sở hữu một chiếc xe ba bánh mới có động cơ xe máy 100 phân phối, có khung sườn và thùng chở hàng bằng thép.
Theo Sở Tài chính TP, đến nay, ngân sách TP đã tạm ghi kinh phí hơn 120 tỷ đồng cho việc hỗ trợ chủ phương tiện thay thế xe 3 - 4 bánh bị đình chỉ lưu thông. Chưa kể số tiền từ UBND các quận, huyện vận động mạnh thường quân hỗ trợ các hộ nghèo có xe trong diện này. Chủ trương hỗ trợ của TP là hợp lòng dân, được xã hội đồng tình, được đánh giá sẽ mang lại hiệu quả tốt nếu người dân chấp hành nghiêm.
THÁI BÌNH
- Thông tin liên quan:
>> Cấm xe xe thô sơ và ba, bốn bánh lưu thông trên một số tuyến đường