
Theo một đề án đang được ngành giao thông công chính TPHCM xúc tiến, xe buýt hoạt động trên địa bàn TPHCM trong một tương lai không xa cũng sẽ được trang bị mỗi xe một chiếc hộp đen, gần giống như trên máy bay, mặc dù tính năng mục đích có thể có đôi chút khác biệt.
- Dự án mang tính cách tân

Hành khách đi xe buýt tại Trung tâm điều hành và Vận tải hành khách công cộng.
Phát triển vận tải hành khách bằng xe buýt là một đòi hỏi bức thiết của TPHCM nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời tránh ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường mà lại đảm bảo an toàn giao thông. Thế nhưng thực tế vẫn còn một số bất cập trong quá trình điều hành hoạt động của hệ thống xe buýt, từ đó ảnh hưởng không tốt đến các hoạt động kinh tế và sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng cư dân thành phố. Bằng chứng ?
Hiện nay Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng đang quản lý 89 tuyến xe buýt, thực hiện vận chuyển khoảng 15.000 chuyến xe buýt mỗi ngày, hầu như phủ khắp địa bàn. Vì thế vấn đề đặt ra cho cơ quan chức năng là với khối lượng, tần suất xuất bến của hệ thống xe buýt hàng ngày lớn như vậy, làm sao để quản lý sâu sát, giám sát tốt nhằm không xảy ra tình trạng tài xế xe buýt bỏ chuyến, bỏ trạm, phóng nhanh vượt ẩu, dừng đỗ đón trả khách không đúng trạm, chạy sai lộ trình…
Đây lại toàn là những xuất phát điểm dẫn tới thái độ phục vụ không tốt, hoặc (xe buýt) gây nguy hiểm cho người/phương tiện khác tham gia lưu thông trên đường. Từ trước đến nay, giải pháp mang tính “thủ công” và đối phó tình thế là trung tâm phải bố trí gần 200 nhân viên chỉ để làm công tác giám sát những việc này tại các vị trí đầu và cuối bến, biết rằng sự bố trí nhân sự như thế vẫn không thể giám sát, khắc phục các tình trạng cố ý nêu trên.
Đó là nguyên nhân dẫn đến việc Sở Giao thông - công chính yêu cầu nghiên cứu đầu tư một hệ thống thiết bị quản lý khách quan về tình hình xe buýt hoạt động trên tuyến. Dự án “đầu tư thiết bị, phương tiện điều hành vận tải hành khách nội thành” ra đời là vì thế.
Mục tiêu chung của dự án là đề xuất giải pháp đầu tư hiệu quả một hệ thống thiết bị quản lý xe buýt tại Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, dựa trên công nghệ tích hợp GIS và GPS để giám sát hành trình một chuyến xe. Do hạn chế về kinh phí, dự án được phân kỳ đầu tư thành 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu tập trung vào việc đầu tư thiết bị quản lý cơ bản tại trung tâm và đầu tư thử nghiệm 15 hộp đen trên một số xe buýt chạy trên nhiều tuyến khác nhau, trước khi tiến hành đại trà ở giai đoạn tiếp theo.
- Hộp đen xe buýt, lợi cho ai?
Người tàn tật được đi xe buýt miễn phí |
Theo nhóm nghiên cứu, nhờ hệ thống tích hợp GPS, hộp đen gắn trên xe buýt sẽ giúp quản lý, giám sát được sâu sát rất nhiều khía cạnh trên hành trình của một chuyến xe buýt.
Chẳng hạn như cho biết lái xe có bỏ trạm không (tức đảm bảo dừng trạm đúng giờ); thời gian xe chạy từng tuyến so với biểu đồ; giám sát được tốc độ xe đang chạy (từ đó giúp trung tâm có thể ngay lập tức khuyến cáo đối với trường hợp lái xe đang chạy quá tốc độ cho phép, đồng nghĩa tránh nguy cơ gây ra tai nạn giao thông); nhờ hệ thống quản lý gia tốc mà biết được xe đã thắng gấp bao nhiêu lần (có nghĩa làm hành khách bị mất thăng bằng, bị nhồi xóc bao nhiêu lần trên chuyến hành trình); giám sát xe có mở máy lạnh hay không (thực tế còn một số lái xe cố tình tắt máy lạnh để đỡ tốn nhiên liệu).
Về phía hành khách, với biểu đồ chạy xe chính xác và không còn nạn bỏ trạm, người dân sẽ thật sự được phục vụ với giờ giấc chính xác, không bị phiền phức vì lối hoạt động tắc trách. Một tác dụng thiết thực khác, khi tài xế xe buýt không còn dám chạy nhanh chạy ẩu, cũng tức là hành khách không hoặc sẽ bớt đi tình trạng bị nhồi xóc, mất thăng bằng trên xe (do thắng gấp). Không chỉ người đi trên xe buýt, mà cả cư dân tham gia lưu thông bằng các phương tiện khác trên đường cũng được giảm tối đa nguy cơ bị tai nạn do xe buýt gây ra vì tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu hoặc lấn làn lấn tuyến của xe buýt.
Chỉ có điều chi phí đầu tư cho mỗi hộp đen này là khá cao, sẽ trở thành một gánh nặng cho các chủ xe buýt không thuộc đội xe được ngân sách nhà nước đầu tư trang bị. Theo tiến sĩ Lê Văn Trung, giảng viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM, thành viên tham gia nghiên cứu dự án, chi phí cho mỗi hộp đen là khoảng 1.200 USD, và đây cũng chỉ mới dừng lại ở mức trang bị trên xe, để nối kết được với trung tâm, tức hoạt động được như mong đợi, kinh phí đầu tư phải là 5.000 USD/hộp đen. Vì thế giải pháp mang tính dung hòa là ngân sách nhà nước sẽ đầu tư toàn bộ hộp đen, sau đó cho từng chủ xe buýt thuê lại, thu phí hàng tháng, với mức phí thuê bao dự kiến 300.000 đồng/xe/tháng.
Hiện nay ngành giao thông công chính đang chờ chính quyền thành phố phê duyệt báo cáo đầu tư dự án này.
TRUNG KHANH - QUỐC TRỌNG