Xe buýt… đã đến lúc phải thay đổi

Xe buýt… đã đến lúc phải thay đổi

Trợ giá cho vận tải công cộng - đó là điều phải được khẳng định. Tuy nhiên, trợ giá như thế nào để vẫn thu hút được hành khách và không trở thành gánh nặng cho ngân sách thành phố là việc cần phải bàn.

  • Khách hàng là thượng đế

Xe buýt… đã đến lúc phải thay đổi ảnh 1

Xe buýt TPHCM ngày càng được người dân ưa chuộng.

Dẫu còn nhiều vấn đề cần chấn chỉnh nhưng có thể ghi nhận hoạt động vận tải hành khách của TPHCM trong 5 năm trở lại đây đã có cố gắng cải tiến việc phục vụ hành khách.

Cách nay hơn 5 năm, khi mà xe cá nhân phát triển bộc phát, xe buýt gần như bị chìm lỉm trong làn xe cá nhân, TPHCM đã mạnh dạn trích ra khoảng 100 tỷ đồng/năm trợ giá cho hoạt động vận tải hành khách công cộng nhằm vực dậy loại hình vận tải này.

Với sự hỗ trợ ấy, giá vé xe buýt đổ đồng chỉ có 1000 đồng/vé/người/tuyến - rẻ hơn giá giữ xe gắn máy ở trung tâm thành phố - đã thu hút nhiều người quay trở lại với xe buýt. Lượng hành khách tăng nhanh qua từng tháng, từng năm, nhất là khi thành phố đổi mới được toàn bộ số xe buýt và mua thêm hàng ngàn xe buýt mới.

Tiếp tục sự khởi đầu tốt đẹp này, cùng với việc trợ giá, TPHCM đã mở thêm hàng chục luồng tuyến mới, đưa xe buýt đến nhiều khu chế xuất, công nghiệp, nhiều trường học, nhiều khu dân cư ở tận các huyện xa để phục vụ người dân… Tính đến nay số lượng tuyến đã tăng gần gấp đôi so với năm 2000-2001 - ước lên tới hơn 100 tuyến. Không nhắm đến khách hàng một cách chung chung, thành phố lên kế hoạch chăm sóc cho từng đối tượng hành khách của mình.

Với sinh viên, một mặt thành phố tăng cường xe buýt thường (loại xe chạy dừng và trả khách ở tất cả các trạm dừng, nhà chờ trên tuyến) cho tuyến Lê Hồng Phong - Thủ Đức và Ký Thủ Ôn - Thủ Đức… (chở sinh viên từ Sài Gòn lên Thủ Đức học), mặt khác tăng thêm những tuyến buýt nhanh (chỉ dừng và trả khách ở một vài điểm nhất định nhằm rút ngắn thời gian chạy, đảm bảo giờ học cho sinh viên).

Với công nhân, thành phố triển khai chương trình đưa đón công nhân có trợ giá. Với học sinh, ngành chức năng cũng đến từng trường vận động và tổ chức xe đưa đón học sinh đi học. Đặc biệt, với hành khách ở các tụ điểm xe “dù” trên đường Lê Hồng Phong (Q.10) thành phố cũng cho phép mở tuyến xe buýt đưa lượng hành khách này ra bến xe miền Tây nhằm lập lại trật tự ở đây. Song song với các hoạt động này, thành phố cũng tổ chức nhiều lớp học bồi dưỡng nghiệp vụ phục vụ hành khách cho đội ngũ tiếp viên, tài xế xe buýt.

  • Hành khách cũng phải có trách nhiệm

Thành phố còn rất nhiều lĩnh vực cần phải đầu tư, do vậy sử dụng tiền trợ giá cho vận tải hành khách công cộng một cách hợp lý, mang lại hiệu quả cao nhất là đòi hỏi của người dân đối với ngành chức năng.

Thời gian qua, dường như quá mải mê với việc thu hút hành khách, ngành chức năng đã có những giải pháp chưa hợp lý. Cũng không khó lắm để nhận thấy điều này. Hãy cứ đến Nhà máy Xi măng Hà Tiên nằm dọc theo Xa lộ Hà Nội. 5 chiếc xe buýt loại lớn chỉ có mỗi việc: sáng đưa công nhân của Xi măng Hà Tiên đi làm, chiều đưa công nhân về nhà.

Giải bài toán vận tải như vậy là không tối ưu. Đầu tư 5 chiếc xe buýt loại lớn không thể chỉ chủ yếu ngày 2 buổi đưa đón công nhân - cho dù phần lớn chi phí vận tải do nhà máy chi trả. Hiệu quả sử dụng đồng tiền như vậy trên bình diện chung của toàn xã hội là không cao, nhất là khi Nhà máy Xi măng Hà Tiên cũng là doanh nghiệp nhà nước.

Ngành chức năng cũng đã có lời giải thích về vấn đề này: nếu tận dụng thời gian trống để nhận thêm những hợp đồng vận chuyển khác, sợ rằng về không kịp giờ đưa đón công nhân. Đưa xe khác vào thay thế e khó, vì hợp đồng vận chuyển giữa 2 bên đã ghi rõ loại xe. Lời giải thích này không phải không có lý nhưng hoạt động vận tải hành khách công cộng là hoạt động đặc thù, có trợ giá của nhà nước nên không thể tập trung cho riêng một đối tượng.

Trong việc vận chuyển hành khách là sinh viên cũng vậy. Trước hoặc gần mỗi trường đại học đều có trạm xe buýt đưa đón sinh viên từ Sài Gòn lên Thủ Đức học và đi đến nhiều địa điểm khác trong thành phố. Thế nhưng trong trường lại cũng có xe buýt đưa đón sinh viên đi học.

Khách quan mà nói, vào đầu giờ sáng số xe buýt này cũng có một số sinh viên sử dụng để đi học ở Thủ Đức song thời gian còn lại hầu như chỉ có vài người đi. Lý do rất đơn giản sinh viên có thể chỉ học 1-2 tiết rồi nghỉ và như vậy họ ra đón xe buýt ngoài về thẳng nhà cho tiện.

Hiện xe buýt đưa đón sinh viên và xe buýt trên tuyến tương đương nhau về chất lượng, giá vé, nên sinh viên gần như không có chút lấn cấn khi quyết định chọn đi loại xe nào. Không chỉ không có hiệu quả, loại hình vận chuyển riêng cho sinh viên này còn nhiều bất hợp lý. Về nguyên tắc, xe phục vụ sinh viên chỉ đưa đón sinh viên, nhưng trên thực tế xe này đón bất kỳ hành khách nào, gây ra những bất đồng không đáng có giữa xe buýt thường (đưa đón mọi đối tượng) với xe buýt đưa đón sinh viên.

Theo một sinh viên Đại học Bách Khoa, đón xe buýt ở trong trường hay đi vài bước ra trạm xe buýt ngoài đường không quan trọng. Vấn đề là xe buýt văn minh, sạch, đẹp, đưa đón đúng giờ, có nhiều chuyến, nhiều tuyến cho mọi người lựa chọn. Một công nhân của Nhà máy Xi măng Hà Tiên cũng nhận xét: “Xe buýt văn minh với mạng lưới rộng khắp và giá vé hợp lý là được. Chúng tôi nghĩ mình cũng phải có trách nhiệm chia sẻ gánh nặng trợ giá với nhà nước”.

An Nhiên - Kim Thư 

Tin cùng chuyên mục