Nên hay không nên tiếp tục “đặc cách” để xe buýt lưu thông hai chiều trên đường Trần Hưng Đạo. Câu hỏi này đang chờ trả lời của UBND TPHCM.
Tăng khách, giảm tai nạn
Ngay từ giữa tháng 7-2003, TP đã triển khai thực hiện thử nghiệm đề án “Tuyến xe buýt ưu tiên trên hành lang đường Trần Hưng Đạo” do Đoàn nghiên cứu dự án “Quy hoạch tổng thể và nghiên cứu khả thi giao thông đô thị khu vực TPHCM” – gọi tắt là Houtrans (Nhật Bản) tài trợ kinh phí.
Riêng xe buýt đã được phép lưu thông hai chiều trên đường Trần Hưng Đạo, đoạn từ đường Châu Văn Liêm đến Nguyễn Tri Phương, vốn chỉ cho phép giao thông một chiều theo hướng từ đường Nguyễn Tri Phương về đường Châu Văn Liêm. Những kết quả đạt được từ việc “đặc cách” khá tích cực.
Thống kê của ngành chức năng cho thấy trước khi thực hiện dự án ưu tiên này, tuyến xe buýt chợ Bến Thành-chợ Bình Tây chỉ đạt không quá 3.000 lượt hành khách/ngày, thế nhưng sau thời điểm 15-7-2003, con số đó đã vọt lên trên 10.000 lượt hành khách/ngày và hiện nay đã hơn 20.000!
Theo số liệu từ Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ – Công an TPHCM, trong năm 2009, đoạn đường này không xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến xe buýt, chỉ có hai vụ va quẹt không đáng kể nhưng lỗi do phương tiện khác lưu thông lấn vào làn đường ưu tiên cho xe buýt. Còn 5 tháng đầu năm 2010, không xảy ra vụ tai nạn nào trên đoạn đường này liên quan đến xe buýt.
Từ những thành quả trên, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã triển khai thêm mô hình “làn đường ưu tiên cho xe buýt” tại một số tuyến đường khác như Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Kiệm. Nhưng sau đó phải tạm dừng do TP triển khai đồng loạt thi công đào đường phục vụ lắp đặt các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Tuy nhiên, việc sử dụng làm đường ưu tiên cho xe buýt không nhận được sự đồng tình của một số người dân sống tại khu vực. Trước tình hình này, theo kiến nghị của Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Thành ủy, Quận ủy và UBND quận 5, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở GTVT xem xét, xây dựng các phương án điều chỉnh “làn ưu tiên cho xe buýt” theo hướng hoàn thiện hơn.
Tiếp tục duy trì?
Mới đây Sở GTVT đã trình thường trực UBNDTP 3 phương án điều chỉnh làn đường ưu tiên cho xe buýt. Theo phương án thứ nhất, làn đường ưu tiên cho xe buýt trên đường Trần Hưng Đạo sẽ được chuyển sang lưu thông trên đại lộ Đông - Tây; phương án hai đề xuất chuyển lưu thông qua đường Hồng Bàng-Hùng Vương; phương án thứ ba, chuyển lưu thông qua đường Nguyễn Trãi.
Thế nhưng, theo Sở GTVT phương án 1, cự ly tuyến bình quân sẽ tăng thêm 1,65km và vì thế làm tăng thêm chi phí 3,26 tỷ đồng mỗi năm. Không những thế, với phương án này, khoảng cách tiếp cận xe buýt của hành khách và khoảng cách tiếp chuyển của hành khách giữa lượt đi và lượt về hơn 700m, tức không thuận tiện cho người đi xe buýt. Một điểm đáng lo ngại nữa, nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông tại giao lộ An Bình-Trần Hưng Đạo rất lớn, bởi vì đường An Bình có bề rộng quá nhỏ, chỉ 8m mà lại giao thông hai chiều.
Về lâu về dài, dọc theo đại lộ Đông - Tây sẽ có tuyến xe điện mặt đất, nên làn xe buýt ưu tiên sẽ trở nên thừa. Tương tự, hai phương án còn lại cũng có hàng loạt điểm không ổn. Vì sẽ tăng thêm lưu lượng xe buýt trên đường Hồng Bàng-Hùng Vương vốn đang có hàng chục tuyến xe buýt vắt ngang qua (đối với phương án 2); hoặc việc xe buýt quẹo phải từ đường Châu Văn Liêm vào đường Nguyễn Trãi xem ra rất khó khăn, do khi pha đèn xanh thì phía trong dòng xe gắn máy sẽ đi thẳng, từ đó vô hình trung gây cản trở cho xe buýt quẹo trái (đối với phương án 3).
Quan điểm của Sở GTVT, TP nên tiếp tục cho phép duy trì nguyên trạng giao thông hiện nay đối với xe buýt trên tuyến đường Trần Hưng Đạo đoạn từ Nguyễn Tri Phương đến Châu Văn Liêm. Tuy nhiên, Sở GTVT cũng nói rõ trong trường hợp không thể tiếp tục duy trì làn đường ưu tiên cho xe buýt trên đường Trần Hưng Đạo, phương án 3 chuyển lộ trình ưu tiên sang đường Nguyễn Trãi là ít bất cập nhất trong 3 phương án nêu trên.
Thiện Nhân