Sau gần một tuần Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng về cắm biển cấm ô tô trên 9 chỗ dừng, đậu đón khách trên đường Lê Thị Hồng Gấm và Nguyễn Thái Bình (quận 1), tình hình trật tự giao thông ở đây đã được cải thiện. Thế nhưng…
Vấn nạn… gần 30 năm
Thật ra, trên địa bàn TPHCM không phải chỉ có hai tuyến đường trên có hiện tượng xe khách liên tỉnh dừng đón khách, gây mất trật tự an ninh và an toàn giao thông. Theo ông Hồ Văn Hưởng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam thì có gần 10 tuyến đường có tình trạng tương tự như vậy. Đường Phó Cơ Điều (quận 5), khu vực gần Bệnh viện Chợ Rẫy, thường xuyên có xe của hai doanh nghiệp Hùng Cường và Huệ Nghĩa dừng, đậu đón khách đi An Giang; đường Trần Phú (quận 5) có hai doanh nghiệp tên Thanh Thủy và Kim Hoàng dừng đón khách đi Trà Vinh… Ồn ào, mất trật tự, mất vệ sinh, ùn ứ giao thông… mỗi khi xe của các doanh nghiệp đón, trả khách là cảnh tượng thường thấy ở các khu vực nêu trên.
Các hãng xe “dù” lập bến “cóc” để rước khách
Cuộc chiến xử lý tình trạng này, nói nôm na là cuộc chiến chống xe dù ở TPHCM đã diễn ra gần 30 năm nay. Rất nhiều giải pháp đã được TPHCM triển khai nhằm giải quyết dứt điểm vấn nạn xe dù. Từ những giải pháp mềm dẻo như “sống chung với xe dù”: cho phép xe dù được đưa xe vào bến xe để hoạt động, mở một số điểm trong nội thành cho phép các đơn vị vận tải được bán vé và đưa xe trung chuyển vào đón khách ra bến xe, cho tới các giải pháp mang tính quyết liệt như đưa lực lượng thanh tra giao thông cùng cảnh sát giao thông truy tìm và chốt chặn, bắt xe dù… Thế nhưng, bất chấp những nỗ lực ấy, xe dù… vẫn tồn tại.
Xe khách Phương Trang tranh thủ dừng, rước khách trên đường Đề Thám (quận 1)
Xe dù đưa đón khách ngay trong nội thành, đáp ứng được nhu cầu “ngại” đi ra bến xe liên tỉnh của hành khách - đó là lý do chính khiến nạn “bến cóc, xe dù” tồn tại được đến ngày nay. Chưa kể, tình hình an ninh, vệ sinh ở nhiều bến xe chưa tốt, làm cho hành khách không muốn ra bến. Cuộc chiến chống xe dù của ngành chức năng chưa được tiến hành liên tục, thường xuyên, hình phạt còn nhẹ, chưa mang tính răn đe. Đó là chưa nói đến một thắc mắc lớn của người dân, xe dù hoạt động ngang nhiên, hầu hết là xe từ 9 chỗ ngồi trở lên, không thể nói chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng không biết. Phải chăng xe dù được bảo kê?, nên người dân có muốn cũng không dám lên tiếng đấu tranh cùng với chính quyền thành phố.
Lại biến tướng để… đối phó
Như đã phản ánh ở trên, đến chiều ngày 22-2-2016, tình hình trật tự giao thông ở hai tuyến đường Lê Thị Hồng Gấm và Nguyễn Thái Bình đã cơ bản được chấn chỉnh. Tuy nhiên, chỉ là ở… hai tuyến đường này. Ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, do không được dừng đậu đón khách trực tiếp, các đơn vị vận tải đã cho xe trung chuyển vào đón khách. Mọi việc sẽ không có gì sai nếu như các đơn vị vận tải đưa xe trung chuyển chở khách ra các bến xe để chuyển giao cho các xe lớn đi liên tỉnh. Thế nhưng họ lại không làm vậy. Nhiều hãng xe đã đưa khách đến các… tuyến đường lân cận, những tuyến đường chưa bị cắm biển cấm dừng, đậu đối với xe từ 9 chỗ ngồi trở lên, và xe khách liên tỉnh lớn của họ sẽ đợi ở đấy để đón khách.
Phóng viên Báo SGGP đã chứng kiến doanh nghiệp vận tải Hoa Mai hướng dẫn hành khách mua vé đi Vũng Tàu lên xe trung chuyển 7 chỗ và chở khách tới nhà số 134 đường Võ Văn Kiệt, phường Nguyễn Thái Bình (quận 1). Cứ 10 đến 15 phút, lại thấy một xe khách lớn chở đầy khách từ đây… phóng ra, hướng về Vũng Tàu. Chiều ngược lại, chúng tôi cũng ghi nhận doanh nghiệp vận tải Hoa Mai “trả khách” từ Vũng Tàu về TPHCM tại nhà số 233 đường Võ Văn Kiệt, phường Cô Giang (quận 1). Ông Nguyễn Chí Việt, Phó Chủ tịch phường Nguyễn Thái Bình (quận 1), cho phóng viên Báo SGGP biết, nhà số 134 Võ Văn Kiệt trước kia là nhà kho và bãi đậu xe của hãng xe Hoa Mai. Hiện tại, UBND phường đang kiểm tra lại giấy phép kinh doanh xem địa chỉ này có được rước khách không?
Xe Toàn Thắng trước kia đậu trên đường Nguyễn Thái Bình (quận 1) nay chuyển ra vỉa hè đại lộ Mai Chí Thọ (quận 2) để đón, trả khách.
Tương tự, hãng xe Toàn Thắng trước kia đậu trên đường Nguyễn Thái Bình (quận 1) nay chuyển ra vỉa hè đại lộ Mai Chí Thọ (quận 2) để đón, trả khách. Cấm xe 9 chỗ thì các hãng xe trên đường Nguyễn Thái Bình trung chuyển khách bằng xe… 7 chỗ ra địa điểm mới để đón khách. Một số hãng xe trước kia thoải mái dừng đậu trên đường Phạm Ngũ Lão (quận 1) nay đã tấp vào bến đậu xe buýt trong công viên 23-9.
Từ những “biến tướng” mới này cho thấy, chống xe dù phải làm đồng bộ, trên toàn địa bàn TPHCM. Trưởng phòng Quản lý và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở GTVT, ông Ngô Hải Đường, cho biết, Sở GTVT đang rà soát lại các biển báo trên toàn địa bàn để mở rộng thêm các khu vực cấm dừng, đậu. Nếu Sở GTVT TPHCM thực hiện được việc này thì đây sẽ là tín hiệu tốt cho thấy “cuộc chiến” với xe dù có chuyển biến tích cực.
Chưa hết, vai trò và trách nhiệm của lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, đặc biệt là chính quyền địa phương trong việc chống xe dù là không nhỏ. Một chiếc xe khách không nhỏ như… cây kim! Chính quyền địa phương nói không biết xe dù hoạt động tại địa phương mình là điều khó thuyết phục. Do vậy, một hình thức kỷ luật nghiêm đối với lãnh đạo các địa phương trong việc để xe dù tồn tại sẽ giúp xử lý dứt điểm vấn nạn này.
Theo ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách và du lịch TPHCM, Bộ GTVT đã quy định khá rõ như thế nào là xe du lịch, xe hợp đồng và xe khách liên tỉnh. Xe hợp đồng là xe được cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình tập huấn chuyên ngành vận tải bởi Hiệp hội vận tải. Cấp giấy chứng nhận này cho xe du lịch là Sở Du lịch. Ngoài ra xe du lịch còn phải được Sở Du lịch cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh du lịch. Xe khách liên tỉnh buộc phải sơn tên bến xe khách liên tỉnh mà nó đăng ký hoạt động lên thân xe… Ngành chức năng cứ kiểm tra các giấy tờ này sẽ nhận ra xe liên tỉnh nào cố tình nhập nhằng thành xe du lịch hoặc xe hợp đồng để được đón khách trong nội thành. |
NHÓM PHÓNG VIÊN