Thời gian gần đây, tại TPHCM tình trạng xe ben, xe tải, xe container chở hàng quá tải, quá khổ lại tiếp diễn phức tạp, không chỉ gây mất an toàn giao thông, đẩy nguy cơ tai nạn lên mức báo động, mà còn làm rất nhiều tuyến đường, cây cầu ở TP bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
Dày đặc
22 giờ đêm 23-4, người dân sống dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh (phường Tân Phong, quận 7) khiếp đảm khi thấy gần chục xe container 51R-054... gắn hiệu Lâm Vinh chất đầy những vòng thép cuộn (đường kính gần 2m) chạy với tốc độ rất nhanh nhưng chỉ được buộc cột sơ sài với những sợi dây xích kích thước bằng chiếc đũa! Mỗi khi xe dừng đèn đỏ ở các giao lộ, các vòng thép khổng lồ va đập vào nhau, phát ra âm thanh lớn khiến người đi đường ai nấy cũng hoảng sợ. Đang lưu thông với tốc độ nhanh, gần đến cầu Ông Lớn, xe container này bỗng giảm tốc độ đột ngột, rồi rú ga phóng lên dốc cầu làm các cuộn thép lăn ngược về phía đuôi xe. Lực đẩy của các cuộn thép làm dây xích bị đứt. Một cuộn thép trên xe rơi xuống đường, văng qua làn đường xe máy, trúng một phụ nữ đang lưu thông. Tai nạn khiến người này bị thương nặng ở đầu, phải chuyển vào bệnh viện cấp cứu.
Xe quá tải lưu thông trên đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh, TPHCM. (Ảnh chụp vào đêm 23-4-2015).
|
Tương tự, trên đường Nguyễn Văn Bứa (giáp huyện Đức Hòa, Long An) cũng nở rộ tình trạng xe chở quá tải, quá khổ công khai lưu thông cả ngày lẫn đêm. Chỉ 30 phút (từ 21 giờ 30 đến 22 giờ) đêm 26-4, chúng tôi quan sát thấy có đến hàng trăm xe tải, xe container chở quá tải quá khổ nối đuôi lưu thông. Nhiều xe tải chở gia súc, trái cây còn ngang nhiên cơi thùng cao gấp đôi, thậm chí nối dài ra phía sau đuôi so với thiết kế để chất hàng. Điều khó hiểu là tại giao lộ Nguyễn Văn Bứa và Phan Văn Hớn luôn có tổ CSGT chốt trực, nhưng các xe quá tải, quá khổ vẫn vô tư qua lại tuyến đường này và không hề bị xử lý.
Tình trạng trên cũng xuất hiện dày đặc trên các tuyến đường tỉnh lộ 25B, Nguyễn Thị Định (quận 2), Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Kinh Dương Vương (quận Bình Tân)… Nhất là vào ban đêm, số lượng xe quá tải lưu thông lên đến hàng ngàn xe. Bà Lâm Mỹ Hạnh, chủ quán cà phê ở vòng xoay Mỹ Thủy (phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2), cho biết, bất kể ngày hay đêm, cứ 1 giờ, trên đường Nguyễn Thị Định có khoảng 100 xe container, xe tải chở hàng quá tải, quá khổ từ cảng Cát Lái ra và ngược lại. Bà khẳng định, mỗi ngày trên tuyến đường này có không dưới 2.000 xe quá tải, quá khổ lưu thông, tất cả các xe này đều “vượt mặt” được 3 chốt CSGT từ đầu tỉnh lộ 25B vào đến cảng.
Có “bùa hộ mệnh”?
Theo tiết lộ của nhiều tài xế xe container tại cảng Cát Lái (quận 2), thì từ đầu năm 2015, các xe quá tải, quá khổ được bảo lãnh bởi một “ông trùm”. Rồi cánh lái xe đồn rằng “ông trùm” này lại là người thân của… một cán bộ “làm to”! Trên thực tế, các doanh nghiệp vận tải nếu “chung tháng” cho “ông trùm”, khi lưu thông trên bất kỳ tuyến đường nào ở thành phố, các xe chở quá tải, quá khổ đều được CSGT và Thanh tra giao thông bỏ qua. Anh Nguyễn Văn T., chủ một vựa phế liệu có quy mô lớn ở hẻm C3, đường Phạm Hùng (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh), kể anh có 3 xe tải (loại 7 tấn) thường xuyên chở phế liệu đi Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu). “Mỗi tháng, tiền chung cho “ông trùm” là 9 triệu đồng. Với mức phí này, các xe tải của tôi được dán ký hiệu “hình hoa hồng” trên ca bin và có thể chở quá tải khi lưu thông trên bất kỳ tuyến đường nào ở thành phố”, T. cho biết. Theo T., ngoài mức trọn gói nói trên, “ông trùm” còn có nhiều gói lẻ khác, theo đó ký hiệu trên xe để CSGT và Thanh tra giao thông nhận dạng cũng khác nhau. Như ký hiệu ghi chữ “lái xe an toàn”, giá 2,7 triệu đồng/xe/tháng nhưng bị giới hạn chỉ được lưu thông trên các tuyến đường ở khu vực trung tâm. Còn ký hiệu “hình hoa mai”, giá 2,5 triệu đồng/tháng được “ông trùm” bảo lãnh trên một số trục đường chính như: quốc lộ 1A, xa lộ Hà Nội, đại lộ Nguyễn Văn Linh, quốc lộ 22… “Tuy mỗi lần giao dịch, “ông trùm” không ra mặt, chỉ có cấp dưới lộ diện, tuy nhiên hiện nay các doanh nghiệp vận tải vẫn rất “chuộng” các gói bảo lãnh của ông này. Không những không bị lực lượng chức năng bắt khi chở quá tải, mà khi gặp CSGT, xe chúng tôi còn được họ chào, cười niềm nở”, T. tiết lộ.
Đối với những xe chở quá tải, quá khổ không mua “bùa hộ mệnh”, tài xế thường chạy vào các tuyến đường nội bộ, đường song hành… để tránh các trạm cân, chốt xử lý của lực lượng chức năng. Thực tế này đã làm không ít tuyến đường, cây cầu ở TPHCM bị xuống cấp nghiêm trọng do không chịu nổi tải trọng của xe quá tải, quá khổ. Đơn cử như đường Tạ Quang Bửu (quận 8). Trong năm 2014, quận 8 đã phải sửa chữa, nâng cấp tuyến đường này rất nhiều lần, nguyên nhân do các xe chở quá tải, quá khổ chạy vào đây để né trạm cân trên đại lộ Nguyễn Văn Linh, làm tuyến đường này bị xuống cấp nghiêm trọng.
Các “logo” bảo kê mua đường của “ông trùm”.
Đang xử lý
Đại tá Trần Thanh Trà, Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt (PC67) - Công an TPHCM thừa nhận hiện nay xe quá tải, quá khổ đang nở rộ và diễn biến phức tạp trên các tuyến đường ở thành phố. Giải pháp căn cơ sắp tới, ngoài việc tăng thời gian chốt trực, lực lượng làm việc, CSGT sẽ phối hợp với Thanh tra giao thông TP lập thêm nhiều trạm cân di động trên các tuyến đường trọng yếu có nhiều xe tải, xe container lưu thông để xử lý triệt để nạn xe quá tải, quá khổ hoạt động.
Về việc nhiều tài xế xe quá tải, quá khổ dán “logo” của “ông trùm” trên xe để được CSGT bỏ qua, ông Trà cho rằng đây là chiêu trò lừa đảo của một số đối tượng mạo danh quen biết lãnh đạo để bán “logo” cho các doanh nghiệp vận tải, thu tiền bảo kê hàng tháng. Qua thông tin dư luận thời gian qua, CSGT TP phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khác của Công an TPHCM vào cuộc điều tra, tuy nhiên đến nay vẫn chưa phát hiện cá nhân, tổ chức nào bảo kê. “Chúng tôi tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi điều tra vấn đề này. Nếu phát hiện có trường hợp tổ chức bảo kê, “mua đường” sẽ bắt, khởi tố hình sự. Còn với những cán bộ, chiến sĩ trong ngành khi bị phát hiện bao che, bảo kê cho doanh nghiệp làm trái, chúng tôi sẽ xử nghiêm, loại khỏi ngành, khởi tố nếu các chứng cứ đủ cấu thành tội phạm”, ông Trà khẳng định.
|
TUẤN VŨ