Xe quá tải: Thủ phạm hủy hoại cầu đường

Thời gian qua, các tuyến đường ở TPHCM nói riêng và ở một số tỉnh, thành trong cả nước nói chung, hàng ngày phải chịu cảnh xe quá tải lưu thông khiến tuổi thọ công trình đường bộ nhanh chóng xuống cấp và gây ra tai nạn giao thông. Vậy giải pháp nào để ngăn chặn các hành vi vi phạm về tải trọng đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường?
Xe quá tải: Thủ phạm hủy hoại cầu đường

Thời gian qua, các tuyến đường ở TPHCM nói riêng và ở một số tỉnh, thành trong cả nước nói chung, hàng ngày phải chịu cảnh xe quá tải lưu thông khiến tuổi thọ công trình đường bộ nhanh chóng xuống cấp và gây ra tai nạn giao thông. Vậy giải pháp nào để ngăn chặn các hành vi vi phạm về tải trọng đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường?

Xe quá tải: Thủ phạm hủy hoại cầu đường ảnh 1

Xe tải nặng và xe chở hàng quá tải lưu thông trên tuyến đường Mai Chí Thọ, quận 2, TPHCM.

Hiểm họa của những cung đường
 
Chiều 2-11, có mặt trên đại lộ Đông Tây, đoạn từ Đồng Văn Cống đến ngã ba cầu vượt Cát Lái thuộc địa bàn quận 2 TPHCM (nay là đường Mai Chí Thọ), hàng trăm lượt xe tải, xe container loại từ 18 đến 40 tấn nối đuôi nhau lưu thông trên đường. Trong số những xe này, có rất nhiều xe chở quá tải. Cụ thể, gần 15 giờ, từ hướng ngã ba cầu vượt Cát Lái về Cảng Cát Lái, hai chiếc xe đầu kéo loại tải trọng 37 tấn nhưng chở tới 5 - 6 cuộn lá thép (mỗi cuộn khoảng 25 tấn) vô tư lưu thông trên đường.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, hai chiếc xe tải loại 18 tấn, chất hàng chục cuộn thép xây dựng lên cao quá thùng ngang nhiên chạy trên đường. Tương tự, ở các tuyến đường Vành Đai Đông, Nguyễn Văn Linh… hàng ngày phải “gồng lưng” chịu cảnh xe quá tải lưu thông. Còn tại tuyến quốc lộ 1 đi về các tỉnh miền Tây, hàng ngày cũng phải căng mình chịu cảnh xe quá tải. Ngày 5-11, trên quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh TPHCM và huyện Bến Lức tỉnh Long An, nhiều xe container, xe tải nặng chở hàng hóa nối đuôi nhau. Trong đó, có nhiều xe tải chở sắt thép, gỗ chất hàng cao quá cả thùng xe.

Các xe chở quá tải lưu thông đang làm những tuyến đường này nhanh chóng xuống cấp. Đơn cử, tuyến quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn huyện Bến Lức tỉnh Long An, mặt đường nhiều chỗ nhựa dồn từng đống, có đoạn xuất hiện ổ voi, ổ gà khiến các xe lưu thông qua lại khó khăn và không đảm bảo an toàn giao thông.

Còn tại tuyến đường Mai Chí Thọ (TPHCM), dù chỉ mới đưa vào sử dụng nhưng đã xảy ra tình trạng lún cục bộ, trong đó một trong những nguyên nhân được các chuyên gia, cơ quan chức năng đưa ra là do xe quá tải. Thanh tra Sở GTVT TPHCM cho biết qua việc kiểm tra, xử lý tình trạng xe chở hàng hóa vượt quá tải trọng của xe, vượt quá tải trọng cầu đường, trong tháng 10 đã phát hiện và xử lý tổng cộng 1.897 trường hợp vi phạm. Trong đó, vi phạm vượt quá tải trọng thiết kế 1.582; vi phạm vượt quá tải trọng cầu, đường bộ 140 trường hợp.

Lập nhiều trạm kiểm tra trọng tải xe

Nhằm ngăn chặn các vi phạm về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ, góp phần bảo vệ và duy trì tuổi thọ của cầu đường, thiết lập trật tự kỷ cương trong hoạt động vận tải đường bộ, hạn chế xảy ra tai nạn giao thông trên đường bộ, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1502/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.

Theo quyết định này, từ nay đến 2030, sẽ triển khai xây dựng 45 trạm kiểm tra trọng tải xe với tổng kinh phí lên tới gần 6.460 tỷ đồng. Theo quy hoạch, đến năm 2015, sẽ hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động các trạm kiểm tra tải trọng xe cố định đặt trên những tuyến đường bộ có lưu lượng xe tải nặng lớn hơn 2.200 xe/ngày đêm và trên một số tuyến đường cao tốc khi được đưa vào khai thác. Đầu tư trang bị cân lưu động để khi cần thiết sẽ thành lập các trạm kiểm tra tải trọng xe, thực hiện việc kiểm tra tải trọng xe trên các tuyến đường chưa có trạm kiểm tra tải trọng xe cố định hoặc thực hiện việc kiểm tra đột xuất ngay tại đầu các nguồn hàng có nhiều xe quá tải.

Giai đoạn từ 2016 - 2020, hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động các trạm kiểm tra tải trọng xe cố định đặt trên những tuyến đường bộ có lưu lượng xe tải nặng lớn hơn 500 xe/ngày đêm và trên một số tuyến đường cao tốc khi được đưa vào khai thác. Từ 2021 - 2030, sẽ hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động các trạm kiểm tra tải trọng xe cố định đặt trên những tuyến đường bộ có lưu lượng xe tải nặng lớn hơn 300 xe/ngày đêm và trên một số tuyến đường cao tốc khi được đưa vào khai thác.

Bên cạnh đó, về nguyên tắc lựa chọn vị trí đặt trạm kiểm tra tải trọng xe cố định là hạn chế việc đặt trạm trong phạm vi nội thành, nội thị các đô thị để chống ùn tắc giao thông. Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định sẽ áp dụng các công nghệ hiện đại, bảo đảm kiểm soát tải trọng, khổ giới hạn xe một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả; hạn chế tối đa sự tác động, can thiệp trực tiếp của con người vào quá trình kiểm soát tải trọng, khổ giới hạn xe tại trạm; giảm thiểu ảnh hưởng đến các đối tượng không thuộc diện phải kiểm tra trong quá trình hoạt động của trạm

Đình Lý

Tin cùng chuyên mục