Xem xét kỹ hiệu quả đầu tư các hồ điều tiết

(SGGP).- Ngày 21-10, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM đã giám sát tiến độ thực hiện dự án xây dựng 2 hồ điều tiết tại công viên Khánh Hội và công viên Bàu Cát.

Theo Chủ tịch UBND quận 4 Trần Hoàng Quân, hồ điều tiết chống ngập thuộc dự án công viên hồ Khánh Hội. Từ năm 2004 đến nay vẫn trong giai đoạn bồi thường, thu hồi đất, dự kiến còn phải đền bù, thu hồi 52.746m². Hiện quận 4 đã làm việc với Viện Khoa học thủy lợi miền Nam nghiên cứu lập báo cáo tiền khả thi xây dựng hồ điều tiết. Trong giai đoạn 1, từ năm 2017 đến 2019, sẽ thi công 3,5ha thuộc phần đất đã được giải tỏa trong công viên hồ Khánh Hội. Giai đoạn 2,  từ 2019 đến 2020, thi công phần còn lại khoảng 1,3ha. Tuy nhiên, để dự án được khởi công sớm, quận 4 kiến nghị UBND TP tiếp tục bố trí vốn để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng với kinh phí khoảng 650 tỷ đồng.

Về dự án hồ điều tiết công viên Bàu Cát, Trung tâm chống ngập TP đưa ra nhiều phương án thi công như: xây dựng hồ ngầm bằng bêtông cốt thép hoặc xây dựng bằng vật liệu nhựa rỗng dạng nông hoặc sâu. Dự kiến chiều dài của hồ khoảng 125m, rộng 32m, sâu 2,5m, có khả năng trữ 10.000m³ nước mưa. Tổng mức đầu tư khoảng 50 tỷ đồng. Hồ điều tiết có chức năng giúp giảm ngập khi mưa vượt tần suất thiết kế cống hiện hữu, có vũ lượng 92mm trong vòng 3 giờ. Tuy nhiên, UBND quận Tân Bình lại cho rằng, thời gian qua, TP đã đầu tư xây dựng nâng cấp mặt đường, cải tạo hệ thống thoát nước trên nhiều tuyến đường đã cải thiện đáng kể tình trạng ngập, không phát sinh điểm ngập mới; chưa kể một số dự án chống ngập khác sắp triển khai, vì vậy, việc đầu tư xây dựng hồ điều tiết Bàu Cát dung tích 10.000m³ tại khu dân cư hiện hữu, hoàn toàn không phù hợp và lãng phí. Nên ưu tiên nguồn kinh phí này để chống ngập cấp bách cho những địa phương thường xuyên bị ngập.

Về phía đoàn giám sát, nhiều ý kiến băn khoăn vì chưa có phản biện khoa học về việc xây hồ điều tiết kinh phí lớn nhưng có hết ngập không? Tiến độ triển khai hồ điều tiết Khánh Hội quá chậm, công tác phối hợp giữa các đơn vị không đồng bộ. Các đại biểu cũng lưu ý, cần xem xét lại tính khả thi của dự án và nên ưu tiên xây dựng ở những nơi đang bị ngập.

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục