Xem xét trách nhiệm trong quy hoạch, thẩm tra thủy điện

Còn 815 dự án thủy điện
Xem xét trách nhiệm trong quy hoạch, thẩm tra thủy điện

Ngày 30-10, Quốc hội đã nghe báo cáo và thẩm tra về quy hoạch tổng thể thủy điện. Đánh giá cao việc trên 90% tiềm năng kinh tế, kỹ thuật thủy điện đã được khai thác, tăng cung điện, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế, xã hội song việc quy hoạch, xây dựng các dự án thủy điện (DATĐ) còn bộc lộ không ít hạn chế. Cơ quan thẩm tra còn đề nghị Chính phủ xem xét trách nhiệm các bên liên quan.

Đập thủy điện Đắk Mi 4, Phước Sơn, Quảng Nam. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Đập thủy điện Đắk Mi 4, Phước Sơn, Quảng Nam. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Còn 815 dự án thủy điện

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, sau khi rà soát, tính đến tháng 9, đã loại khỏi quy hoạch 6 DATĐ bậc thang (395 MW) và 418 DATĐ nhỏ (hơn 1.174 MW) do tác động tiêu cực lớn đối với môi trường, xã hội, hiệu quả thấp, ảnh hưởng quy hoạch/dự án ưu tiên khác. Đồng thời, không xem xét quy hoạch 172 vị trí tiềm năng thủy điện (375 MW). Bên cạnh đó là tạm dừng, chỉ đầu tư xây dựng sau năm 2015 nếu đảm bảo hiệu quả, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường, xã hội đối với 4 DATĐ bậc thang (208 MW) và 132 DATĐ nhỏ (915 MW)...

Sau khi loại bỏ các DATĐ nêu trên, cả nước hiện còn lại 815 DATĐ. Trong đó, đã vận hành phát điện 268 dự án (14.240 MW); đang thi công xây dựng 205 dự án (6.198 MW), dự kiến đưa vào vận hành khai thác từ nay đến năm 2017… Về DATĐ Đồng Nai 6 và 6A, sau khi có báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo và Bộ Công thương đã loại hai DATĐ này khỏi quy hoạch.

Theo đánh giá của Chính phủ, việc quy hoạch các DATĐ nhỏ vừa qua đã bộc lộ nhiều hạn chế. Do các dự án này cũng chủ yếu nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn nên tài liệu cơ bản thu thập được để lập quy hoạch còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng; điều kiện khảo sát thực địa không thuận lợi... Trong khi đó, các địa phương có dự án còn thiếu hoặc chưa có cán bộ chuyên môn; sự phối hợp giữa các sở, ngành trong quá trình lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch cũng chưa thực sự chặt chẽ. Vì vậy, chất lượng quy hoạch thủy điện nhỏ bộc lộ khá nhiều hạn chế, không ít dự án phải điều chỉnh sơ đồ khai thác và quy mô trong quá trình đầu tư.

Việc đầu tư xây dựng các DATĐ cũng đã gây ảnh hưởng khá lớn đến dân cư trong khu vực dự án; chiếm dụng khá nhiều đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng; phần nào làm thu hẹp không gian sống của người dân bản địa; tác động tiêu cực nhất định đến môi trường - xã hội.

Quy trách nhiệm khi dự án bị loại bỏ

Đánh giá cao những đóng góp của thủy điện, nhưng ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng nhìn nhận, quá trình lập và thực hiện quy hoạch thủy điện đã nảy sinh một số hạn chế, bất cập. Điều đó thể hiện ở việc số lượng DATĐ nhỏ là khá lớn nhưng đóng góp không nhiều về công suất phát điện.

Khoảng 34% tổng số DATĐ vừa và nhỏ phải loại bỏ khỏi quy hoạch. Nếu tính thêm số các dự án tạm dừng, tiếp tục đánh giá thêm tác động môi trường, kinh tế, xã hội và hiệu quả đầu tư thì quy hoạch thủy điện nhỏ sẽ bị điều chỉnh khá nhiều. Cùng với đó, việc kiểm tra, giám sát theo phân cấp của các cơ quan chức năng chưa thường xuyên, kịp thời, đặc biệt là trong giai đoạn quyết định đầu tư, lập, thẩm định dự án. Trách nhiệm, sự phối hợp các chủ thể trong quá trình xây dựng, thực hiện quy hoạch thủy điện chưa quy định rõ ràng.

Riêng về DATĐ Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, theo ông Dũng, hai dự án này đã nhận được sự quan tâm của nhiều ĐB Quốc hội và dư luận xã hội và đã được loại khỏi quy hoạch dù trước đó đã nhiều lần đưa vào quy hoạch. “Vì thế, báo cáo của Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc để hạn chế thất thoát và lãng phí cho người dân, doanh nghiệp và xã hội”, báo cáo thẩm tra nhấn mạnh.

Về công tác quản lý chất lượng, an toàn công trình thủy điện, cơ quan thẩm tra lưu ý, công tác quản lý an toàn tại các công trình thủy điện nhỏ chưa thực sự tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Đối với các công trình thủy điện nhỏ, gần 30% số đập chưa được kiểm định; khoảng 66% đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt; gần 55% số chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão. Điển hình trong đó là một số sự cố dự án, công trình thủy điện vừa và nhỏ khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã xảy ra, gây thiệt hại về người và tài sản; sự cố, hiện tượng bất thường tại công trình thủy điện Sông Tranh 2...

Không chỉ vậy, công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư các dự án, công trình thủy điện cũng bộc lộ không ít bất cập. Trong đó, tại một số DATĐ, đất sản xuất tại điểm, khu tái định cư chưa bảo đảm chất lượng, thiếu nước, ảnh hưởng xấu đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân; an ninh lương thực của một số hộ dân tái định cư bị đe dọa; số hộ nghèo còn nhiều, thấp hơn so với bình quân chung của địa phương; có hiện tượng người dân sau khi tái định cư quay về nơi ở cũ. “Hệ lụy về mất bản sắc văn hóa, gia tăng tệ nạn xã hội tại các dự án, công trình thủy điện là vấn đề cần được quan tâm”, báo cáo nêu.

NGỌC QUANG

  • ĐBQH Ngô Văn Minh (Quảng Nam): Quyết định chủ trương đầu tư sai cũng phải chịu trách nhiệm

Vừa qua chúng ta đã có sự dễ dãi trong cấp phép xây dựng thủy điện, nhất là thủy điện vừa và nhỏ, bằng chứng cụ thể là đã phải loại khỏi quy hoạch hàng trăm dự án không phù hợp. Nhưng nếu không có sự lên tiếng của đại biểu, của dư luận, của báo chí thì liệu có sự loại bỏ các công trình thủy điện đó không? Người quyết định đầu tư sai phải chịu trách nhiệm là đúng rồi, nhưng người quyết định chủ trương sai thì sao?

Tôi thấy trong báo cáo Chính phủ còn nhiều mâu thuẫn. Ví dụ, báo cáo nói trong thời gian qua do chính sách thay đổi, do nhiều cơ chế còn bất cập, vướng mắc. Trong khi đó, Luật Điện lực (sửa đổi) đã có hiệu lực từ tháng 1-2012, vậy mà bây giờ hàng loạt nghị định, thông tư hướng dẫn đều chưa được ban hành, vậy trách nhiệm của ai?

  • ĐBQH Huỳnh Minh Thiện (TPHCM): Ngăn chặn tình trạng lợi dụng khai thác rừng

Trong số những nhà đầu tư bỏ cuộc, đã có cả những người chỉ lợi dụng quá trình quy hoạch để khai thác rừng. Cho nên việc quy hoạch không chuẩn, rồi phải bỏ đi hàng trăm dự án như thế có trách nhiệm của các bộ ngành và cả địa phương. Tới đây, tôi cho rằng các báo cáo về quy hoạch dự án thủy điện trên địa bàn cần được công khai, cung cấp đầy đủ cho các ĐBQH, đoàn ĐBQH và các tổ chức đoàn thể để tăng cường công tác giám sát của QH, ĐBQH. Ví dụ như chúng tôi, các ĐBQH cần được biết dự án sẽ lấy bao nhiêu hécta đất, bao nhiêu hécta rừng, công tác trồng lại rừng sẽ tiến hành như thế nào... để từ đó đối chiếu với thực tế xem các bên liên quan có thực hiện nghiêm túc hay không.

ANH THƯ (ghi)

Tin cùng chuyên mục