46 năm tù chia đều cho Mã Ngọc Thơm và Huỳnh Thanh Giang. Đó là cái giá phải trả cho những đòn tra tấn rùng rợn mà cặp vợ chồng này đã gây ra trong thời gian dài trên thân thể của một đứa trẻ 14 tuổi. Khi vụ việc được đưa ra trước công luận, sự phẫn nộ, bức xúc đã bị đẩy lên đến đỉnh điểm. Vì thế, chưa bao giờ có phiên tòa lưu động nào lại có đông đảo người dân đến dự như phiên tòa này.
Kẻ thủ ác xỉu trước vành móng ngựa!
Sáng sớm 29-6, hàng ngàn người dân khắp nơi đã đổ về chật cứng Trung tâm Văn hóa tỉnh Cà Mau trên đường Phan Ngọc Hiển, phường 5, TP Cà Mau (Cà Mau) để chứng kiến phiên Tòa sơ thẩm xét xử lưu động vợ chồng chủ trại tôm giống Minh Đức ở xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi, Cà Mau – những người đã hành hạ em Nguyễn Hào Anh như thời trung cổ!
Phiên tòa chưa diễn ra nhưng bên trong Trung tâm Văn hóa tỉnh Cà Mau không còn một chỗ trống. Bên ngoài trung tâm, gần chục ngàn người tập trung xung quanh bất kể trời mưa, nắng để dõi theo phiên tòa qua loa phát thanh.
Đúng 7 giờ 30, hội đồng xét xử (HĐXX) bắt đầu làm việc, nhưng khi tòa đang thẩm tra lý lịch của bị cáo Huỳnh Thanh Giang, bị cáo Mã Ngọc Thơm bất ngờ xỉu, HĐXX phải cho tạm ngưng phiên tòa.
Sau gần 1 giờ được bác sĩ kiểm tra sức khỏe, lực lượng bảo vệ mới đưa Thơm trở lại hội trường, phiên tòa tiếp tục. Tuy nhiên, sau đó Thơm lại... xỉu và lại phải dìu đi kiểm tra sức khỏe. Sốt ruột vì phải chờ đợi, nhiều người dân dự tòa không giữ được bình tĩnh, la hét đòi tòa phải đưa Mã Ngọc Thơm ra trước vành móng ngựa. Đến 9 giờ 15, Thơm được đưa quay trở lại với nét mặt phờ phạc, yếu ớt, HĐXX cho phép bị cáo ngồi để trả lời thẩm vấn.
Theo cáo trạng của VKSND, từ giữa tháng 10-2008 đến tháng 4-2010 cháu Hào Anh (khi ấy chưa được 14 tuổi) được mẹ là Phạm Thị Thoa (ngụ ấp Ngọc Tuấn, thị trấn Cái Nước, Cà Mau) gửi đi làm thuê cho vợ chồng Giang - Thơm tại trại tôm giống Minh Đức. Trong thời gian Hào Anh ở làm thuê, vì cho rằng em làm việc chậm lại hay cãi, lười biếng nên Giang – Thơm thường xuyên đánh đập em với những thủ đoạn dã man như: lấy cây nạy răng, kìm bấm môi, cây tre đánh lên trán, dây nhựa đánh vào lỗ mũi, búa đánh vô lưng, dao lam rạch lưng, bàn ủi đang nóng dí vào người… Những lúc “đánh mệt” Giang – Thơm còn “chỉ đạo” 2 người làm công khác là Lâm Lý Quỳnh và Lưu Văn Khánh tiếp tục đánh đập Hào Anh. Kết quả giám định thương tật của Phòng kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Cà Mau cho thấy, Hào Anh bị thương tích đến 66,83%.
Quanh co chối tội
Trong phần thẩm vấn công khai tại tòa, Huỳnh Thanh Giang khai rằng, trong thời gian làm thuê cho vợ chồng mình, Hào Anh tự làm phỏng nước sôi chứ không ai tạt vào em. Bị cáo chỉ nhận có đánh Hào Anh vài lần vì em thường xuyên ngắt, nhéo con nhỏ của vợ chồng Giang. Khi đánh chỉ dùng cây tre đánh vào đít, có một lần “lỡ tay” đánh trúng miệng làm Hào Anh gãy một chiếc răng. Giang còn phản cung cho rằng đã bị điều tra viên ép cung, nếu Giang không khai báo theo ý điều tra viên sẽ bị đánh?
Sau khi tự kêu oan, phản cung, vòng vo chối tội, Giang cho rằng bị cáo bị truy tố theo khoản 4 Điều 104 tội “cố ý gây thương tích” và khoản 2 Điều 110 tội “hành hạ người khác” là quá nặng, bị cáo chỉ đáng bị xử theo khoản 2 Điều 104 “là cùng”. Còn bị cáo Mã Ngọc Thơm thì cho rằng, chỉ đánh Hào Anh 4 lần vì em làm việc chậm và hay cãi. Thơm cũng chối không hề đổ nước sôi và formone lên người Hào Anh. Vết thương trên người Hào Anh là do bị bỏng và do em tự té.
Tuy nhiên, khi được HĐXX hỏi về nội dung cáo trạng đúng hay lời khai của bị cáo Giang – Thơm đúng, Hào Anh đã nói rành mạch rằng: “Cáo trạng nói đúng, ông Giang, bà Thơm nói sai”. Hào Anh cũng cho biết em bị đánh nhiều đến mức không nhớ nổi bao nhiêu lần, chỉ nhớ bị ông chủ bà chủ bắt uống nước xà bông, bắt ăn bao tay cắt nhỏ, dùng búa đập hai ngón chân, dùng kìm bấm rách môi, bắt uống nước tiểu, treo lên trên nhà phơi nắng khoảng 5 - 6 lần...
Hai bị cáo là đồng phạm với Giang - Thơm là Lưu Văn Khánh và Lâm Lý Quỳnh đều đã khai nhận bị ông bà chủ bắt phải đè cháu Hào Anh xuống để vợ chồng Giang - Thơm tạt nước sôi; dùng dao lam rạch lưng cháu Hào Anh để bôi formone…
Cái giá của đòn roi độc ác
Trong phần luận tội, đại diện viện kiểm sát cho rằng, các bị cáo phạm tội có tính chất côn đồ, cần thiết phải cách ly khỏi xã hội một thời gian. Tuy nhiên, phía các bị cáo đã khắc phục một phần thiệt hại, bị cáo Thơm đang nuôi con nhỏ, bị cáo Khánh và Quỳnh thành khẩn khai báo, do đó viện kiểm sát đề nghị tòa xử phạt Giang và Thơm mỗi người từ 20 - 23 năm tù, bị cáo Khánh và Quỳnh mỗi người từ 3 - 4 năm tù.
Luật sư Trần Quốc Khánh, Đoàn Luật sư TPHCM, bào chữa cho bị cáo Huỳnh Thanh Giang khi đọc bài bào chữa lại cho rằng: “Một hành vi không thể bị truy tố về hai tội”. Theo luật sư này, bị cáo Giang chỉ đáng bị truy tố ở khoản 3 Điều 104 Bộ luật Hình sự với mức án cao nhất là 15 năm tù. Tuy nhiên, đại diện viện kiểm sát cho rằng bài bào chữa của luật sư đối với bị cáo Giang không có căn cứ, không thuyết phục.
Sau hơn 1 giờ nghị án, HĐXX đã tuyên phạt 2 bị cáo Huỳnh Thanh Giang và Mã Ngọc Thơm mỗi người 23 năm tù, mức cao nhất trong khoảng do đại diện viện kiểm sát đề nghị. Trong đó 20 năm tù về tội “cố ý gây thương tích” và 3 năm tù về tội “hành hạ người khác”. Riêng 2 bị cáo Khánh và Quỳnh, do thành khẩn khai báo đã được tòa tuyên phạt tổng cộng mỗi người 1 năm 6 tháng tù. Ngoài thực hiện án phạt trên, các bị cáo còn phải bồi thường bị hại là em Nguyễn Hào Anh tổng cộng là 50 triệu đồng.
Phiên tòa khép lại, nhiều người dân đồng tình với mức án… nhưng nỗi đau về thể xác và tinh thần của cháu Hào Anh vẫn ám ảnh nhiều người. Đâu đó cũng là một bài học xác đáng để răn đe nạn bạo hành và tiếng chuông cảnh tỉnh cộng đồng quan tâm đến tình chòm xóm nơi mình sống.
Đình Tuyển