Kể ra thì hồi ức về những thứ đang còn sống là việc không cần thiết lắm. Thế nhưng, người Hà Nội đã từng nhiều phen đột ngột bị xóa sạch ký ức nên việc ghi lại những gì xảy ra và sắp biến mất cũng không hẳn là thừa.
Tàu điện biến mất như thế ở Hà Nội hồi năm 1988. Cùng với nó là những chiếc cột điện thẩm mỹ bằng thép tán đinh ri-vê không một mối hàn cũng biến mất theo. Và một ngành nghệ thuật là “xẩm tàu điện” cũng ra đi vĩnh viễn dù cho vài nhạc sĩ bây giờ đã cố công sưu tầm và dựng lại. Làm thế nào để hát “xẩm tàu điện” khi không có tàu? Khi mà ngoài những nhạc cụ nhị, hồ, phách, song loan, còn có thêm tiếng bánh sắt gầm gừ nghiến ken két trên đường ray hòa với tiếng chuông leng keng đầy phong cách riêng biệt của những bác tài vui tính?
Ngạc nhiên nhất là Hà Nội chưa phải là TP văn minh lâu đời như Amsterdam hay Barcelona. Ở đấy và nhiều TP khác trên thế giới vẫn tồn tại những chiếc xe điện. Có chăng chỉ khác đi dáng hình, màu sơn trang trí. Còn lại thì vẫn dây nhợ, đường ray và đủng đỉnh vô tư trên đường giao thông tấp nập. Sự nuối tiếc chiếc xe điện Hà Nội là mất mát của cả một khu vực Đông Dương rộng lớn vốn chỉ có duy nhất ở TP này.
Xích lô còn may mắn hơn thế nhiều. Chẳng biết vì ra đời khá lâu sau khi có tàu điện ở Hà Nội hay còn bởi nó là phương tiện có mặt ở khắp những TP lớn trong cả nước. Dẹp bỏ nó, hẳn không dễ dàng gì.
Xích lô đã từng có thời kỳ hoàng kim của nó vào nửa đầu thế kỷ trước. Vài gia đình giàu có tậu về như ta tậu chiếc xe Lexus bây giờ. Chỉ dùng vào việc đưa cả nhà đi dạo mát quanh phố phường như một cách thông báo khả năng hùng mạnh về tài chính. Tìm được chỗ đậu xe, bao giờ quãng đường cũng dài hơn đến nơi cần. Người giàu Hà Nội cũng nhanh chóng nhận ra cái thú chơi hao mòn thể lực ấy. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, xích lô đã chính thức thuộc về giới lao động chân tay. Dĩ nhiên vẫn chở người đi dạo mát. Hàng hóa phải đến nửa sau thế kỷ 20 mới được phép “trèo” lên xích lô.
Đầu những năm 60, xích lô ở Hà Nội vẫn còn là phương tiện đi lại của lớp người khá giả. Bà nội lưng còng của tôi chỉ dám dùng mỗi năm vài lần. Giống như một nghi thức hơn là phương tiện đi lại. Đó là dịp đầu hè, cụ thường thuê vài chuyến xích lô lên dốc Cổ Ngư đón những người gánh sen trăm cánh trên Hồ Tây mang về bán. Mua vài trăm sen xong lại theo đường đê Yên Phụ về chợ Bắc Qua mua chè để chuẩn bị ướp hương. Về đến nhà thì thằng bé năm tuổi là tôi cũng đã đủ thơm ngát. Phải khá nhiều năm sau tôi mới hiểu vì sao ngày ấy cứ đi mua sen với cụ về là các cô hàng xóm tranh nhau bế ẵm tôi xuống xích lô. Giờ mà được thế thì còn gì bằng…
Những năm chiến tranh, thời bao cấp, xích lô Hà Nội là phương tiện chủ lực vận tải hàng hóa trong nội thành. Muối, dầu, gạo, củi, quần áo vải vóc, giường tủ bàn ghế, thậm chí chuyển cả nhà cũng nó. Hầm trú ẩn cá nhân cũng chất chồng trên xích lô được vài ba khoanh. Xích lô chở 10 bom bia hơi nặng cả nửa tấn. Người Hà Nội chẳng hiểu vì sao coi việc đi xích lô như là một cách bóc lột sức lao động dù rằng lúc ấy chưa có nhiều người đến TP chỉ để chơi như bây giờ? Hãn hữu lắm mới có đám cưới thuê xích lô rước dâu. Còn lại chỉ chở người đau ốm, tai nạn và phụ nữ đến nhà hộ sinh.
Thế nhưng đám choai choai mới lớn chúng tôi vẫn có cách đi xích lô của mình. Dĩ nhiên, chỉ là chơi bời chứ không phải công việc. Trong ngõ chùa Vũ Thạch có một khu đất trống rộng, tối tối những người đạp xích lô hay cất xe ở đấy. Khóa buộc sơ sài. Xích lô đều có biển kiểm soát rất khó lòng mất trộm. Bọn trẻ chờ tối khuya dùng chìa khóa tự chế lấy xích lô. Năm sáu đứa con trai thay nhau đạp lên Hồ Tây nhảy xuống tắm ì oạp. Nửa đêm mới mang xe về trả.
Người đạp xích lô lúc này cải tiến chiếc xe của mình trở nên rất rườm rà, rối rắm. Phía sau lưng ghế khách là chiếc hòm dài bằng gỗ đựng lủng củng đồ nghề bơm vá. Nhiều bác cất cả chăn màn, quần áo vào trong ấy. Đằng sau lắp thêm đèo hàng có thể chở một người. Mũi xe hàn thêm đôi móc sắt rút ra kéo hàng lên dốc. Xe nào cũng có chiếc đèn bão thay cho chiếc đèn chai treo gần tay lái. Chiếc chuông liên thanh kéo cần sắt có vồ chuông bằng đoạn lốp cao su nhỏ như chiếc bút chì luồn vào một ê-cu sáu cạnh. Kéo cần cho vồ chuông áp vào nan hoa nảy liên hồi. Tha hồ kéo bao lâu cũng được không sợ cháy chuông. Đêm hè gió mát, nhiều bác cũng mắc màn ngủ luôn trên xe ngoài bờ hồ. Đạp xích lô lúc ấy cũng được tính là lái xe. Gọi là tài xế “vô lăng vuông”.
Lớn lên, đi nhiều miền đất nước mới thấy cái xích lô không hoàn toàn giống nhau về cấu tạo và mẫu mã. Xích lô Hải Phòng hẹp lòng hơn. Ngồi hai người là có vẻ như thắm thiết trên mức quan hệ. Xích lô Nam Định có phần tựa lưng ngả choãi như nằm. Ngả lưng trên xe cứ như đang trên đường đến bệnh viện. Xích lô Sài Gòn có yên xe của người đạp cao ngang đầu khách. Ngồi lên rất áy náy bồn chồn lo lái xe phanh gấp.
Hà Nội bây giờ vẫn còn xích lô. Chia làm hai loại. Loại công khai lọng vàng chạy loanh quanh trên phố chở khách du lịch. Giá đắt gấp mấy lần taxi. Xích lô chạy ngang tốc độ người đi bộ có thể gọi là “đạp xích lô nghệ thuật”. Mà đã là nghệ thuật thì không thể tính cước vận tải thông thường.
Loại nữa chở vật liệu xây dựng chạy vụng ban đêm. Vài tấn thép chất lên nguềnh ngoàng như con tôm hùm khua râu roàn roạt trên đường. Phải có một người chạy xe máy kè bên dùng chân đẩy phụ vào.
ĐỖ PHẤN