Xiềng xích kẻ thù không thể trói buộc được chúng ta…

Lúc tôi làm phóng viên Báo Đại Đoàn Kết thì bác Ba Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ nhiệm báo. Tôi nhớ hôm đó bác Ba gọi điện thoại bảo tôi đến làm việc. Tôi vừa bước vào, bác Ba hỏi ngay: “Nghe anh Tấn vừa đi Lào thăm anh Chín về. Sức khỏe anh Chín ra sao?”.
Xiềng xích kẻ thù không thể trói buộc được chúng ta…

Lúc tôi làm phóng viên Báo Đại Đoàn Kết thì bác Ba Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ nhiệm báo. Tôi nhớ hôm đó bác Ba gọi điện thoại bảo tôi đến làm việc. Tôi vừa bước vào, bác Ba hỏi ngay: “Nghe anh Tấn vừa đi Lào thăm anh Chín về. Sức khỏe anh Chín ra sao?”.

Từ trái sang: Quốc vương Sihanouk, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Souphanouvong tại Hội nghị Nhân dân Đông Dương.

Từ trái sang: Quốc vương Sihanouk, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Souphanouvong tại Hội nghị Nhân dân Đông Dương.

Anh Chín là tên gọi thân mật Hoàng thân Souphanouvong. Tôi thưa: “Dạ, cụ ra viện rồi nhưng nay bị nặng tai, phải đeo máy nghe ạ”. Giọng bác Ba bùi ngùi: “Thương ông già đó lắm”. Lặng đi một lát, như chợt nhớ lại chuyện cũ, bác Ba kể những lần được gặp bác Chín Souphanouvong lúc cùng đến Hà Nội dự lễ tang Bác Hồ, cùng ngồi cạnh nhau ở cuộc họp nguyên thủ 3 nước Đông Dương, đi thăm vùng giải phóng Lào… Những lần gặp gỡ ấy, hai bác đã chuyện trò tâm đắc, càng hiểu biết và quý mến nhau. Bởi vì ngay cả lúc chưa được gặp nhau nhưng hai người đã nghe, đọc và biết nhau qua nhiều giai thoại, nhiều câu chuyện truyền miệng cũng như đã in trên sách báo cả ta lẫn của địch. Hai bác cùng tham gia hoạt động cách mạng chống thực dân, đế quốc phong kiến và cùng bị chúng bắt giam. Bác Ba bị lưu đày 2.160 ngày tại Phú Yên, mãi đến tháng 10-1961 mới được giải thoát. Bác Chín bị giam cầm 300 ngày trong nhà tù Phôn Khêng và vượt ngục vào tháng 5-1960. Chỉ có một điểm khác nhau là bác Chín quen biết, gặp gỡ và ở cạnh Bác Hồ từ năm 1945, còn bác Ba chưa một lần gặp Bác Hồ. Mãi đến ngày Bác Hồ qua đời, bác Ba mới từ miền Nam ra dự lễ tang.

Bác Ba kể có một lần được gặp vợ chồng bác Chín mà cả hai đều rất xúc động. Đó là vào buổi sáng 20-12-1969, bác Ba vừa đi thăm Trung Quốc, Liên Xô về, ghé nghỉ tại Hà Nội để chuẩn bị vào Nam thì vợ chồng bác Chín cũng vừa đi công tác nước ngoài về, ghé thăm Hà Nội trước khi về Lào.

Sáng hôm đó bác Ba đang đọc báo được tin ông bà Hoàng thân sẽ đến thăm. Đúng 10 phút sau, có tiếng chuông reo ngoài cổng, bác Ba ra đón thấy vợ chồng bác Chín mang đến một lẵng hoa rất đẹp. Nhìn lui nhìn tới, bác Ba ngạc nhiên không hiểu ông bà Hoàng thân từ Lào đến bao giờ, đang nghỉ tại đâu mà đến thăm rất sớm. Lại chẳng thấy xe cộ và người bảo vệ gì hết. Chả lẽ hai ông bà già lại cuốc bộ. Khách và chủ vừa an tọa, bác Ba áy náy hỏi: “Hiện giờ anh chị Chín đang ở phố nào để đến chiều, tôi xin lại thăm anh chị”. Bác Chín cười: “Ở gần đây thôi, cũng phố Nguyễn Du cả. Anh Ba ở số 82, chúng tôi ở 84”. Rồi bác Chín nói thêm: “Thế đấy, Việt - Lào hai nước chúng ta ở cách nhau chỉ một bức tường”.

Một thời gian khá lâu sau ngày Việt Nam toàn thắng, bác Ba gửi biếu bác Chín một cuốn sách. Đó là cuốn Chung một bóng cờ của Mặt trận vừa in xong. Một dịp đến Viêng Chăn, tôi mang cuốn sách đến nhà bác Chín.

Cầm cuốn sách nặng trên tay, bác Chín khen sách in đẹp, lật qua từng trang xem tựa đề rồi trịnh trọng mở lại trang đầu, chăm chú nhìn chữ ký tặng của luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Chắc là xúc động khi nhớ đến bác Ba, bác Chín ngồi im lặng một hồi lâu rồi kể chuyện cách nay ngót 20 năm. Bác Ba đã vượt hàng ngàn kilômét bằng ô tô, qua biết bao hố bom địch trên con đường đất đá gập ghềnh đi thăm bác Chín và nhân dân Lào ở vùng giải phóng Viêng Xay. Lần đó bác Ba đến Lào cảm ơn nhân dân Lào đánh Mỹ quyết liệt, chi viện đắc lực cho nhân dân miền Nam đồng khởi, nổi dậy. Bác Chín nhắc lại năm 1960 ấy, cả hai bác đều bị Mỹ-ngụy cầm tù. Nếu quân dân Việt Nam không đánh mạnh, cả hai bác đều khó lòng thoát khỏi tay giặc. “Phải cảm ơn Bác Hồ và quân dân Việt Nam”. Bác Chín nói vậy rồi kể chuyện bác Ba đi thăm tỉnh Húa Phăn, thăm các đơn vị quân đội nhân dân Lào… Đến đâu bác Ba cũng được đón tiếp niềm nở, kính yêu như ruột thịt.

Theo phong tục Lào, khách quý thường được nhân dân và sư sãi ở các chùa làm lễ buộc chỉ cổ tay để cầu phúc cho khách có nhiều sức khỏe và may mắn. Những lúc như thế, bác Ba rưng rưng nước mắt khi đưa tay ra để được buộc những sợi chỉ mềm mại, mà nhân dân lao động Lào đã vất vả bao ngày trồng bông, kéo sợi… Bác Chín nhắc lại câu nói của bác Ba lần ấy: “Xiềng xích của kẻ thù không thể trói buộc được chúng ta. Nhưng sợi chỉ mềm của các bạn Lào lại ràng buộc, gắn bó được chúng ta và thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước Việt Lào muôn đời bền vững”…

Trần Công Tấn

Tin cùng chuyên mục