
Dư luận đang lo lắng vì số học sinh (HS) bỏ học tăng cao. Trong khi chúng tôi chưa tìm được câu trả lời rốt ráo cho tình trạng này, thì lại giật mình vì phát hiện ra một sự thật khác: Ngành GD – ĐT TPHCM đang cố gắng hướng các đơn vị giáo dục thực hiện mục tiêu “Sống có trách nhiệm”, nhưng có một số trường đã cố tình đẩy HS yếu kém ra khỏi trường ngay giữa năm học. Mà ai cũng biết rời khỏi môi trường phổ thông là con đường ngắn nhất đẩy HS nghỉ, bỏ học!
Học yếu - cái gai cần phải nhổ?
Tháng 10-2007, cô giáo chủ nhiệm kêu N.Q.H. lên “động viên”: Em nghỉ học đi để đừng làm phiền lớp nữa. Đang chán học, lời nói đó của cô chẳng khác nào một giọt nước làm tràn ly, N.Q.H. lẳng lặng rút đơn xin nghỉ khỏi Trường THCS B.Đ. Không có tiền học dân lập, tư thục, H. đành ngồi nhà chơi 2 tháng, đợi đến tháng 12 cùng năm, em đăng ký vào học tại một trung tâm giáo dục thường xuyên (TT GDTX) gần nhà vừa khai giảng.

V.X.Kh, nguyên HS Trường THPT D.H., cũng là một “nạn nhân” của sự “sàng lọc” hệ phổ thông phải chuyển sang học lớp 11 của TT GDTX cuối năm 2007, ngậm ngùi sau 3 tháng em cố gắng thích nghi với môi trường mới: “Học bổ túc em thấy khó tiếp thu quá. Trên bảng, cô cứ giảng bài, học sinh dưới lớp cứ xôn xao, muốn làm gì thì làm, có ngủ gật cũng ít khi bị la rầy như trước…”.
Trường hợp của Kh., theo mô tả của tâm lý học sư phạm: HS mất căn bản dễ dàng từ bỏ việc học, tìm đến những thú vui khác như là cách giúp né tránh việc học. Thực tế là, vào năm học lớp 11, Kh. cúp cua thường xuyên, nhưng mỗi lần trường có giấy báo mời phụ huynh thì Kh. giấu nhẹm. Đến gần cuối học kỳ 1, gia đình được nhà trường “khuyên” nên cho Kh. nghỉ học hết năm học 2007 – 2008 với lý do nếu tiếp tục học, Kh. cũng sẽ… rớt. Cách tốt nhất là cho Kh. nghỉ học, vừa không tốn tiền, không tốn công vô ích. Nhiều lần được trường nhắc nhở như thế, gia đình đành nghe theo lời khuyên của trường. Với tư vấn của nhà trường, Kh. chuyển sang học tại TT GDTX từ đầu học kỳ 2 này cho dễ đậu hơn. Nhưng giờ Kh. đang mất tinh thần vì học bổ túc khác xa với phổ thông. Trình độ Kh. đã yếu càng yếu hơn.
Cũng tương tự như Kh., em Đ.A.T., nguyên HS Trường THPT N.K.K.N, chuyển sang học bổ túc sau một năm học gián đoạn. Bà ngoại T. rầu rĩ kể: “Nó mê game, về đến nhà là nhào vô ôm cái máy tính suốt”. Từ lúc lưu ban năm lớp 11, T. bắt đầu chán học. Đến giữa năm học 2006 – 2007, T. được nhà trường thông báo là em quá tuổi để học tại trường phổ thông (?), phải chuyển sang hệ bổ túc tại các TT GDTX hoặc là thôi học hẳn. Không còn đường chọn lựa, gia đình buộc lòng để T. thôi học tạm thời.
Hầu hết HS cá biệt đều do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ ly dị, các em sống thiếu sự quan tâm của gia đình. Như trường hợp của N.Q.H., nhà em nằm ngay chợ, em sống với bà nội, ba đi làm xa thỉnh thoảng mới về nhà. Đối với V.X.Kh., mẹ mất sớm, bố có vợ kế, Kh. sống cùng gia đình anh trai nên không được quan tâm đúng mức chuyện học hành. Hoàn cảnh sống làm các em trở thành cá biệt, dần dần trở thành những cái gai làm trường mất thành tích, giáo viên (GV) mất thời giờ nên khi “bứng” được các em đi, GV thở phào nhẹ nhõm. Còn các em vào học bổ túc tức là chấp nhận bỏ chương trình, bằng cấp phổ thông.
Lời ước xót xa
Bà Phan Thị Xuân Mai, Giám đốc TT GDTX Phú Nhuận, cho biết: “Chỗ chúng tôi là cơ hội học tập cuối cùng của các em, nếu kén chọn, HS học ở đâu bây giờ? Chỉ cần có đủ 30 HS/lớp là TT có thể khai giảng. 400 học viên lớp ban ngày của TT hầu hết là HS hệ phổ thông chuyển qua”. Còn theo thống kê của TT GDTX Tân Bình, vừa kết thúc học kỳ 1 của năm học 2007 – 2008, TT nhận được hơn 10 trường hợp chuyển đến từ các trường phổ thông, dân lập trên địa bàn quận. Các TT GDTX mở rộng vòng tay đón nhận tất cả HS thuộc thành phần “có vấn đề” về học lực, hạnh kiểm ở phổ thông, ngoại trừ HS đã có điểm thi học kỳ 1 không được nhận, theo chỉ đạo của Sở GD – ĐT. Do vậy, sau học kỳ 1, khi HS phổ thông đẩy sang hệ bổ túc là các TT lại có học viên khai giảng khóa mới.
Nếu như HS bỏ học vì nguyên nhân kinh tế, nhà nghèo phải mưu sinh giúp đỡ gia đình khiến nhà trường “lực bất tòng tâm” thì lý do HS bỏ học vì học yếu hoàn toàn nằm trong tầm tay nhà trường. Tâm sự với chúng tôi, bà ngoại T. tiếc nuối: “Phải chi nhà trường quan tâm hơn đến T., cùng với gia đình khuyên răn giúp T. lấy lại căn bản thì hay biết mấy. Sao chỉ khuyên phụ huynh cho con em có học lực yếu nghỉ học?”.
Thắc mắc của bà, chúng tôi xin dành cho các nhà quản lý ngành GD – ĐT. Chúng tôi thật tiếc cho Kh., vốn là HS khá có điểm tuyển sinh lớp 10 lên đến 43 điểm. Còn H., điểm số suốt quá trình học căn bản không phải là HS yếu kém: thi chuyển cấp lớp 5 lên lớp 6 được 17 điểm (văn: 8 điểm, toán: 9 điểm), học lực năm lớp 8 đạt 6,6, trong đó môn toán hơn 8,0. Lên lớp 9, cô giáo chủ nhiệm không quan tâm đến H., từ đầu năm đến giữa tháng 10 – thời điểm H. nghỉ học, cô chưa bao giờ gọi H. lên lớp kiểm tra bài. Giờ kiểm tra giấy thì em không được làm bài, giờ học thì “đặc cách” cho em đứng cuối lớp. Sự phân biệt đối xử rõ ràng như thế làm em cảm thấy bị cô lập, chán ghét việc học. H. cho biết: “Lớp em có đến 4, 5 người rút đơn chuyển trường cùng đợt với em”.
H. xúc động nhắc lại chuyện mới xảy ra khi em gặp cô giáo cũ ở chợ. Cô khuyên em quay trở lại Trường B.Đ, cô sẽ tìm cách giúp em. Em đã “dạ” vì bản thân em cũng muốn học đến nơi đến chốn. Còn Kh. đang ấp ủ: “Em không thích nghi với môi trường GDTX nên phải xin nghỉ học, chịu trễ thêm một năm để về trường công học cho đàng hoàng. Không biết nhà trường có đồng ý nhận em vào trường khi đã nhiều lần khuyên em nên nghỉ học?”.
Hồng Liên – Tiêu Hà