Xin lỗi con!

Trong cuộc đời, ai không một lần mắc phải sai lầm, kể cả bậc làm cha mẹ. Nhưng vì “cái tôi” của cha mẹ quá lớn, lại thêm phần sĩ diện nên hiếm khi chủ động xin lỗi con cái, mà thường lờ đi cho qua chuyện, hoặc chống chế bằng những lý sự cùn. Tôi cũng từng như thế.

Trong cuộc đời, ai không một lần mắc phải sai lầm, kể cả bậc làm cha mẹ. Nhưng vì “cái tôi” của cha mẹ quá lớn, lại thêm phần sĩ diện nên hiếm khi chủ động xin lỗi con cái, mà thường lờ đi cho qua chuyện, hoặc chống chế bằng những lý sự cùn. Tôi cũng từng như thế.

Con trai tôi học lớp 7, học hành cũng nhiều mà ham chơi cũng không ít. Có khi cháu nghịch hơi quá đà nên làm bể đồ đạc trong nhà, hoặc “tàn phá” một số cây cảnh đắt tiền của ông nội. Sau đó, cháu đều khoanh tay xin lỗi cả nhà và hứa không tái phạm. Thế nhưng, khi có lỗi với con, tôi chưa bao giờ dám lên tiếng xin lỗi. Tôi nhớ có lần bà hàng xóm chạy sang mắng vốn vì con tôi đá bóng làm bể chậu hoa nhà bà. Tôi nóng giận, khi con vừa đi học về, chẳng để nó giải thích sự tình, tôi lôi cháu ra đánh 5 roi liền. Thế nhưng, chiều hôm đó, bà hàng xóm sang xin lỗi rằng thủ phạm làm vỡ chậu hoa là một đứa trẻ khác chứ không phải con tôi. Tôi điếng người, mặt nóng bừng vì xấu hổ. Thằng con tôi đứng bên cạnh nghe hết tất cả. Nó giận dỗi, cả tuần không thèm nói chuyện với tôi. Đã nhiều lần tôi định xin lỗi cháu nhưng rồi lại không thốt thành lời. Tôi tìm cách bù đắp cho cháu bằng việc quan tâm hơn, cho thêm tiền tiêu vặt, mua quần áo mới. Dần dần, tôi và con cũng quên chuyện đó.

Gần đây nhất, tôi lại mắng cháu vì tội trốn học. Lần này cháu thanh minh dữ dội. Quá giận dữ vì cái tội cãi tay đôi với cha mẹ, tôi tát cháu một cái rõ đau rồi quát: “Tại sao con dám trả treo với mẹ? Cho con ăn học để làm gì?”. Thằng bé khóc thút thít nhưng rồi lại biểu lộ một hành động khiến tôi sững sờ. Nó khoanh tay lại, cúi gằm mặt xuống đất và nói: “Cho con xin lỗi mẹ vì cái tội hỗn hào”, rồi bỏ về phòng nằm. Hành động đó khiến tôi cảm thấy mình có phần hơi quá. Buổi chiều, tôi ghé nhà cô giáo chủ nhiệm để hỏi rõ sự tình. Khi cô giáo kể rõ mọi chuyện, tôi mới biết hôm qua con mình đi học nguyên ngày và còn làm bài kiểm tra rất tốt. Cô giáo còn nói thêm, có lẽ do người bạn và con tôi đã mâu thuẫn từ lâu nên dựng chuyện như vậy. Trên đường về nhà, tôi tự trách mình. Lại nhớ đến câu “xin lỗi” sáng nay của con, tôi càng thấy xấu hổ. Nghĩ vậy, tôi quyết định sẽ xin lỗi con. Về đến nhà, tôi gọi cháu ra phòng khách, nhắc lại chuyện ban sáng và nhẹ nhàng: “Tại mẹ sơ suất chưa tìm hiểu rõ ngọn nguồn nên trách oan con. Cho mẹ xin lỗi con nghe!”. Kèm theo đó là món quà một trái bóng bằng da đã dẹp bỏ những gút mắc giữa hai mẹ con. Thằng bé không nói gì, chỉ mỉm cười và ôm hôn tôi liên tục.

Từ đó, hai mẹ con tôi dường như hiểu nhau hơn. Khi thằng bé làm gì sai cháu đều xin lỗi mẹ. Ngược lại, nếu tôi sai, tôi cũng xin lỗi nhẹ nhàng. Đó chẳng những là phép ứng xử mà còn là hành động mang tính giáo dục. Bởi con trẻ cũng cần có sự công bằng như người lớn. Nếu cha mẹ không làm gương thì sau này lớn lên, trẻ sẽ không biết hai chữ “xin lỗi” là gì.

ĐẶNG THỊ NGỌC ĐIỆP

Tin cùng chuyên mục