Xóa bất cập trong xử lý vi phạm môi trường: Cách nào?

Từ câu chuyện ô nhiễm tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12 TPHCM tồn tại hơn chục năm nay mà Báo SGGP đã có dịp phản ánh trong nhiều bài viết trước, phần nào bộc lộ những bất cập trong công tác kiểm soát, xử lý doanh nghiệp (DN) vi phạm môi trường giữa các cơ quan chức năng. Gần đây, một cuộc đối thoại giữa các cơ quan chức năng nhằm mổ xẻ trách nhiệm xử lý hành vi vi phạm môi trường của DN đã phần nào chỉ ra những khiếm khuyết trên. Đó chính là sự chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm tra, cấp phép và quản lý. Tuy nhiên, việc khắc phục những khiếm khuyết trên không phải dễ.
Xóa bất cập trong xử lý vi phạm môi trường: Cách nào?

Từ câu chuyện ô nhiễm tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12 TPHCM tồn tại hơn chục năm nay mà Báo SGGP đã có dịp phản ánh trong nhiều bài viết trước, phần nào bộc lộ những bất cập trong công tác kiểm soát, xử lý doanh nghiệp (DN) vi phạm môi trường giữa các cơ quan chức năng. Gần đây, một cuộc đối thoại giữa các cơ quan chức năng nhằm mổ xẻ trách nhiệm xử lý hành vi vi phạm môi trường của DN đã phần nào chỉ ra những khiếm khuyết trên. Đó chính là sự chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm tra, cấp phép và quản lý. Tuy nhiên, việc khắc phục những khiếm khuyết trên không phải dễ.

Chất thải độc hại để trước một cơ sở nhuộm tại phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân. Ảnh: KIM NGÂN

Chất thải độc hại để trước một cơ sở nhuộm tại phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân. Ảnh: KIM NGÂN

Xử lý không xuể

Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM khẳng định, trong năm 2010, sở đã kiểm ra 215 DN và hơn 1/2 trong số đó bị xử phạt vì có hành vi vi phạm môi trường với tổng tiền phạt 2,6 tỷ đồng. Đến năm 2011, số lượng DN bị kiểm tra tăng lên 326 DN và 98 DN trong số đó đã bị xử phạt với tổng số tiền 3,7 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm 2012 đến nay, kiểm tra 40 DN và có 24 DN bị xử phạt.

Tuy nhiên, khi Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đặt câu hỏi với số lượng DN bị kiểm tra trên liệu đã kiểm soát được hết các DN gây ô nhiễm hay chưa thì bà Kim Oanh khẳng định là không thể. Điều này cũng là một thực tế bởi lực lượng thanh tra môi trường chỉ có hơn 10 người nhưng trên địa bàn thành phố hiện có hơn 150.000 DN. Nếu dàn tất cả các cán bộ môi trường và tăng mật độ là ngày nào cũng kiểm tra thì đến hết năm cũng chưa chắc kiểm tra đủ một vòng các DN. Kết quả là khó tránh được trường hợp các DN vẫn lén lút, thậm chí công khai xả thải chưa xử lý ra môi trường.

Để khắc phục tình trạng này, theo bà Kim Oanh cần có sự tham gia nỗ lực từ phía chính quyền địa phương trong công tác kiểm tra giám sát và xử lý. Tuy nhiên, ý kiến này đã và đang vấp phải sự phản đối từ các quận huyện vì bản thân các quận huyện chưa biết rõ thẩm quyền xử lý của mình đến đâu. Đại diện quận 12 cho biết, chính quyền nếu có phát hiện DN xả thải bẩn ra môi trường, nhưng không phải lúc nào cũng có thể xử lý được. Đơn giản vì có những DN do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép nên lại không thuộc thẩm quyền xử lý của quận. Muốn xử lý, quận phải báo cáo lên sở và vòng luẩn quẩn báo cáo khiến việc xử lý DN vi phạm vô cùng chậm trễ.

Tương tự, đại diện Sở NN-PTNT cho biết, hệ thống kênh rạch phục vụ tưới tiêu nông nghiệp thuộc quyền của sở. Do đó, những DN xả thải ra hệ thống kênh rạch này phải do sở cấp phép. Tuy nhiên, nếu DN xả thải bẩn thì chỉ có Sở Tài nguyên và Môi trường mới có thẩm quyền kiểm tra xử lý. Trong trường hợp Sở NN-PTNT phát hiện DN xả thải bẩn ra kênh tưới tiêu, gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước phục vụ nông nghiệp, cũng chỉ biết ghi nhận rồi chuyển lên cho Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị hỗ trợ giải quyết.

Ông Huỳnh Công Hùng, đại diện Ban Kinh tế ngân sách TPHCM bức xúc, cần xem xét lại công tác cấp phép cho DN. Trên thực tế có rất nhiều DN xin cấp phép với địa chỉ “ma” nhưng vẫn được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép. Do đó, nếu họ có gây ô nhiễm thì cũng không biết căn cứ theo địa chỉ nào để xử phạt hoặc áp dụng các biện pháp xử lý bổ sung.

Cần sửa đổi luật

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, hiện việc áp dụng Luật Bảo vệ môi trường đang bị vướng rất nhiều. Cụ thể, Luật Bảo vệ môi trường quy định với những DN tái vi phạm cho phép đình chỉ, buộc tạm ngưng công đoạn sản xuất gây ô nhiễm. Song lực lượng nào tổ chức cưỡng chế việc buộc tạm ngưng này thì hiện đang còn lúng túng. Không chỉ vậy, Luật Bảo vệ môi trường còn cho phép đóng cửa nhà máy sản xuất gây ô nhiễm nhưng điều khoản này vướng Luật Doanh nghiệp nên cũng chưa thể thực hiện được.

Đại diện quận 7 cho biết thêm, ngoài ra còn phải kể đến trình độ năng lực và trang thiết bị phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra môi trường hiện nay tại các quận huyện vừa yếu vừa thiếu. Cán bộ môi trường tại các quận huyện thường kiêm nhiệm nên không được trang bị đầy đủ về kiến thức. Trang thiết bị tối thiểu dành cho đo đạc, xác định lỗi vi phạm môi trường của DN gần như không có. Vậy lấy gì để tăng cường kiểm tra giám sát?

Đồng thuận với nhiều ý kiến trên, ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM khẳng định, nhất thiết phải sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường. Hiện sở đã tham mưu, trình UBND TP để kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường. Riêng sự bất cập, chồng chéo trong công tác quản lý giữa các sở ban ngành và quận huyện thì Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp cùng Sở Tư pháp, Công an TPHCM và các quận huyện bổ sung, điều chỉnh cơ chế phối hợp giữa các sở ngành, quận huyện, tránh tình trạng dưới đẩy trách nhiệm lên trên và trên lại đẩy trách nhiệm xuống dưới. Kết quả là chỉ có người dân khổ vì ô nhiễm.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục