Xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam là một trong những thành tựu nổi bật nhất; một chủ trương lớn, một quyết sách lớn, là sự quan tâm hàng đầu của Đảng, nhà nước trong những thập kỷ qua. Việt Nam được nhìn nhận là quốc gia thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) của Liên hiệp quốc.
Thành tựu to lớn
Có thể nói rằng trong những năm qua, cùng với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, nhiều chính sách xóa đói giảm nghèo đã được triển khai và giành được những kết quả rất quan trọng.
Thành tựu xóa đói giảm nghèo đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội. Điều đó minh chứng bằng các số liệu thực hiện MDGs tại Việt Nam thời gian qua: Giảm được 75% tỷ lệ hộ nghèo, từ 58,1% năm 1990 xuống còn 14,5% năm 2008. Năm 2011, tuy bất ổn về kinh tế, lạm phát cao cộng với hậu quả nặng nề của thiên tai bão lụt nhưng kết thúc năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm trên 2%, còn 14% (theo chuẩn mới). Với kết quả này, công tác giảm nghèo năm 2011 hoàn thành được mục tiêu Quốc hội đề ra.
Năm 2012 công tác giảm nghèo tiếp tục được Chính phủ đầu tư, trong đó nhấn mạnh đến: việc thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo; xây dựng kết cấu hạ tầng cho các vùng nghèo, xã nghèo; đồng thời nâng cấp, cải tạo các tuyến trục giao thông nối vùng nghèo, xã nghèo với nơi khác, tạo điều kiện thuận lợi cho vùng nghèo, vùng khó khăn phát triển. Đi đôi với việc xây dựng kết cấu hạ tầng, tiếp tục tạo nguồn lực cần thiết để dân cư ở các vùng nghèo, xã nghèo đẩy mạnh sản xuất, phát triển ngành nghề, tăng nhanh thu nhập… nhằm nâng dần mức sống của các hộ đã thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2012 xuống còn 10%-11%; tránh tình trạng tái nghèo trên địa bàn cả nước. Nhìn tổng thể có thể thấy rằng, nguyên nhân cơ bản tạo ra thành tựu giảm nghèo đói của Việt Nam trong những năm qua là nhờ đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích mọi người dân làm giàu chính đáng trên cơ sở giải phóng mạnh sức sản xuất, huy động mọi nguồn lực hiện có cùng với sự hỗ trợ đúng trọng tâm, trọng điểm của Nhà nước.
Bên cạnh đó là xác định đúng đối tượng nghèo đói và nguyên nhân cụ thể dẫn đến đói nghèo của từng nhóm dân cư để triển khai chính sách hỗ trợ phù hợp. Huy động sự tham gia của các cấp, các ngành vào công tác xóa đói, giảm nghèo ở từng địa phương. Trong công tác xóa đói, giảm nghèo, vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đóng vai trò then chốt. Thực tế cho thấy, nơi nào cấp ủy Đảng và chính quyền thực sự quan tâm thì nơi đó công tác tuyên truyền, vận động và các biện pháp giảm nghèo sẽ phát huy tác dụng. Song song đó, thời gian qua chúng ta đã tranh thủ được các nguồn lực nước ngoài cả về mặt vật chất, vốn, kỹ thuật và kinh nghiệm.
Còn đó những thách thức
Hiện nay có 3 nguy cơ rất rõ ràng đối với người dân ở nông thôn. đó là: nông dân mất ruộng, nông dân chán chốn thôn quê. Ly nông, ly hương, ly tán bất đắc dĩ, những vấn đề xã hội của nông thôn, nông dân có thể trở thành những nguyên nhân đưa đến đói nghèo của bộ phận dân cư nông thôn, đang chiếm 70% dân số cả nước.
Tình trạng tái nghèo còn phổ biến dưới tác động của rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và biến động xấu của thị trường. Mức chênh lệch về thu nhập giữa các vùng, các nhóm dân cư đang tăng lên sẽ là nguyên nhân đẩy tới bất công trong xã hội. Người nghèo hiện nay tập trung vào những nhóm dân cư rất đặc thù, bao gồm: những người sống ở những vùng sâu, vùng xa; người dân tộc thiểu số; người dễ bị tổn thương. Nghèo, đói, thu nhập thấp dẫn đến hạn chế tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Nguyên nhân do trình độ dân trí thấp, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, thiếu vốn cũng như kiến thức và kinh nghiệm làm ăn, tập quán sản xuất và sinh hoạt lạc hậu, đông con, bệnh tật thường xuyên, chi phí cho việc điều trị và đi lại lớn nên không có khả năng tích lũy tái sản xuất mở rộng.
Hơn nữa, Việt Nam được xem là một trong những nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất do biến đổi khí hậu toàn cầu. Việc đầu tư khắc phục thiên tai sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế kéo theo nghèo đói, tái nghèo.
Để giải quyết được những vấn đề trên, trong giai đoạn 2011 - 2020, chúng ta cần triển khai nhiều biện pháp. Trên quan điểm xóa đói giảm nghèo là một chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước, là sự nghiệp của toàn dân, do đó trong chương trình xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững, Chính phủ yêu cầu phải huy động tất cả nguồn lực của toàn xã hội vào quá trình thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững.
Cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội, cần đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo của người dân, đây chính là nhân tố quyết định thành công của công cuộc xóa đói giảm nghèo
Diệp Văn Sơn