Xóa khoảng cách y tế tuyến trên với tuyến dưới


Mô hình khám chữa bệnh từ xa đang mang lại nhiều lợi ích trong việc nâng cao hiệu quả điều trị. Người bệnh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao, đồng thời giảm bớt được sự vất vả, tốn kém mỗi khi bệnh tật, ốm đau.
Bác sĩ Trung tâm Y tế quận Gò Vấp thăm khám trực tiếp bệnh nhân trên nền tảng ứng dụng True Conf
Bác sĩ Trung tâm Y tế quận Gò Vấp thăm khám trực tiếp bệnh nhân trên nền tảng ứng dụng True Conf

Hình thức này đang dần tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến, xóa nhòa ranh giới trình độ của các đơn vị còn chưa được nâng cao về chuyên môn.

Kịp thời, hiệu quả

Tại TPHCM, trong thời gian dịch Covid-19 đã có nhiều cơ sở y tế triển khai phương án hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa, khám chữa bệnh tại nhà cho người dân. Điển hình là mô hình khám chữa bệnh từ xa trên nền tảng ứng dụng (True Conf.) tại Trung tâm Y tế quận Gò Vấp. TS-BS Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, cho biết, từ tháng 3-2020, trung tâm đã triển khai thí điểm mô hình khám chữa bệnh từ xa, thông qua hệ thống telemedicine cho người dân trên địa bàn với các điểm cầu đặt tại Trạm y tế phường 16, phường 8, phường 12 và Phòng khám Đa khoa Nguyễn Thái Sơn. Theo đó, hàng ngày có 1-2 điều dưỡng đến tận nhà người bệnh, thực hiện kiểm tra huyết áp, đo đường huyết...

Sau đó dùng máy tính bảng kết nối với bác sĩ tại trạm y tế để được thăm khám và kê đơn thuốc. Là người được thụ hưởng trực tiếp loại hình khám chữa bệnh này, bà Lê Thị Yến (ngụ phường 16, quận Gò Vấp) cho biết khá hài lòng với loại hình dịch vụ khám chữa bệnh này khi thường xuyên có y bác sĩ đến tận nhà thăm khám cho mình. “Tôi bị tiểu đường nhiều năm nay, trước đây cứ 2 tuần một lần phải lên trạm y tế phường để khám bệnh, nhưng gần đây tôi bị viêm khớp, việc đi lại hơi khó khăn. Từ ngày trạm y tế mở dịch vụ khám tại nhà, tôi được các cô đến tận nhà đo huyết áp, thử đường huyết, sau đó bác sĩ ở trên trạm cho thuốc luôn mà không cần phải đến tận nơi”, bà Yến chia sẻ. 

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, mô hình khám chữa bệnh từ xa đã góp phần lấp đầy khoảng trống vốn khá phổ biến hiện nay trong công tác chăm sóc ban đầu cho người dân tại các trạm y tế. Trong đó, đáng chú ý là lấp được khoảng trống giữa nhu cầu chăm sóc tại nhà cho người cao tuổi và nguồn nhân lực vốn còn hạn chế của các trạm y tế, nhất là bác sĩ. Khám bệnh từ xa cũng giúp đảm bảo tính liên tục trong điều trị tại bệnh viện (BV) và chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng. Ngoài ra, việc hội chẩn trực tuyến cũng giúp bác sĩ tuyến trên và tuyến dưới chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, thu hẹp khoảng cách giữa các bác sĩ làm công tác khám chữa bệnh ban đầu. “Từ những tín hiệu lạc quan của mô hình thí điểm tại Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, chúng tôi sẽ xây dựng quy trình khám chữa bệnh từ xa một cách chặt chẽ và kiến nghị Bộ Y tế xem xét chi trả BHYT cho người dân đối với hình thức khám bệnh này”, PGS-TS Tăng Chí Thượng cho hay.  

Vươn cao, vươn xa hơn

Trước hiệu quả của hình thức khám chữa bệnh từ xa, mới đây, Bộ Y tế đã phê duyệt và triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025. Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025 được xây dựng với quan điểm chủ đạo là “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”. Thông điệp này có ý nghĩa giúp tăng cường năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới, được nâng tầm vươn lên “chất lượng cao hơn”; đồng thời các kiến thức chuyên môn của tuyến trên được “lan tỏa xa hơn” tới mọi người dân trên khắp các vùng miền của Tổ quốc. Đề án đề ra mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến trung ương. Người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao sự hài lòng của người dân. 

Ông Lương Ngọc Khuê cũng cho biết thêm, trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã áp dụng công nghệ thông tin triển khai hoạt động tư vấn điều trị từ xa rất hiệu quả. Qua đó, tập hợp đội ngũ chuyên gia đầu ngành và các bệnh viện xích lại gần nhau hơn, tới mức gần như không có khoảng cách giữa trong Nam, ngoài Bắc, giữa tuyến trên tuyến dưới. “Qua dịch Covid-19 càng khẳng định hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai hoạt động tư vấn điều trị từ xa mà bệnh nhân phi công người Anh (bệnh nhân thứ 91) là một ví dụ điển hình. Các chuyên gia đầu ngành đã thường xuyên hội chẩn trực tuyến, tìm ra các giải pháp tốt nhất điều trị người bệnh. Nhờ đó, nam phi công đã có những hồi phục kỳ diệu”, PGS-TS Lương Ngọc Khuê dẫn chứng.

Nhận định về vai trò quan trọng của khám chữa bệnh từ xa, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế, nêu rõ Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” hướng tới mục tiêu tất cả các cơ sở y tế trên cả nước được hỗ trợ chuyên môn khi cần thiết và thường xuyên, góp phần giảm sự chênh lệch về chuyên môn giữa tuyến trung ương và địa phương. Mọi người dân đều được hỗ trợ y tế thường xuyên và khi cần thiết. “Việc thực hiện đề án chính là tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến. Các mạng lưới này được hỗ trợ chuyên môn như nhau”, Thứ trưởng Bộ Y tế kỳ vọng.

Trong Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025, Bộ Y tế đã chỉ định 24 bệnh viện tuyến trên đầu ngành trong cả nước tham gia nhằm hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới. Trong giai đoạn 2020-2021, ưu tiên đầu tư các chuyên khoa: tim mạch, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm, ung bướu, huyết học truyền máu, các bệnh không lây nhiễm… Dự kiến, đầu tư cho các bệnh viện tuyến trên và ít nhất 400 bệnh viện tuyến dưới bao gồm bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và bệnh viện tư nhân.

Tin cùng chuyên mục