
Bắt đầu từ năm 2001, năm nào Sở Giao thông Công chính TPHCM cũng xóa được hàng chục điểm ngập. Thế nhưng, sau 7 năm Sở Giao thông Công chính miệt mài làm việc, thành phố ngập vẫn hoàn ngập, thậm chí còn có chiều hướng ngập nặng hơn trước.

Ông Lê Toàn, Phó Giám đốc Sở GTCC (ảnh), trao đổi với chúng tôi: Năm 2001, sở xóa được 10 điểm ngập, qua năm 2002 là 21 điểm, năm 2003 là 6 điểm, năm 2004 là 19 điểm, năm 2005 là 6 điểm, năm 2006 là 19 điểm và năm 2007 là 14 điểm. Dự kiến năm nay sở cũng sẽ xóa được khoảng 10 điểm ngập nữa. Như vậy, nếu chỉ tính từ 2001 đến năm 2007, sở đã xóa được 95 điểm ngập.
° Năm 2001, theo thống kê của sở, toàn thành phố có khoảng 100 điểm ngập. Nếu sở đã xóa được 95 điểm ngập như ông nói thì tình trạng ngập ở TPHCM phải được cải thiện. Thế nhưng thực tế lại không phải như vậy…?
° Ông LÊ TOÀN: Nguyên nhân của tình trạng này hiển hiện rất rõ trong cuộc sống hàng ngày. Đó là quá trình đô thị hóa không được kiểm soát chặt chẽ, nhà cửa xây dựng trái phép, nhiều ao hồ bị san lấp mà không có hệ thống thoát nước thay thế.

Câu chuyện ở Ngã tư Bốn xã thuộc huyện Bình Chánh là một điển hình. Nơi đây vốn là vùng nông thôn với nhiều ao hồ kênh rạch. Nước mưa, nước triều dâng đều được thoát tự nhiên ra kênh, rạch. Tới khi nhà cửa được xây lên, kênh, rạch bị lấp đi, hệ thống thoát nước không có đã biến nơi này thành một trong những điểm ngập trọng điểm của thành phố. Sở Giao thông Công chính đã phải đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng hệ thống thoát nước, chống ngập cho Ngã tư Bốn xã.
Nhiều nơi trong nội thành, trước kia có sân vườn, một phần nước mưa đã thấm xuống đây, hạn chế việc gây ngập. Sân vườn giờ đây đã bị bê tông hóa, nước chỉ còn một cách thoát đi bằng hệ thống cống thoát. Trong khi đó, hệ thống thoát nước của thành phố vừa cũ, vừa xuống cấp, vừa thiếu lại vừa không đồng bộ. Kênh, rạch nơi thu nhận nước thải ra từ hệ thống cống thì bị lấn chiếm, san lấp gần hết. Ngập là điều không thể tránh khỏi. Đó là chưa kể đến tình trạng trái đất nóng lên, triều cường ngày càng mạnh.
° Trong hàng loạt những nguyên nhân này, đâu là trách nhiệm của Sở Giao thông Công chính?
° Ngập trên địa bàn thành phố có nguyên nhân từ mưa, triều cường và lũ. Trách nhiệm của Sở Giao thông Công chính chủ yếu là giải quyết ngập do mưa và một phần ảnh hưởng do triều cường. Giải quyết ngập do lũ và triều cường chủ yếu là trách nhiệm của nhiều sở ngành khác. Theo đó, Sở Giao thông Công chính đã có nhiều dự án chống ngập trọng điểm như cải thiện môi trường cho lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè, lưu vực Tàu Hủ-Bến Nghé, lưu vực Hàng Bàng. Tuy nhiên, tiến độ của tất cả các dự án này đang bị chậm.
° Theo ông những nguyên nhân còn lại, trách nhiệm thuộc về ai?
° Việc này liên quan đến rất nhiều ngành, nhiều người. Tôi lấy ví dụ về tình trạng ngập ở khu vực bùng binh Cây Gõ, vòng xoay Phú Lâm, rạch Ông Buông ở quận 6 và quận 11 - một trong những điểm ngập trọng điểm của thành phố. Rạch Ông Buông trước đây rộng hàng chục mét. Tuy nhiên, hiện nay nhiều đoạn chỉ còn rộng 4-5m vì bị dân lấn chiếm xây nhà, đáy thì đặc nghẹt rác. Nước không thoát được nên mỗi khi mưa là ở đây bị ngập. Thậm chí mưa ở nơi khác nhưng ở đây vẫn bị ngập vì nước ở vùng cao Tân Bình đổ về rạch Ông Buông rồi không thoát ra được.
Trả lại sự thông thoáng cho rạch Ông Buông là điều không dễ vì còn phải tính đến việc giải tỏa hàng ngàn căn nhà. Vừa qua, Sở Giao thông Công chính đã cố nạo vét một đoạn ngắn ở hạ lưu và kết quả là mức độ ngập tại cầu Ông Buông đã giảm thấy rõ, từ 1,9m xuống còn 1,6m. Điều đó chứng tỏ, nếu người dân không lấn chiếm kênh rạch, vứt rác xuống kênh rạch thì tình trạng ngập sẽ không nặng nề như hiện nay.
Những diễn biến tự nhiên bất lợi cũng đang làm cho tình trạng ngập ở thành phố xấu đi. Đất lún chẳng hạn. Tại sao đường Nguyễn Hữu Cảnh đường D1, D2 Bình Thạnh vừa xây xong đã ngập? Đó là do đất lún. Cao độ ban đầu của đường tới hơn 2m nhưng nay chỉ còn khoảng 1m nên cứ triều lên là nơi đây lại ngập. Việc xả lũ từ các hồ chứa ở thượng nguồn cũng làm cho TPHCM bị ngập…
° Như vậy, xem ra, chỉ cần một hành vi rất nhỏ như vứt rác xuống kênh, rạch, hố ga thu nước…; các cơ quan chức năng lơ là trong công tác quản lý đô thị; các công trình chống ngập chậm tiến độ… đã làm cho tình trạng ngập ở thành phố thêm nặng nề?
° Đúng vậy!
NGUYỄN KHOA