Xóa “thung lũng chết” để đưa khoa học sáng tạo vào thực tiễn

Dự kiến dịp 30-4 sắp tới, TPHCM sẽ công bố kết quả và trao Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần thứ nhất. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, về giải thưởng này.

Thúc đẩy chuyển dịch sang kinh tế tri thức

PHÓNG VIÊN: Ông đánh giá gì về sự tác động của Giải thưởng Sáng tạo TPHCM đến việc hình thành các giải pháp thiết thực, góp phần giải quyết nhanh các vấn đề nóng mà người dân thành phố đang mong mỏi?

PGS-TS HUỲNH THÀNH ĐẠT: TPHCM là thành phố đặc biệt, lớn nhất cả nước, là đầu tàu về kinh tế, hàng năm đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Một trong những nhân tố chính để TPHCM phát triển như hiện nay là sự năng động, sáng tạo của lãnh đạo và người dân TP. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, TPHCM phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, những hạn chế như ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm, nền hành chính còn nhiều bất cập… Những tồn tại này tác động tiêu cực đến người dân và sự phát triển của TPHCM.

Tôi cho rằng Giải thưởng Sáng tạo TPHCM sẽ là một “cú hích” và tạo ra một “xung lực”, góp phần hình thành một hệ sinh thái để khơi dậy tinh thần “năng động - sáng tạo” của đông đảo người dân nói chung và các nhà khoa học nói riêng. Các sáng kiến, giải pháp thiết thực và hiệu quả sẽ được đề xuất, góp phần giải quyết các vấn đề nóng đã nêu và góp phần tích cực để TPHCM tăng tốc phát triển trong thời gian tới.

Xóa “thung lũng chết” để đưa khoa học sáng tạo vào thực tiễn ảnh 1 Nghiên cứu tại Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trong thực tế, TPHCM đã có nhiều giải thưởng tôn vinh các hoạt động, phong trào sáng tạo, thì việc có thêm giải thưởng này liệu có tạo ra sự thay đổi về chất mang tính mạnh mẽ, đột phá hơn, nhất là đối với phong trào đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp?

Xây dựng tinh thần hay tư duy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (ĐMST-KN) là điểm xuất phát, là điều đầu tiên phải làm. Việc này nhằm hiện thực mục tiêu xây dựng mô hình phát triển kinh tế bền vững theo hướng kinh tế tri thức và tăng trưởng xanh, dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ (KH-CN), ĐMST-KN. Ngoài ra, việc xây dựng tư duy ĐMST-KN phải được thực hiện trên diện rộng, tạo tác động đến đa số người dân, nhằm kiến tạo một xã hội sáng tạo và khởi nghiệp. Nó cũng làm nền tảng nuôi dưỡng, phát triển các nhà đổi mới sáng tạo và doanh nhân khởi nghiệp - chủ thể của nền kinh tế tri thức.

Giải thưởng Sáng tạo TPHCM, cùng với các giải thưởng liên quan khác (Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TPHCM, Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka, Giải thưởng Sáng chế TPHCM, Giải thưởng ĐMST-KN) sẽ tạo nên một hệ sinh thái thúc đẩy tinh thần ĐMST-KN sâu rộng trong mọi tầng lớp trong xã hội. Tuy vậy, Giải thưởng Sáng tạo TPHCM không dừng lại ở thúc đẩy sáng tạo khoa học và kỹ thuật như các giải thưởng khác. Nó nhấn mạnh đến thúc đẩy hình thành các giải pháp ứng dụng trong thực tế, mang lại giá trị thực tiễn, góp phần giải quyết vấn đề cấp bách trong xây dựng và phát triển TPHCM, gắn với những chương trình đột phá, đề án xây dựng thành phố thông minh và khu đô thị sáng tạo.

Vì vậy, việc triển khai Giải thưởng Sáng tạo TPHCM là giải pháp quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch kinh tế TPHCM sang kinh tế tri thức, kinh tế số - xu thế chung của thế giới.

Đổi mới tư duy hợp tác

“Giải thưởng Sáng tạo sẽ thúc đẩy quá trình hình thành khu đô thị sáng tạo phía Đông”, vì sao ông có nhận định này?

Về bản chất, khu đô thị sáng tạo là nơi tập trung với mật độ cao các hoạt động ĐMST-KN. Trong khi đó, mục tiêu của Giải thưởng Sáng tạo TPHCM là truyền cảm hứng, thúc đẩy hình thành các giải pháp đổi mới sáng tạo, góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn của TPHCM. Và, đương nhiên, Giải thưởng Sáng tạo TPHCM sẽ đóng góp trực tiếp và tích cực vào sự hình thành, phát triển của khu đô thị sáng tạo phía Đông trong ngắn hạn cũng như lâu dài.

Nhưng vì sao thực tế có nhiều công trình nghiên cứu KH-CN sáng tạo rồi cho vào ngăn kéo hoặc không được thương mại hóa hiệu quả?

Kết quả một cuộc điều tra về thị trường công nghệ cho thấy hơn 50% doanh nghiệp trả lời có quá ít các tổ chức KH-CN trong nước cung cấp công nghệ cho thị trường. Nếu có thì cũng chỉ là công nghệ nhỏ lẻ, ít tạo thành các dây chuyền công nghệ đồng bộ, đủ sức tạo ra sản phẩm hàng hóa cạnh tranh với nước ngoài. Như vậy, việc khai thác thương mại kết quả nghiên cứu, sáng chế trong nước là quá nhỏ so với tiềm năng và mong muốn.

Phải nhìn nhận rằng, từ kết quả nghiên cứu khoa học đến sản phẩm, dịch vụ thương mại trên thị trường có một khoảng cách rất lớn, ngăn cách bằng một “thung lũng chết” (dead valley). Nguyên do, lâu nay, việc đầu tư cho KH-CN còn dàn trải, thiếu tập trung và không đủ tạo ra các kết quả KH-CN sẵn sàng cho thương mại hóa. Trong khi đó, cách tiếp cận trong chuyển giao tri thức, công nghệ của các trường đại học trong nước lâu nay còn cứng nhắc và “câu nệ” về lợi ích trước mắt. Điều này gây cản trở lớn đến hiệu quả thương mại hóa công nghệ của các trường đại học.

Xóa “thung lũng chết” để đưa khoa học sáng tạo vào thực tiễn ảnh 2 Không gian nghiên cứu, sáng tạo tại Công viên Phần mềm Quang Trung. Ảnh: VIỆT DŨNG
 Vậy giải pháp nào để hoạt động nghiên cứu sáng tạo hiệu quả, mang tính ứng dụng cao và có giá trị thực tiễn, thưa ông?

Trách nhiệm của các nhà khoa học là tập trung vào sáng tạo khoa học và kỹ thuật - nguồn lực chính của ĐMST-KN, từ đó kiến tạo nên các sản phẩm, dịch vụ mới. Việc phân phối các sản phẩm, dịch vụ trên thị trường là trách nhiệm của doanh nhân.

Do đó, để có thể tạo ra các nghiên cứu khoa học được ứng dụng trong thực tiễn cao, từ đó tác động mạnh mẽ hơn đến hoạt động ĐMST-KN, thì phải tập trung giải quyết 2 tồn tại chính. Thứ nhất, việc đầu tư cho KH-CN phải có trọng tâm, trọng điểm và dài hơi hơn, để tạo ra các kết quả cho ĐMST-KN. Thứ hai, phải đổi mới tư duy hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp (2 chủ thể quan trọng của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo) trong việc thương mại hóa các kết quả KH-CN.

Theo đó, các trường đại học cần có cơ chế thoáng và dài hơi trong chuyển giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp với chi phí thấp nhất có thể, thậm chí miễn phí trong một thời gian, nhằm nâng cao cơ hội thương mại hóa thành công các kết quả nghiên cứu hiện “nằm trên kệ”. Về dài hạn, trường đại học, doanh nghiệp và cả xã hội đều có lợi từ hợp tác này. Đây cũng là cách mà các nước trên thế giới làm rất hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục