
Tại Hội nghị về công tác lập và quản lý quy hoạch xây dựng tại TPHCM do Sở Quy hoạch- Kiến trúc TPHCM tổ chức ngày 24-3, những bức xúc trong công tác quy hoạch xây dựng, quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn TP tiếp tục được các đại biểu nêu lên.
- Điệp khúc “Quy hoạch chi tiết- phân cấp hay không?”

Theo báo cáo của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, đồ án quy hoạch chi tiết (QHCT) 1/2000 đã được quận, huyện phê duyệt có tổng diện tích hơn 2.581 ha, chiếm khoảng 27% so với tổng diện tích 9.468ha đã được Sở Quy hoạch-Kiến trúc (QH-KT) thẩm định. Hầu hết các quận đều nêu lên thực tế là việc thực hiện phân cấp quy hoạch ở các quận, huyện gặp nhiều khó khăn do không đủ năng lực.
Ông Lê Trọng Sang, Chủ tịch UBND quận 9 cho biết, trong năm 2005, quận đã đưa ra 8 đồ án QHCT nhưng chỉ dừng lại ở việc lập và khảo sát mà không phê duyệt được một đồ án quy hoạch nào. Ông Trần Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở QH-KT cho rằng, mặc dù công tác phê duyệt quy hoạch ở quận, huyện còn chậm nhưng việc ủy quyền, phân cấp này tạo điều kiện cho từng địa phương chủ động theo thực tế để triển khai quy hoạch và quản lý quy hoạch được tốt hơn.
Ông Dũng ví von: nếu không phân cấp, theo quy định hiện hành thì Sở QH-KT phải cần đến… 250 năm để lập QHCT 1/500 và QHCT 1/2000; mất 22 năm để thẩm định và mất 22 năm nữa để phê duyệt (!). Ủng hộ ý kiến của Sở QH-KT, bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê, Trưởng phòng Tài nguyên- Môi trường quận Tân Phú cho rằng, không thể nói phân cấp quy hoạch cho quận huyện thì quy hoạch TP sẽ là một chiếc áo được ghép bởi 24 miếng vá. Sở QH-KT là nơi nối kết các quận, huyện với nhau vì đơn vị thẩm định và phê duyệt cuối cùng vẫn là Sở.
Bà Khuê cũng đề nghị TP linh hoạt trong vấn đề thực hiện quy hoạch: để tránh tình trạng QH “treo” phải thực hiện QHCT 1/500 song song với thực hiện QHCT 1/2000 chứ không thể đợi có QHCT 1/2000 mới thực hiện QHCT 1/500. Phó Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Văn Đua khẳng định: Không thể có “quy hoạch tạm” mà phải tổ chức việc thực hiện quy hoạch thật cụ thể. Quy hoạch “treo” là do quy hoạch thiếu tính khả thi, thực hiện xóa “treo” tức là xóa quy hoạch thiếu khả thi chứ quy hoạch là vấn đề lâu dài, là phải… “treo”.
Liên quan đến cốt nền xây dựng, bà Phạm Thị Thanh Hải, Viện phó Viện Quy hoạch- Xây dựng TPHCM cho biết, Nghị định 08 của Chính phủ quy định cốt nền xây dựng phải được thể hiện trong từng đồ án QHCT: phải xác định cốt nền đường, vỉa hè, cốt công trình xây dựng trên từng tuyến phố… Nhưng trong khoảng thời gian từ năm 1998 đến 2000, do TP không quy định đưa tiêu chuẩn này vào QHCT 1/500 đối với các dự án nhà ở nên hàng loạt các dự án trong thời gian đó được các nhà đầu tư xây dựng cốt nền không theo một tiêu chuẩn nào, dẫn đến tình trạng lộn xộn như hiện nay.
Ông Lê Trọng Sang, Chủ tịch UBND quận 9 nêu thực trạng: có 2 dự án liền kề nhau nhưng cốt nền của 2 dự án không giống nhau và không thể nối kết với nhau. Ông cho rằng, TP nên ban hành quy định cốt nền chuẩn cho khu vực để gắn với điều kiện phát triển đô thị lâu dài.
Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Trọng Hòa yêu cầu các quận, huyện phải có bộ phận thẩm định cốt nền xây dựng phối hợp với Sở. Thời gian tới, Sở QHKT chỉ phê duyệt những đồ án đã được thẩm định cốt nền. Tuy nhiên, một khó khăn mà ông Hòa nêu ra là hiện nay TP chưa có chuẩn về cốt nền xây dựng (?!).
- Cây xanh trên vỉa hè, sân thượng là chỉ tiêu mảng xanh đô thị?

Theo dự báo của Sở QH-KT, nhu cầu đất cho công trình công cộng, công viên cây xanh so với dân số ở các khu vực nội thành ngày càng tăng, chỉ tiêu đất công cộng và công viên cây xanh ngày càng thấp: một số phường nội thành chỉ tiêu cây xanh dưới 1m2/người (quy định là 3 - 4m2/người).
Đại diện quận 5 cho biết, mật độ cây xanh trên địa bàn quận chỉ 0,3 m2/người, không đủ tiêu chuẩn cây xanh của một TP hiện đại. Để tăng mảng xanh, quận đã chủ trương tăng diện tích cây xanh trong từng dự án, trồng cây xanh trên vỉa hè, dải phân cách…
Tuy nhiên, quận cũng băn khoăn không biết như vậy có được tính vào chỉ tiêu mảng xanh đô thị hay không? Ông Nguyễn Quang Hà - giảng viên Trường Đại học Kiến trúc TPHCM cho biết, theo quy chuẩn xây dựng, cây xanh trên vỉa hè, trên ban công sân thượng nhà cao tầng, cây xanh trên tiểu đảo, đảo giao thông thì không được coi là chỉ tiêu cây xanh đô thị.
Cây xanh là một chỉ tiêu trong công tác quy hoạch nhưng hiện nay TP chưa có quy định về cây xanh như cây loại gì, trồng ở đâu… Để có cơ sở pháp lý cho các đơn vị tư vấn thiết kế và TP có cơ sở để quản lý quy hoạch, Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Trọng Hòa đã đặt hàng Trường ĐH Kiến trúc xây dựng quy chuẩn, quy phạm về cây xanh cho TP.
Phó Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Văn Đua chỉ đạo, các quận nội thành có dân cư ổn định lâu năm, khi chỉnh trang đô thị không được giảm chỉ tiêu về cây xanh mà cần bố trí cây xanh dựa trên tỷ lệ tính hợp lý, thêm các mảng xanh bằng cách trồng cây xanh vỉa hè, trên các dải phân cách… Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Đua cho rằng, hiện nay TP đang chuyển đất nông nghiệp sang đô thị thì không thể chấp nhận việc thiếu cây xanh, thiếu đường…