
Ngày 13-10 vừa qua, Viện Hàn lâm Thụy Điển chính thức công bố giải Nobel Văn học 2005 được trao cho Harold Pinter. Trao cho Harold Pinter giải Nobel Văn học 2005, Viện Hàn lâm Thụy Điển nhận định rằng ông là người “qua các vở kịch của mình đã phơi bày cái bờ vực hiểm nghèo ẩn bên dưới câu chuyện tầm phào thường ngày” và ông đã “xông vào những căn phòng kín cửa chất chứa áp bức”.

Harold Pinter.
Sinh ngày 10-10-1930 ở khu Hackney thuộc London, Pinter là con một ông thợ may người Do Thái. Thế chiến II nổ ra (1939), Pinter mới 9 tuổi phải di tản khỏi London. 3 năm sau trở về thủ đô, ông vào học trường Trung học Hackney và có dịp đóng các vai Macbeth, Romeo… trong kịch Shakespeare do Joseph Brearley đạo diễn.
Điều này đã thúc đẩy ông chọn nghề diễn viên.Pinter được nhận vào Học viện Kịch nghệ Hoàng gia (the Royal Academy of Dramatic Art, 1948), rồi vào Trường Kịch và Diễn thuyết Trung ương (the Central School of Speech and Drama, 1951); tìm được chỗ làm ở công ty danh tiếng Anew McMaster là nơi chuyên diễn kịch Shakespeare (1951); lưu diễn với nghệ danh là David Baron (1954-1957); lập gia đình với diễn viên Vivien Merchant (1956-1980), sau lại cưới phu nhân Antonia Fraser, một sử gia kiêm tác gia (1980).Sau khi xuất bản những bài thơ đầu tiên (1950), Pinter viết vở kịch đầu tay The Room (Căn phòng, 1957) được diễn ở thành phố Bristol.
Các vở kịch tên tuổi của ông là The Birthday Party (Tiệc sinh nhật, 1958); The Caretaker (Người trông nhà, 1960); The Homecoming (Về nhà, 1965); Old Times (Ngày xưa, 1971); No Man’s Land (Đất không người, 1975) và Betrayal (Phản trắc, 1978)… Ông còn làm đạo diễn sân khấu, viết kịch bản truyền thanh, soạn kịch bản phim truyện và truyền hình. Một số kịch bản phim tên tuổi là: The Servant (Người giúp việc, 1963), The Accident (Tai nạn, 1967), The Go-Between (Người môi giới, 1971), v.v…
Pinter còn nổi danh là người phản chiến và đấu tranh cho nhân quyền (từ 1973): từng thuyết trình trước Hạ viện Anh (1991) về vấn đề Nicaragua; thuyết trình trước Hội nghị Ủy ban Hòa bình miền Balkans (the Committee for Peace in the Balkans Conference, 2000) nhân kỷ niệm ngày Serbia bị khối Nato dội bom; chỉ trích chính sách đối ngoại của Mỹ tại Viện đại học Florence (2001); v.v…
Nhân vật trong kịch của Pinter thường là những người bình dân. Kịch của ông kết hợp tính hài hước với khổ đau và hiểm nguy bất trắc nên được mệnh danh là “comedy of menace” (hài kịch mang tính đe dọa). Khi nói tới những tính cách đặc thù này trong kịch, để dễ diễn tả người Anh gọi luôn là “Pinteresque” (mang tính cách của kịch Pinter). Nói cách khác, tên của ông đã biến thành một tính từ bổ sung cho tiếng Anh, được chính thức ghi vào các từ điển danh tiếng của Anh và Mỹ (như Oxford và American Heritage…). Đây là một trong nhiều bằng chứng hiển nhiên cho thấy ảnh hưởng rất lớn của Pinter đối với sân khấu đương đại nước Anh.
Từ 1950 đến nay, Printer đã viết, công diễn và xuất bản 32 vở kịch bằng tiếng Anh. Ngoài ra, ông còn in 7 nhan đề (về khảo cứu, văn xuôi, thơ, chính luận, diễn văn) và 3 quyển sưu tập các kịch bản phim. Tác phẩm của Printer đã được dịch sang tiếng Pháp (11 nhan đề) và tiếng Đức (15 nhan đề). Học giới rất quan tâm tới Pinter, kể từ 1968 đã có 23 quyển sách của nhiều tác giả khác nhau viết về ông, bằng tiếng Anh.
THANH MAI