So với nhiều địa phương khác, Bạc Liêu có nhiều di tích và công trình kiến trúc nghệ thuật. Cứ tưởng thế mạnh này sẽ được phát huy, góp phần cho ngành công nghiệp không khói làm giàu. Vậy nhưng, nhiều di tích, công trình kiến trúc nghệ thuật hiện nay bị xâm hại và xuống cấp nghiêm trọng…
Chảy máu cổ vật
Đến với nhiều di tích hay điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu hiện nay, chắc nhiều người không khỏi ngậm ngùi, xót xa bởi nạn chảy máu cổ vật cứ âm ỉ. Đó là nạn trộm cắp cổ vật ở các nơi thờ tự, kéo theo đó là hàng loạt hệ lụy, phá đi những bố cục toàn mỹ của công trình, thậm chí làm xáo trộn tập quán sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng. Như chùa Vĩnh Phước An (phường 2, TP Bạc Liêu), vốn là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật cổ, có tuổi thọ hơn 140 năm và gắn liền với tên tuổi, tác phẩm của nhiều nghệ sĩ cải lương tài danh như cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Lư Hòa Nghĩa... Thế nhưng, đến tham quan chùa hiện nay phải đi cổng phụ ở bên hông chùa, rồi phải quẹo qua mấy cánh cửa và hệ thống camera chống trộm nữa mới vào được chánh điện. Còn cổng chính và các cổng khác thì khóa chặt.
Nói về nguyên nhân, Đại đức Thích Minh Trí cho biết: “Cửa chùa phải luôn rộng mở, nhưng bây giờ thật sự không dám mở vì nạn trộm hoành hành quá. Chùa có nhiều cổ vật giá trị bị lấy cắp như: các liễn đối bằng gỗ được chạm khắc thư pháp độc đáo, hay các cặp lục bình, chân đèn... Thậm chí có người giả vào chùa làm công quả, nhưng lại trộm các lư đèn. Rồi các tượng, hoa văn, linh thú trên nóc chùa cũng bị mất nên nhà chùa phải buộc lòng tháo xuống đem cất vào tủ hoặc kho”.
Thật vậy, nhìn trên các nóc chùa, nhiều tượng, hoa văn trang trí từng kiêu hãnh cùng nhật nguyệt hơn 100 năm nay đã bị xếp xó mà xót. Điều đó, không chỉ làm mất đi nét đẹp cổ kính vốn có của ngôi chùa, mà còn mất thẩm mỹ khi thay vào các tượng mới toanh còn bóng bẩy màu nước men. Đó là các tượng ông Nhật, bà Nguyệt, cá hóa rồng, kỳ lân, rồng, phụng... Lo sợ cũng phải thôi, vì những bức tượng như thế này luôn nằm trong tầm ngắm của bọn trộm đồ cổ. Tại chùa Ông (phường 2), tượng ông Nhật, bà Nguyệt vốn là gốm quý được đặt hai bên nóc chùa đã bị lấy cắp. Rồi trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, ngay cả lư hương của chùa cũng bị lấy trộm.
Cá hóa rồng lấy từ nóc chùa bị bể, chờ phục hồi tại chùa Vĩnh Phước An
Di tích chờ sập?
|
Đáng cảnh báo hiện nay là có một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia của tỉnh đang đứng trước nguy cơ… chờ sập. Đó là Thành Hoàng cổ miếu (phường 3, TP Bạc Liêu) được xây dựng từ năm 1865 và được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 2000. Có thể nói, đây là di tích có kiến trúc độc đáo bậc nhất của Bạc Liêu, Đặc biệt là nghệ thuật điêu khắc gỗ, tranh dân gian với bút pháp tinh tế đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật hội họa. Nhưng đến với Thành Hoàng cổ miếu hiện nay, những người yêu nghệ thuật, tâm huyết với những giá trị truyền thống khó cầm được nước mắt, vì nhiều tác phẩm nghệ thuật có tuổi thọ gần 150 năm đã không còn. Chỉ tính riêng những bức tranh dân gian giáo dục truyền thống hay thể hiện ước mơ của con người về chân - thiện - mỹ đã bong tróc và trơ ra đó là những nền vôi trắng ẩm móc. Chỉ cần một cơn gió mạnh thổi qua là vôi bay tung tóe, mang theo cả những họa tiết tinh xảo, nhỏ như cọng chỉ, mềm mại như sợi tơ được vẽ từ những họa sư tài hoa lúc bấy giờ. Nhiều bức tranh hiện nay chỉ còn từ 1 đến 2 phần, có bức tranh không mất đầu thì mất chân và sẽ sớm bị xóa sạch nếu như chưa được bảo tồn, trùng tu kịp thời. Đáng quan tâm hơn, nhiều hạng mục công trình như các kèo, xuyên ngay khu vực chánh điện và khu vực xung quanh đã bị mục, sụp phải dùng cây gỗ để chống đỡ.
Ông Hà Văn Vui (người giữ Thành Hoàng cổ miếu) cho biết: “Nhiều cột, đòn tay của di tích hiện đã bị mục hết và có thể ngã đổ bất cứ lúc nào. Trước đây, cũng có nhiều đoàn đến khảo sát và lập kế hoạch trùng tu, nhưng đợi mãi sao chẳng thấy triển khai. Không biết di tích này có còn thời gian để đợi nổi nữa hay không?”.
Qua khảo sát thực tế cho thấy, nếu ngành quản lý không có giải pháp bảo tồn, trùng tu ngay từ bây giờ thì khả năng di tích này sẽ bị sập và nhiều tác phẩm kiến trúc nghệ thuật sẽ mất đi là chuyện khó tránh khỏi.
SONG HỶ