Xu hướng các đối tượng người nước ngoài lợi dụng du lịch để móc nối sản xuất ma túy

Hiện nay, xuất hiện tình trạng các đối tượng người nước ngoài lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập, những quy định thuận lợi của Nhà nước đối với thủ tục hải quan và những kẽ hở trong công tác quản lý xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu... đã móc nối với các đối tượng trong nước thành lập các doanh nghiệp, công ty “bình phong” sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, thuê kho, xưởng để ngụy trang tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép ma túy. 
Thông tin trên vừa được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) thông tin sáng nay (17-6) tại hội nghị cung cấp thông tin báo chí nhân tháng hành động phòng, chống ma túy. 
Theo lãnh đạo C04, trong thời gian qua, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến đặc biệt phức tạp nhưng tội phạm ma túy trên thế giới, khu vực và trong nước vẫn tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng và tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường với phương thức, thủ đoạn rất mới, thường xuyên thay đổi, chuyển hướng hoạt động và triệt để lợi dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ để đối phó với sự kiểm soát, phát hiện, bắt giữ của các lực lượng chức năng.
Xu hướng các đối tượng người nước ngoài lợi dụng du lịch để móc nối sản xuất ma túy ảnh 1 Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện thông tin với báo chí tại hội nghị. Ảnh: ĐỖ TRUNG
Do chịu tác động trực tiếp từ tình hình tội phạm ma túy thế giới và khu vực nên tình hình ma túy ở nước ta vẫn tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Nguồn ma túy chủ yếu từ nước ngoài được mua bán, vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba qua các tuyến biên giới đường bộ, đường biển và đường hàng không… Trong đó, thời gian gần đây nổi lên một số tuyến trọng điểm, như Tây Bắc.
Thời gian qua tại đây lực lượng chức năng đã tập trung đấu tranh, trấn áp mạnh nhưng gần đây đã có dấu hiệu phức tạp trở lại, đáng chú ý là các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ Lào qua một số tỉnh biên giới Tây Bắc, Bắc miền Trung để vận chuyển sang Trung Quốc tiêu thụ. Chúng thường xuyên thay đổi hướng vận chuyển để trốn tránh sự phát hiện, bắt giữ của các lực lượng chức năng. 
Tại khu vực phía Nam, đặc biệt là TPHCM và các tỉnh trọng điểm phía Nam, tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, tình trạng buôn bán ma túy diễn biến hết sức phức tạp, trở thành “địa bàn nóng” về tội phạm ma túy của Việt Nam.
Sau khi Trung Quốc tập trung trấn áp mạnh tội phạm ma túy và kiểm soát chặt chẽ các đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), gần đây có cả Hàn Quốc đã chuyển địa bàn hoạt động sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nguy cơ biến Đông Nam Á trở thành trọng điểm ma túy toàn cầu. 
Trên tuyến hàng không, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, việc vận chuyển hành khách tạm dừng hoặc kiểm soát rất chặt chẽ, các đối tượng đã lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh và ký gửi hàng hóa quà biếu phi mậu dịch bằng tuyến đường hàng không để gửi hàng hóa có ngụy trang cất giấu ma túy rất tinh vi từ các nước châu Âu về Việt Nam, rồi sau đó đi các nước để tiêu thụ. 
Xu hướng các đối tượng người nước ngoài lợi dụng du lịch để móc nối sản xuất ma túy ảnh 2 Ma túy được giấu qua đường hàng không. Ảnh: C04 cung cấp.
Bên cạnh đó, tuyến đường biển tiếp tục bị các đối tượng phạm tội lợi dụng để mua bán, vận chuyển trái phép ma túy với khối lượng lớn từ nước ngoài về Việt Nam, quá cảnh Việt Nam và từ Việt Nam đi nước thứ ba, trọng điểm là các cảng biển tại TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng... với thủ đoạn rất tinh vi.
Ngoài ra, hiện nay còn xuất hiện tình trạng tội phạm lợi dụng không gian mạng Internet để thực hiện các hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy. Đây là vấn đề đáng báo động trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ và phổ biến của mạng Internet trong đời sống xã hội. 
Song song đó, gần đây xuất hiện xu hướng các đối tượng người nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập, những quy định thuận lợi của Nhà nước đối với thủ tục hải quan và những kẽ hở trong công tác quản lý xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu với danh nghĩa là du lịch, thăm thân, đầu tư kinh doanh… móc nối với các đối tượng trong nước thành lập các doanh nghiệp, công ty “bình phong” sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, thuê kho, xưởng để ngụy trang tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép ma túy. 
Tình hình mua bán lẻ chất ma túy và tổ chức, chứa chấp, lôi kéo người khác sử dụng trái phép ma túy tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Gần đây, ngoài một số cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự vẫn lén lút hoạt động, các đối tượng chuyển địa điểm sử dụng trái phép chất ma túy từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh, trật tự (do tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19) sang thuê, sử dụng nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, căn hộ chung cư, resort nghỉ dưỡng cao cấp để tổ chức sử dụng trái phép ma túy…
Nghiêm trọng nhất xảy ra thời gian gần đây là vụ phát hiện đối tượng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy ngay tại Bệnh viện tâm thần Trung ương I, Bộ Y tế, có liên quan đến bệnh nhân điều trị tâm thần và cán bộ của bệnh viện, gây bức xúc trong dư luận.
Ngay trong tháng 5-2021, mặc dù ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid - 19 lần thứ 4, toàn quốc vẫn phát hiện, xử lý 55 vụ tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Cũng theo C04, trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phát hiện 12.421 vụ, bắt giữ 17.710 đối tượng, thu giữ: 290kg heroin, 1,42 tấn ma túy tổng hợp, 840kg cần sa cùng nhiều phương tiện, tài sản... có liên quan. Riêng C04 đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng, đấu tranh bắt giữ: 54 vụ, 155 đối tượng, thu giữ: 172kg heroin, 1,1 tấn ma túy tổng hợp, bắt 10 đối tượng truy nã và hiện đang trực tiếp thụ lý điều tra 30 vụ án, 104 bị can. 

Tin cùng chuyên mục