Phát triển bền vững, thân thiện với môi trường đã và đang là xu hướng phát triển không chỉ với doanh nghiệp mà còn với cộng đồng dân cư. Tuy nhiên tại Việt Nam, xu hướng phát triển xanh trong doanh nghiệp (DN) còn khá khiếm tốn. Nguyên nhân là do các DN chưa thực sự mặn mà cũng như thấy hết lợi ích từ phát triển xanh. Ngược lại, phong trào sống xanh trong cộng đồng lại phát triển khá mạnh mẽ. Người dân ngày càng có xu hướng tìm đến những sản phẩm của các DN xanh, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chủ động xây dựng kế hoạch phát triển bền vững
Đó là những gì mà DN xanh đã và đang làm để đạt chứng nhận Doanh nghiệp xanh. Ông Nguyễn Văn Huấn, Giám đốc Nhà máy sữa Thống Nhất cho biết, công ty đã tham gia giải thưởng Doanh nghiệp xanh từ năm 2008 và đạt chứng nhận giải ba. Tuy nhiên, trước khi tham gia đạt chứng nhận Doanh nghiệp xanh, công ty đã chủ động đầu tư tất cả các giải pháp kỹ thuật cần thiết, đảm bảo toàn bộ chất thải phát sinh trong hoạt động sản xuất đều được xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường. Cụ thể, công ty đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn loại A. Trước khi thải ra môi trường, toàn bộ nước thải xử lý xong phải chuyển qua bể nuôi cá. Nếu cá sống tốt cũng đồng nghĩa là nước thải sạch và ngược lại. Tại bức tường ngăn nhà xưởng với khu vực dân cư bên ngoài, công ty lắp đặt những ô kính để tiện cho người dân giám sát chất lượng nước thải của nhà máy bất kỳ lúc nào. Thậm chí, công ty còn thường xuyên mời người dân vào tham quan nhà máy để hiểu, đồng thời góp ý thêm cho công ty thực hiện tốt hơn Luật Bảo vệ môi trường, tránh việc sản xuất gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Tương tự, tại nhiều nhà máy khác như Công ty cổ phần Bột giặt Lix, Công ty TNHH Intel Việt Nam, Nhà máy Sữa Trường Thọ, Công ty cổ phần Lương thực thực phẩm Colusa Miliket… Các công ty đều tuân thủ những quy định trong xử lý chất thải. Nhiều đơn vị còn đầu tư hệ thống sử dụng điện bằng năng lượng mặt trời để góp phần giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; xây dựng chiến lược phát triển tập đoàn theo hướng phát triển tập đoàn lớn mạnh gấp đôi, đồng thời giảm 1/2 tác động đối với môi trường hoặc sử dụng 100% nguyên liệu nông sản thô từ nguồn nguyên liệu bền vững.
Tranh thủ sự ủng hộ từ người tiêu dùng
Phát triển bền vững chỉ là một vế của sự phát triển. Vế còn lại là bằng hình ảnh thân thiện với môi trường, các DN sẽ tranh thủ được sử ủng hộ từ phía người tiêu dùng. Hai vế này là sự tương tác không thể thiếu trên thị trường vốn đang đi vào xu hướng xanh hóa hiện nay. Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, thực tế từ việc tổ chức phát động phong trào tiêu dùng xanh trong cả nước cho thấy, sức tiêu thụ sản phẩm của các DN thực hiện tốt công tác môi trường tham gia chiến dịch này tăng từ 40% - 60% so với các tháng khác trong năm. Điều này đủ để minh chứng DN xanh, sản phẩm xanh hoàn toàn có thể đứng vững trên thị trường và được cộng đồng ưu tiên sử dụng nếu họ được tuyên truyền tốt và sâu rộng hơn.
Một nghiên cứu gần đây của Trường Đại học Bách khoa TPHCM chứng minh, xu hướng tiêu dùng xanh đã và đang phát triển nhanh chóng trong cộng đồng 3 năm lại đây. Sự phát triển xu hướng này thông qua nhiều hoạt động phong trào xã hội như: Ngày không túi ni lông, Tháng tiêu dùng sản phẩm xanh; Ngày hội tái chế chất thải; Ngày môi trường thế giới… Đặc biệt, ở giới trẻ, xu hướng sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường được hình thành khá rõ nét. Rõ nhất là sự hình thành ngày càng nhiều cửa hàng chuyên bán sản phẩm thân thiện môi trường. Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng, chính xu hướng xanh hóa tiêu dùng cũng đang phát sinh vấn đề tiêu cực. Đó là có không ít DN gây ô nhiễm môi trường nhưng lại biết nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng để sản xuất ra các mặt hàng có tính chất thân thiện môi trường. Mặt khác, các DN tham gia tài trợ các sự kiện cộng đồng và gắn yếu tố bảo vệ môi trường vào chính các sản phẩm của mình để thu hút người tiêu dùng hưởng ứng tiêu thụ. Điều náy khiến người tiêu dùng dễ nhầm lẫn thông tin sản phẩm.
Thế nhưng, thông qua cách làm này cũng khắc họa khá rõ nét vai trò của cộng đồng hay nói đúng hơn là người tiêu dùng trong việc phát triển DN. Khi người tiêu dùng quan tâm và hướng tiêu dùng của mình đến sản phẩm thân thiện với môi trường thì ngay lập tức các DN sẽ nhanh chóng chuyển đổi để phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới. thực tế này đã được chứng minh từ lâu tại các quốc gia trên thế giới. Chính người dân là yếu tố cuối cùng quyết định sự thành công hay thất bại của DN. Theo PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Viện phó Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường, để phát huy vai trò cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường thông qua quyền người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cần phải thực hiện song song hai vấn đề. Một là tuyên truyền rõ nét giúp cộng đồng nhận diện đúng đâu là DN thực sự thực hiện tốt luật bảo vệ môi trường. Mặt khác, duy trì thường xuyên hoạt động kêu gọi cộng đồng hưởng ứng tiêu dùng sản phẩm xanh.
Về lâu dài, hiện nước ta đã có chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Chiến lược này vừa được Thủ tướng phê duyệt với mục tiêu là tiến tới nền kinh tế carbon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững, dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề còn lại là các tỉnh thành cần có nhiều nỗ lực hơn để hỗ trợ DN phát triển xanh.
MINH XUÂN