Xứ lụa Hà Đông

Mới lớn lên, lòng tôi đã vấn vương hai câu thơ nổi tiếng của Nguyên Sa: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”. Mới đây, lại hay tin, bộ phim “Áo lụa Hà Đông” vừa đăng quang tại Liên hoan phim quốc tế Pusan, Hàn Quốc. Thế nên, lần ra Bắc vừa rồi, tôi nhất định tìm về thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây.

  • Đại lão kể chuyện làng lụa

Cụ Triệu Văn Mão bây giờ đã ngoài thất thập nhưng đôi mắt và hành động của cụ vẫn tinh anh và điêu luyện như cái thuở còn trẻ khi cụ Mão dùng xấp vải lụa do chính tay mình dệt để… tặng cụ bà may áo. Gợi lại tình yêu với lụa, cụ Mão hăng hái bước vào cái khung cửi gỗ duy nhất còn sót lại của làng, tuổi đời ngót nửa thế kỷ, biểu diễn. Thật ấn tượng với hình ảnh đại lão nghệ nhân tay giật và đưa con thoi, chân đạp lên thanh đòn và cứ dệt được một đoạn, cụ Mão lại nhấc cái văn gỗ lên, cắm về phía trước, bảo vui: “Tớ tạo hoa văn cho lụa í mà!”.

Trong khói thuốc và mùi hương chè xanh đặc quánh, cụ Mão đưa người nghe trở về dĩ vãng: “Nghề dệt ở Hà Đông nói chung hay làng Vạn Phúc này có từ thời Đường, thế kỷ 15, chú em ạ! Thời chống Mỹ, chúng tôi có bao nhiêu khung cửi thì đều dệt khăn rằn cho miền Nam, dệt lụa cho hợp tác xã bán sang Liên Xô đổi vũ khí cả. Đến ngày đất nước thống nhất, tôi là người đầu tiên đi tàu vào Nam mua 110 cái “máy dệt viện trợ” về làng, bà con mới thôi không xài khung cửi gỗ”.

Theo lời kể của cụ Mão và các cụ trong Hội Người cao tuổi Vạn Phúc, đến khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, xưởng dệt lụa của HTX lụa Vạn Phúc trở thành xưởng dệt… thảm chùi chân. Cụ Mão nằm liệt mấy tháng trời rồi… đứng dậy vào Nam tìm đường cứu lụa để bây giờ, xưởng dệt của đại lão nghệ nhân Triệu Văn Mão trở thành nơi nổi tiếng cả trong nước lẫn quốc tế. Cụ kết một câu: “Thời nào thì lụa Hà Đông vẫn sống, tôi yêu bà ấy cũng vì lụa đấy. Bà ấy mặc áo lụa thì đẹp phải biết!”

  • Hậu sinh phát triển làng nghề

Tôi theo đấng hậu sinh, như lời anh Đặng Văn Hải, cán bộ UBND xã Vạn Phúc tự nhận, đi loanh quanh trong làng. Cây đa đầu ngõ um tùm và xanh mát. Trong làng, ngõ dọc, ngõ ngang tráng xi măng phẳng phiu. Nhìn xa xa, cánh đồng bát ngát mà không ai “thèm” trồng lúa, “Người Vạn Phúc để dành đất phơi lụa thôi, anh ạ”, Hải tự hào. Từ 110 cái “máy dệt viện trợ” ngày nào, lớp nghệ nhân mới giờ đã phát triển lên thành 1.000 máy.

Xưởng dệt của Hải nằm kề sông Nhuệ Giang hiền hòa. Anh có vợ làm việc tại bưu điện xã, một con nhỏ đang ê a trong lớp mẫu giáo xã và 19 cái máy dệt chạy suốt ngày đêm. Mẫu mã lụa trong xưởng nhà Hải thật đa dạng, các hoa văn không in như nhiều loại lụa nơi khác mà dệt cùng lúc dệt lụa.

Hải nói: “Trước kia cha mẹ em phải ủ gạo, xay thành bột để hồ vải nên cực và chất lượng lụa cũng thất thường. Nay, người Vạn Phúc đã dùng keo để hồ nên mặt lụa láng và không bị xơ”. Hàng chục nữ công nhân mà nhìn qua đều biết là người làng với áo lụa xẻ cao đang hí húi bên công việc của mình. Hải cặn kẽ giải thích từng công đoạn nhập tơ, guồng tơ, đánh ống, mắc cửi… rồi hồ, rồi nối cửi, rồi dệt…

Lạc trong tiếng xập xình của máy, tiếng cười khúc khích của con gái làng lụa, tiếng guồng tơ xè xè…, tôi ngây ngất bởi lụa đẹp quá, con gái Vạn Phúc lại càng đẹp! Đôi bàn tay mềm mại của 25 cô gái này mỗi tháng tạo cho anh Hải đến 10.000m lụa, trị giá cả trăm triệu đồng. Mà ở Vạn Phúc bây giờ, có đến 4.000 lao động/9.000 dân sống nhờ lụa.

Cụ Đỗ Văn Sơn, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Vạn Phúc, khẳng định: “Lụa Hà Đông không chỉ nổi tiếng nhờ đi vào thơ ca, âm nhạc mà nó trường tồn có lẽ do chất lượng không đâu bằng. Dù lụa bây giờ có phải giảm giá để cạnh tranh, có đôi chỗ thay tơ tằm bằng tơ nhân tạo nhưng giá lụa vẫn không thay đổi bao năm nay: 14.000 đồng/m xuất xưởng”. Tuy nhiên, bên cạnh niềm tự hào, Bí thư Đảng ủy xã Vạn Phúc, anh Đỗ Văn Lợi, lại canh cánh nỗi âu lo: “Biết rằng người làng lụa luôn giữ chất lượng nên hàng không bao giờ ế bởi đây là hàng lụa Hà Đông mà, nhưng giá nguyên liệu tăng cao quá các anh ạ. Năm trước 230.000 đồng một ký tơ, năm nay là 380.000 đồng rồi”.

Tôi ra cánh đồng bên sông Nhuệ Giang xanh mướt. Gió thu hanh vàng từng chiếc lá. Nắng như rót mật ong vào từng dải lụa đang phơi căng bóng, ánh lên sắc hồng, tía, lam, trắng, tím… trên nền cỏ xanh rì. Từ góc độ này, biết bao nghệ sĩ nhiếp ảnh đã làm nên tên tuổi. Tôi cũng chọn một góc đẹp, nhờ người nông dân hiền hậu gần đấy căng cây văng - làm bằng tre - cho dải lụa ưỡn mình trong nắng, rồi lia máy. Thật bất ngờ vì Hải Đăng, tên người nông dân ấy, lại là một triệu phú trong hàng trăm triệu phú của làng. Hải Đăng đang vay mấy trăm triệu từ nguồn vốn lưu động 10 tỷ đồng trong Quỹ Tín dụng xã Vạn Phúc để di dời và nâng cấp quy mô sản xuất.

Ngoài cái xưởng dệt trị giá hàng trăm triệu đồng, anh còn một chiếc ô tô, căn nhà để thế chấp vay vốn. Theo thống kê, cả xã Vạn Phúc có 1.507 xe máy xịn (chưa tính xe máy Trung Quốc) và 60 ô tô của các triệu phú trẻ như Hải Đăng. Họ sẽ được tập trung vào một khu vực quy hoạch làng nghề để tránh ô nhiễm, tiện sản xuất, mua bán và làm du lịch. Năm qua, dù giá nguyên liệu có tăng nhưng bù lại, có đến 10.000 lượt khách quốc tế và trên 100.000 khách nội địa đến với Vạn Phúc, trong đó có tôi.

Làng lụa Vạn Phúc (thị xã Hà Đông) được biết đến như là một làng nghề dệt lụa đẹp với nhiều mẫu hoa văn và lâu đời bậc nhất nước ta. Từ chất liệu tằm tơ với công nghệ cổ truyền, người Vạn Phúc đã dệt nên nhiều loại lụa quý, được chọn may quốc phục cho triều đình - đặc biệt dưới các đời vua chúa nhà Nguyễn; hai lần được người Pháp mang đi “đấu xảo” tại Paris và Marseille (1931, 1938), lụa Vạn Phúc - còn gọi là lụa Hà Đông - nổi tiếng thế giới từ đó.

Nghệ thuật trang trí và hoa văn trên lụa Vạn Phúc được xem như mẫu mực của phong cách tạo hình trên chất liệu mỏng, bằng sợi của các nghệ nhân và nghệ sĩ dân gian Việt Nam. Thợ Vạn Phúc rút sợi nõn, se tơ, hồ sợi, dệt thành các thứ lụa, gấm, vóc, the, lĩnh, bằng, quế, đoạn, sa, đũi... với các hình chim muông, hoa lá rất cầu kỳ, kể cả hình “lưỡng long chầu nguyệt” dài đến 20m trên mặt lụa.

Ngoài mịn mặt, mát tay, rũ, mềm, hoa văn sang trọng…, lụa  Vạn Phúc còn nổi tiếng bởi lụa Vân, mặt lụa phẳng mà như có mây cuộn vào trong - một kỹ thuật tinh tế mà ngoài Vạn Phúc không đâu dệt nổi. Sự độc đáo của lụa Vạn Phúc còn ở chỗ rất khó có được những tấm lụa hoàn toàn giống nhau, bởi mùa nắng tơ có độ óng ánh sắc sảo, mùa mưa sắc óng dịu nhẹ, khiến màu lụa có trong, có trầm, có thanh, có đậm. Mùa đông mặc vào thấy ấm áp, mùa hè thấy mát mẻ, mỗi người mặc vào đẹp mỗi vẻ, khiến người Vạn Phúc rất đỗi tự hào.
(Nguồn: Website Du lịch Hà Tây)

S.P 

DƯƠNG MINH ANH

Tin cùng chuyên mục