Xử lý bến cóc, xe dù: Phải dẹp các “chướng ngại vật”

Tuần qua, trong cuộc họp triển khai công tác an toàn giao thông năm 2015, lãnh đạo TPHCM đã giao các sở ngành chức năng xử lý dứt điểm tình trạng bến cóc, xe dù ngay trong năm nay. Đây là chỉ đạo đúng đắn nhưng để thực hiện, không dễ… chút nào!

Tuần qua, trong cuộc họp triển khai công tác an toàn giao thông năm 2015, lãnh đạo TPHCM đã giao các sở ngành chức năng xử lý dứt điểm tình trạng bến cóc, xe dù ngay trong năm nay. Đây là chỉ đạo đúng đắn nhưng để thực hiện, không dễ… chút nào!

Tình trạng bến cóc, xe dù đã tồn tại ở TPHCM từ… vài chục năm trước. Số lần mà thành phố “ra quân” để chấn chỉnh tình trạng này ước đã lên tới con số… hàng ngàn. Cho đến thời điểm hiện nay, thành phố vẫn phải quyết tâm xử lý xe dù, bến cóc…, chứng tỏ vấn nạn này có một… “sức sống” thật đáng sợ và khó hiểu. Bến cóc, xe dù không phải cây kim, sợi chỉ bé xíu, thật tinh mắt mới thấy. Thế nhưng, tại sao tình trạng này vẫn tồn tại bất chấp những nỗ lực của TPHCM?

Còn nhớ, cách đây không lâu, trong Sở GTVT TPHCM có “lưu truyền” câu chuyện như sau: Lãnh đạo Sở GTVT đã “hỏi thẳng” lực lượng Thanh tra giao thông của sở “có bảo kê cho xe khách Thành Bưởi?”. Chẳng là văn phòng của Thanh tra GTVT TPHCM cùng nằm trên đường Lê Hồng Phong và chỉ cách điểm bán vé và đón khách của doanh nghiệp xe khách Thành Bưởi… vài căn nhà. Theo quy định của Bộ GTVT, xe khách liên tỉnh theo tuyến cố định không được đón khách trong nội thành mà chỉ được lập trạm bán vé trong nội thành và trung chuyển hành khách ra bến xe khách liên tỉnh. Quy định này nhằm không cho xe khách lớn đi vào nội đô thành phố, gây ùn tắc giao thông. Bất chấp quy định này, một thời gian dài, doanh nghiệp Thành Bưởi tổ chức bán vé và đưa xe khách liên tỉnh vào tận địa điểm này trên đường Lê Hồng Phong đón khách. Người viết bài này đã trực tiếp tới cơ sở mua vé và đã được hướng dẫn lên xe khách liên tỉnh ngay tại vị trí nêu trên. Hoạt động này diễn ra công khai. Hầu hết, xe khách liên tỉnh mà doanh nghiệp Thành Bưởi dùng để đón khách là loại xe lớn, khoảng 50 ghế ngồi. Với kích cỡ này, không thể nói lực lượng thanh tra giao thông đóng quân gần đó không thấy được… Không thấy kể câu chuyện “lưu truyền” nêu trên kết thúc ra sao nhưng rõ ràng, cơ bản đã có hai tình huống xảy ra ở đây. Tình huống thứ nhất: lực lượng thanh tra giao thông đã chưa làm hết chức trách của mình. Tình huống thứ hai: có… bảo kê.

Thế nhưng, không phải chỉ có xe khách Thành Bưởi ở đường Lê Hồng Phong. Theo ông Hồ Văn Hưởng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Việt Nam, trên địa bàn TPHCM hiện còn hàng chục bến cóc, xe dù. Ngay sau lưng tòa nhà Thuận Kiều Palaza có một điểm hoạt động rất… “ì xèo” đưa đón khách về miền Tây Nam bộ. Thậm chí, cận kề các bến xe khách liên tỉnh miền Đông và miền Tây của TPHCM, xe dù, bến cóc hoạt động cũng rất rôm rả. Đến nỗi, Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) - đơn vị quản lý hai bến xe này đã từng phải phát văn bản gửi các sở ngành chức năng, đề nghị hỗ trợ xử lý các bến cóc, xe dù, tạo điều kiện cho hai bến xe trên hoạt động. Cũng như trường hợp bến cóc, xe dù ở đường Lê Hồng Phong, các bến cóc, xe dù ở các điểm này cũng chỉ tồn tại được trong hai tình huống: ngành chức năng đã không làm hết chức trách của mình hoặc là có… bảo kê.

Như vậy, giải pháp căn cơ để xử lý dứt điểm vấn nạn bến cóc, xe dù chỉ có một cách, quy trách nhiệm rõ ràng, cụ thể cho các địa phương, cơ quan nắm địa bàn. “Địa bàn nào có bến cóc, xe dù, lãnh đạo địa phương, công an địa phương, thanh tra giao thông địa phương phải chịu trách nhiệm. Nhẹ thì phê bình, nặng thì cách chức, luân chuyển công tác… Thành phố phải làm mạnh mẽ như thế mới xử lý dứt điểm được vấn nạn bến cóc, xe dù” - ông Hồ Văn Hưởng nhận xét. Theo ông Hồ Văn Hưởng, xử lý bến cóc, xe dù theo kiểu “lâu lâu” ra quân hoặc vào các dịp lễ, tết mới ra quân trấn áp, xử lý sẽ không có hiệu quả. Rất ủng hộ quyết định mạnh mẽ của lãnh đạo TPHCM và cũng mong rằng đằng sau quyết định ấy là một quyết tâm kiên định, triển khai quyết định này.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục