Xử lý bệnh viện gây ô nhiễm - Đánh trống, bỏ dùi?

Xử lý bệnh viện gây ô nhiễm - Đánh trống, bỏ dùi?

UBND TPHCM vừa yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện tổng kiểm tra việc xử lý nước thải tại các bệnh viện (BV) và phòng khám đa khoa trên địa bàn TPHCM. Hiện TPHCM là nơi tập trung nhiều BV với quy mô lớn và hàng chục ngàn phòng khám đa khoa. Nhưng số lượng BV và phòng khám có trang bị hệ thống xử lý nước thải lại rất ít. Đây cũng là nguyên nhân khiến chất lượng nước thải hệ thống kênh rạch chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh.

  • Bệnh viện càng lớn, ô nhiễm càng nặng

Theo Sở Y tế TPHCM, hiện trên địa bàn TP có hơn 7.200 cơ sở, phòng khám, 322 trạm y tế phường, xã và 4 BV trực thuộc Trung ương chưa có hệ thống xử lý nước thải; 40 BV có hệ thống xử lý nước thải nhưng chất lượng nước thải sau xử lý chưa đạt quy chuẩn cho phép. Đáng lo ngại nhất là những BV có nước thải gây ô nhiễm môi trường lại tập trung vào những BV có quy mô rất lớn như BV Chợ Rẫy, BV Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Bưu Điện II, BV Thống Nhất, Viện Pasteur TPHCM... Các BV này liên tục tăng số lượng người bệnh, tăng lượng nước thải phát sinh nhưng hệ thống xử lý nước thải “vũ như cẩn”. Do đó, nước thải ô nhiễm chưa được xử lý triệt, xả trực tiếp ra môi trường ngày càng nhiều.

Trạm xử lý nước thải tại Viện Pasteur. Ảnh: THANH TÂM

Trạm xử lý nước thải tại Viện Pasteur. Ảnh: THANH TÂM

Điển hình BV Chợ Rẫy, hệ thống xử lý nước thải được xây dựng từ những năm 1960, có công suất chỉ đáp ứng khoảng 500 giường bệnh. Đến nay, số lượng bệnh nhân đã tăng khoảng hơn 30.000 người/ngày nhưng hệ thống xử lý nước thải vẫn chỉ là xử lý vi sinh và công suất thiết kế chỉ dành cho 500 giường bệnh/ngày. Do đó, khó tránh khỏi việc chất lượng nước thải ô nhiễm của BV đang từng ngày đầu độc môi trường sống của người dân. Đó là chưa kể hơn 7.000 phòng khám đa khoa, cơ sở y tế nhỏ trên địa bàn TP gần như chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải. thậm chí, chất thải rắn cũng không được các đơn vị chuyển giao mà đổ thẳng vào rác sinh hoạt.

Thống kê Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, hiện mỗi ngày các BV thải trực tiếp khoảng 20.000m³ nước thải chưa qua xử lý ra hệ thống thoát nước công cộng của TP, gây ô nhiễm nguồn nước các kênh rạch, sông ngòi. Hơn nữa, những BV này lại nằm khu vực đông dân cư, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cộng đồng.

Chậm khắc phục, do đâu?

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, từ năm 2009, mỗi năm thành phố trích ngân sách khoảng 60 tỷ đồng hỗ trợ các BV cải tạo, xây mới hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, đến nay việc khắc phục diễn ra rất chậm. Chỉ số ít BV như BV Nhi đồng 1, Hùng Vương, Từ Dũ, Nhân dân Gia Định, BV Ung bướu đã khởi công xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải.

Nguyên nhân, phần lớn các BV đưa ra do vốn đầu tư lớn trong khi thủ tục giải ngân vốn từ ngân sách TP lại khá phức tạp, mất nhiều thời gian. Về phía BV cũng chưa có đội ngũ phụ trách lĩnh vực này, chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm nên hiệu quả đầu tư chưa cao. Chỉ với việc lập đề án thiết kế xây dựng trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt, các đơn vị loay hoay cả năm vẫn chưa xong. Nhiều BV khác chọn hình thức xã hội hóa đầu tư theo hướng khoán cho đơn vị tư nhân đầu tư và vận hành, BV chi trả chi phí xử lý dựa trên tổng lượng nước thải sau xử lý. Đây là cách làm nhất cử lưỡng tiện nhưng lại ít công ty tư nhân mặn mà với lĩnh vực này.

Theo nghiên cứu gần đây của ông Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng, hiện nước kênh rạch chứa lượng rất lớn trứng nhiều loại ký sinh trùng gây bệnh. Chỉ khảo sát sơ bộ tại 10 tuyến kênh chính, có đến 7 tuyến kênh có khả năng gây dịch bệnh. Cụ thể, các kênh chứa mật độ trứng giun dày đặc: 300 trứng đến 4.064 trứng giun/gram bùn. Ngoài ra, trong các tuyến kênh còn phát hiện nhiều loại ký sinh trùng nguy hiểm, rất khó điều trị nếu như người dân mắc phải như sán nhái, giun đũa chó.

Trên thực tế, tại TPHCM đã xảy ra tình trạng trẻ em bị té xuống kênh và chết vì uống phải nước kênh có chứa vi khuẩn tả. Theo thống kê của BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM, vào dịp nắng nóng gần đây, BV đã tiếp nhận điều trị 801 ca tiêu chảy, trong đó 530 ca là trẻ em. Điều này ít nhiều cho thấy chất lượng nước kênh đang bị ô nhiễm nghiêm trọng mà nguồn nước ô nhiễm một phần xuất phát từ việc các BV chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải đến nơi đến chốn.

Việc UBND TPHCM tổ chức tổng kiểm tra hệ thống xử lý nước thải các BV trên địa bàn TPHCM là cần thiết. Tuy nhiên, việc cần thiết hơn là sau đợt tổng kiểm tra này, liệu các BV có khắc phục triệt để tình trạng vi phạm môi trường hay không? Hay lại tiếp tục “đánh trống, bỏ dùi” vốn đã tồn tại hàng chục năm qua và kết quả là “mèo lại hoàn mèo” - cao lắm thì các đơn vị chỉ bị xử phạt hành chính, còn những biện pháp mạnh tay có tính răn đe hơn như buộc tạm ngưng hoạt động thì đành chịu vì đây là những ngành đặc thù, không thể áp dụng.

CHÂU ANH

Tin cùng chuyên mục