Với hơn 2.000 nhà máy lớn, gần 9.000 cơ sở sản xuất vừa và nhỏ đang hoạt động, TPHCM trở thành một trong những TP công nghiệp lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, điều này đang đặt ra cho TP gánh nặng đảm bảo yêu cầu về cơ sở hạ tầng, nhất là mạng lưới cấp thoát nước, cung ứng năng lượng, giao thông vận tải, xử lý chất thải… Việc đảm bảo nhu cầu về hạ tầng do các đơn vị công đảm trách và hiện đang bị quá tải.
Giảm gánh nặng công
Ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, TPHCM đang đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn và phức tạp của quản lý đô thị. Cụ thể, thiếu vốn đầu tư và khai thác cơ sở hạ tầng, thiếu nguồn nhân lực để quản lý vận hành các hệ thống hạ tầng... Với kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới và một số đô thị của Việt Nam, hợp tác công - tư là một trong các giải pháp có hiệu quả cao để giải quyết các khó khăn trên, đặc biệt là các khó khăn trong lĩnh vực đầu tư và khai thác cơ sở hạ tầng.
Ông Nicolas Ranard, Giám đốc bộ phận quản lý dịch vụ công thuộc Công ty Veolia (Pháp) – công ty duy nhất hoạt động trong tất cả lĩnh vực về môi trường (nước, quản lý rác thải, dịch vụ về năng lượng và giao thông) cho biết: đây là một hình thức hợp tác quen thuộc giữa một TP với một công ty tư nhân. Mô hình hợp tác này kết hợp trọng trách dịch vụ công với tính hiệu quả của một nhà vận hành tư nhân. Nó cho phép các cơ quan công quyền tiếp cận với trình độ chuyên môn cao của một nhà vận hành chuyên nghiệp nhưng vẫn nắm giữ quyền kiểm soát toàn bộ chính sách liên quan đến quốc gia đó. Vai trò của mỗi bên cũng nhờ đó được thể hiện một cách đậm nét hơn.
Đơn cử như cơ quan hữu quan (thành phố) định ra các chính sách, giám sát và đánh giá hiệu quả công việc của nhà vận hành tư nhân. Điều này cho phép TP luôn giữ lại vai trò kiểm soát và giám sát dịch vụ. Trong khi đó nhà vận hành tư nhân phải đưa ra được những mục tiêu hiệu quả trong quá trình đầu tư. Ngoài ra, nhà vận hành phải đảm bảo được tính liên tục của dịch vụ, kiến nghị kế hoạch đầu tư vốn và đặc biệt chú trọng đến tính dài hạn.
Lý do khác cần phát triển hợp tác công – tư là để tận dụng kỹ năng chuyên ngành, những bí quyết nhà nghề được quản trị, đạt chỉ tiêu an toàn về kỹ thuật cũng như về pháp lý trong những lĩnh vực nhạy cảm như y tế công cộng và bảo vệ môi trường; tạo sự khích lệ, giữ và thu hút nhân lực, nhờ vào chính sách đào tạo, luân chuyển công việc, các quan hệ tầm quốc tế, nghiên cứu … Bên cạnh đó, nhà nước dễ dàng trong việc kiểm soát được giá dịch vụ, từ đó cho phép tối ưu hóa hay duy trì giá hoặc thu xếp vốn một cách nhanh nhất.
Sẵn sàng tham gia nhưng...
Tính đến tháng 3 năm 2010, TPHCM đã và đang thực hiện công tác xã hội hóa trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công. Có thể kể đến một số trường hợp điển hình như: xử lý nước mặn và cung cấp nước ngọt tại huyện Cần Giờ với công suất 5.000m³/ngày; Nhà máy điện Hiệp Phước cung cấp điện cho mạng lưới điện quốc gia; Công ty VWS đầu tư, xây dựng và vận hành khu liên hợp xử lý chất thải rắn đô thị có công suất 3.000 tấn/ ngày với công nghệ tái chế, sản xuất compost và bãi chôn lấp vệ sinh... |
Bà Samantha Campbell, Chuyên viên tư vấn luật của Công ty Gide Loyrette Nouel cho biết, sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng Việt Nam đã được pháp luật Việt Nam công nhận từ năm 1997. Theo đó, các dự án có thể đầu tư dưới hình thức Xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) của các nhà đầu tư trong nước.
Gần đây nhất, nghị định hướng dẫn về việc đầu tư dưới hình thức dự án BOT, BTO BT đã tạo ra một khung pháp lý thống nhất áp dụng cho cả nhà đầu tư Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài. Đây là bước phát triển đáng kể so với các cơ chế trước đó.
Tuy nhiên, theo bà Samantha Campbell, Việt Nam còn nhiều hạn chế đối với việc thực hiện vấn đề này. Chẳng hạn, các đơn vị tư nhân vẫn chưa “mặn” với việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Hiện chỉ mới có dự án điện Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3. Nguyên nhân, do Việt Nam còn thiếu sự xác định rõ ràng về việc cơ quan công quyền nào có đủ thẩm quyền để giao, ký kết hợp đồng cũng như trao thẩm quyền và cấp giấy phép dự án.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị thầu; giá thành đầu ra của dự án không hấp dẫn; mức bảo lãnh, hỗ trợ của Chính phủ cũng không chắc chắn… Điều này cũng đã làm chậm sự phát triển của Việt Nam trong quá trình đô thị hóa và giải quyết các vấn đề môi trường.
“Hợp tác công tư (PPP) là một lĩnh vực mới trong các hoạt động cung cấp dịch vụ đô thị. Đây là một trong các giải pháp thích hợp nhằm giải quyết các khó khăn trong quản lý đô thị, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, để nó có thể phát huy hiệu quả một cách cao nhất và giảm thiểu các mặt hạn chế, các cơ quan Nhà nước cần có những bước chuyển biến tích cực hơn. Mặc dù xuất phát chậm nhưng TP đang chuẩn bị nhiều văn bản quy phạm pháp luật ưu đãi các hoạt động cung cấp dịch vụ công – tư nhằm tận dụng các nguồn vốn đầu tư nhân lực, kinh nghiệm quản lý và kinh doanh của các thành phần kinh tế” - ông Nguyễn Trung Việt nhấn mạnh.
Minh Xuân – Hà Hải