Việc nhiều nhà đầu tư mong muốn đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng là tín hiệu vui. Ngoài TPHCM đã khá yên tâm trong việc xử lý rác thải sinh hoạt từ nay đến 2020 thì hầu hết các tỉnh thành khác đang rối vì thiếu nơi xử lý rác. Riêng việc xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, TPHCM không khác các địa phương khác, cũng rất thiếu.
Thế nhưng trong sự đông đảo nêu trên, không phải không cần cảnh giác. Nhà đầu tư nào thực sự có tiềm lực? Công nghệ nào phù hợp với Việt Nam, với TPHCM trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài? Vị trí nào xây dựng các khu xử lý chất thải là hợp lý nhất? Tất cả phải được tính toán hết sức cẩn trọng. “Đi tắt đón đầu” là đúng, song đừng để rơi vào tình trạng “đi nhanh quá”, rác chưa phát sinh thêm như dự kiến mà các khu xử lý rác đã mọc lên. Hiện nay, như một cán bộ của Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cho biết, rác sinh hoạt ở thành phố đã không đủ để “phân” cho đầy công suất xử lý của các nhà máy, các khu xử lý rác trong thành phố.
Chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại… tuy gần như chưa được xử lý đúng mức, song số DN xin đầu tư xử lý đã khá nhiều. Bên cạnh khu xử lý rác ở Thủ Thừa (Long An) rộng gần 2.000ha được quy hoạch làm khu xử lý rác bao gồm cả rác sinh hoạt và rác công nghiệp cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thì còn có nhiều dự án xin đầu tư ở khu xử lý rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi, TPHCM), Đồng Nai, Bình Dương…
Như đã nói ở trên, đây là tín hiệu vui nhưng cũng cần cân nhắc lộ trình thực hiện cho phù hợp với sự phát sinh của nhu cầu. Nhất là khi theo quy định, cùng với sự đầu tư của DN, nhà nước sẽ phải đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối đến các nhà máy của DN. DN không sử dụng hết công suất của nhà máy thì không những DN bị thiệt mà nhà nước cũng gặp khó. Khó trong việc kiếm vốn đầu tư hạ tầng và quan trọng hơn cả là trong tình huống ấy, nhà nước đã đầu tư không hiệu quả.
Thay vì tập trung vốn cho các dự án cấp bách, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội ngay, có tác dụng làm đòn bẩy kinh tế thì lại phải rải ra cho các nhà máy chưa sử dụng hết công suất. Hiện nay, trong nhiều khu xử lý rác, nhà nước vẫn còn đang “nợ” DN việc xây dựng hệ thống cây xanh cách ly cùng một số tiện ích công cộng khác.
Minh Nhiên