Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, tái chế chất thải không chỉ dừng lại ở việc làm phân compost hay đốt phát năng lượng, mà còn được xử lý thành nguyên liệu có ích trong sản xuất công nghiệp.
Nguồn nguyên liệu quan trọng cho sản xuất xi măng
Theo Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, hiện nay ở Việt Nam phải thu gom và xử lý 15 triệu tấn rác thải sinh hoạt ở đô thị và nông thôn. Theo thống kê năm 2015, gần 80% lượng rác thải này được xử lý bằng cách chôn lấp và chỉ 20% được xử lý bằng thiêu hoặc tái chế. Song nếu tiếp tục xử lý theo hướng này thì rất khó khăn do thiếu quỹ đất để chôn lấp, nhất là tại các đô thị. Những năm qua, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam, bên cạnh sự tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng nhanh chóng chất thải sinh hoạt và chất thải trong quá trình sản xuất, dịch vụ, thương mại, đã gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường, ảnh hưởng xấu đến cảnh quan đô thị, chất lượng sống của cộng đồng và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Việc nghiên cứu tái chế chất thải rắn làm nguyên liệu cho các loại vật liệu xây dựng đã được nhiều cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức khoa học, doanh nghiệp… quan tâm. Ngành vật liệu xây dựng đã nghiên cứu sử dụng các chất thải trong công nghiệp như tro, xỉ, thạch cao từ các nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất, luyện gang, luyện thép để sản xuất vật liệu xây dựng và làm phụ gia trong xi măng. Điều này đã góp phần đáng kể trong việc xử lý chất thải rắn, giải quyết vấn đề ô nhiễm, đổ thải, xử lý môi trường cho các nhà máy công nghiệp.
Lợi ích kép
Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, chất thải rắn sinh hoạt nếu không được thu gom hợp lý sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng, làm mất cảnh quan, làm ô nhiễm và suy thoái môi trường. Nhiều loại chất thải nguy hại từ sinh hoạt có thể tồn tại lâu trong môi trường, tồn dư trong nông sản, thực phẩm, nguồn nước và có khả năng gây ra các bệnh nguy hiểm đối với con người. Chất thải sinh hoạt khi không được thu gom và xử lý đúng cách cũng sẽ trở thành nguồn gây ô nhiễm nguồn nước. Nước mưa, nước từ rác thải theo dòng chảy đi vào các nguồn nước mặt làm ô nhiễm nước mặt, hoặc ngấm xuống đất làm ô nhiễm nước ngầm. Thông thường sẽ mang vi sinh vật gây bệnh, kim loại nặng, chất hữu cơ… từ rác thải vào nguồn nước. Chính vì vậy mà ở nước ta hiện nay, quản lý và xử lý rác thải sinh hoạt là một vấn đề rất quan trọng và cấp thiết. Trước những thách thức ngày một lớn từ lượng rác thải ngày càng nhiều, việc ứng dụng khoa học - công nghệ để xử lý được xem là biện pháp tối ưu nhất hiện nay.
Hiện nay, cả nước có khoảng 82 dây chuyền xi măng, tổng công suất thiết kế là 97 triệu tấn/năm, đến năm 2020 đạt 130 triệu tấn/năm, đến năm 2030 sẽ là 139 triệu tấn/năm. Như vậy, nhu cầu nguyên liệu để sản xuất xi măng là rất lớn, nếu có thể tái chế chất thải công nghiệp làm nhiên liệu thay thế cho sản xuất xi măng sẽ góp phần mang lại hiệu quả lợi ích to lớn trong việc bảo vệ môi trường cũng như tiết kiệm được tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo phát triển bền vững cho đất nước.
Theo bà Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), hiện nay các cơ sở xử lý chất thải ở Việt Nam chủ yếu sử dụng công nghệ ủ phân hữu cơ hoặc đốt. Nhiều tỉnh, thành phố chưa có cơ sở xử lý chất thải, đồng nghĩa với việc chất thải rắn sinh hoạt hoàn toàn chỉ chôn lấp, gây nguy cơ rất lớn, trong tương lai không xa sẽ thiếu không gian chứa cũng như gây ô nhiễm môi trường đất, nước ngầm khi chôn lấp không hợp vệ sinh. Áp dụng thành công công nghệ xử lý chất thải thành nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng sẽ là hướng đi tích cực cho công tác xử lý chất thải đang nổi cộm trong xã hội hiện nay. Nó sẽ mang lại nhiều hiệu quả kinh tế - xã hội cũng như tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, góp phần bảo vệ môi trường. |