Xử lý chất thải là nhiệm vụ đứng hàng thứ 4 trong toàn bộ kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu của TPHCM. Chính vì vậy, ngày 9-9-2011 Sở Tài nguyên - Môi trường đã họp bàn kế hoạch xây dựng Quy hoạch tổng thể hệ thống quản lý chất thải TPHCM đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Đây cũng là một trong những động thái cụ thể của sở trong việc thực hiện chương trình bảo vệ môi trường - một trong 6 chương trình đột phá của TP đã được xác định trong Nghị quyết Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2011-2015. Cuộc họp cho thấy có rất nhiều thách thức trong việc bảo vệ môi trường ở TP.
Điểm trung chuyển rác sinh hoạt: Nơi nào cũng né
Với số dân hơn 9 triệu người (bao gồm cả khách vãng lai) trung bình mỗi ngày TPHCM thải ra môi trường 7.200-7.500 tấn rác thải sinh hoạt. Khoảng 6.500 tấn rác trong số này sẽ được thu gom và vận chuyển lên các khu chôn lấp hợp vệ sinh của TP, phần còn lại sẽ được tái chế.
Theo TS Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, một trong những khâu khó khăn nhất trong hoạt động xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay là trung chuyển. Tại TPHCM hiện có 241 điểm hẹn thu gom rác, đã giảm hơn 100 điểm so với trước kia (do nhiều đội thu gom rác đã trang bị được xe máy chở rác thay cho xe đẩy thô sơ, việc đi lại thuận tiện hơn nên các điểm thu gom rác đã được gom lại) song vẫn là chuyện “đau đầu” của sở. Rất nhiều quận, huyện đã phản ứng dữ dội các điểm này với lý do ảnh hưởng xấu đến môi trường. “Thống kê cho thấy đã có tới 71% số điểm hẹn lấy rác không giữ vệ sinh, gây ra mùi hôi và bụi. Về điểm này Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ chấn chỉnh, thế nhưng nếu không có điểm hẹn lấy rác sẽ rất khó cho hoạt động thu gom rác của TP”- TS Nguyễn Trung Việt nói.
Với mạng lưới thu gom rác được “phân công” khá rõ ràng: thu gom trong các hẻm là lực lượng rác dân lập; thu gom rác ở các trục đường lớn là công ty công ích các quận, huyện và đơn vị chính thực hiện nhiệm vụ đưa rác tới các khu xử lý là Công ty Môi trường đô thị TP, các điểm hẹn lấy rác có một vị trí rất quan trọng trong toàn bộ chu trình này. Đó là nơi mà các lực lượng thu gom rác dân lập, tập kết rác để các công ty công ích hoặc Công ty Môi trường đô thị chuyên chở rác đi xử lý. Từ nay đến khoảng 10 năm tới, với hàng ngàn hẻm nhỏ, TPHCM còn rất cần tới lực lượng thu gom rác dân lập, đi sâu vào hẻm để lấy rác. Hơn nữa, mô hình hoạt động như vậy đang giúp giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.
Vì thế, TPHCM vẫn cần có những điểm hẹn lấy rác. Sau khi nghe Công ty - Môi trường đô thị báo cáo rất nhiều quận, huyện đã tự quy hoạch chuyển đổi công năng các điểm hẹn lấy rác để có lý do xin xóa các điểm này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Văn Phước đề nghị báo cáo UBND TPHCM, yêu cầu các quận, huyện phải dành đất cho các điểm hẹn lấy rác. Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Đào Anh Kiệt đồng ý nhưng lưu ý không nhất thiết quận, huyện nào cũng phải có đủ các điểm hẹn lấy rác. Tùy tình hình thực tế mà có thể xây dựng điểm lấy rác chung cho nhiều quận, huyện.
Trạm trung chuyển rác cũng là nơi tập kết và chuyển giao rác giống điểm hẹn lấy rác nhưng ở quy mô lớn hơn. Với trạm trung chuyển rác, nhiều địa phương cũng có thái độ tương tự. Sở Tài nguyên - Môi trường đang có hướng đầu tư nâng chất lượng tiếp nhận rác của các trạm theo hướng làm trạm ép rác kín thay vì hở để hạn chế tình trạng gây mùi hôi. Tuy nhiên, đất dành cho các trạm cũng là vấn đề đau đầu đối với những người làm công tác môi trường.
“Bí” đất dùng xử lý chất thải nguy hại
Theo đà phát triển của nền kinh tế cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân, hiện nay trung bình mỗi ngày TPHCM thải ra môi trường 250 tấn-350 tấn chất thải nguy hại.
Theo TS Nguyễn Trung Việt, việc xử lý loại chất thải này không những yếu, công nghệ rất lạc hậu mà còn rất thiếu nơi xử lý. Hiện nay có khá nhiều đơn vị đăng ký xử lý chất thải nguy hại nhưng thực sự chỉ có khoảng 30% trong số này có năng lực. Toàn TP mới có 2 doanh nghiệp với 2.000m2 đất làm cơ sở xử lý. Công ty Môi trường đô thị dành được khoảng 2 ha làm khu xử lý chất thải nguy hại nhưng lại chưa được cấp phép hoạt động. Nguyên nhân lớn nhất là có một quy định cách nay nhiều năm: không cho xây dựng các nhà máy xử lý chất thải nguy hại trong các khu dân cư (điều này là tốt) và trong cả các khu công nghiệp và khu chế xuất. Chỉ có một “đầu ra” cho các doanh nghiệp xử lý chất thải nguy hại là… cụm công nghiệp. Ở quy mô cụm công nghiệp, các doanh nghiệp lại rất khó đầu tư lớn cho hoạt động của mình.
“Quan điểm của Sở Tài nguyên - Môi trường: Nơi nào xả thải chất thải nguy hại nhiều thì nên tập trung cho xây dựng khu xử lý ở đấy. Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ kiến nghị TPHCM cho phép xây dựng các nhà máy xử lý chất thải nguy hại ngay trong các khu chế xuất và công nghiệp - những nơi theo tính toán đã thải nhiều chất thải nguy hại nhất”- Giám đốc Đào Anh Kiệt nói.
“Xử lý chất thải rắn y tế đang được tiến hành khá tốt. Tuy nhiên, công tác này đang quá tải. Trung bình mỗi ngày TPHCM thải ra 12-13 tấn chất thải y tế nhưng công suất tối đa của 2 lò đốt chỉ khoảng 12 tấn/ngày. Do vậy, 2 lò này phải hoạt động liên tục mới đốt hết được lượng rác thải ra. Cần có thêm một lò đốt mới”- TS Nguyễn Trung Việt nói. Hiện Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo trong việc thu gom và xử lý chất thải y tế. Để thu hút được nguồn lực của xã hội vào hoạt động này, nhiều chuyên gia đã đề nghị, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia vào công tác thu gom. Riêng phần xử lý, trước mắt Nhà nước vẫn chủ động. “Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho việc xử lý rác nói chung của TPHCM, TP sẽ phải dành ra một khu đất để xây dựng khu xử lý rác dự phòng”- TS Nguyễn Trung Việt đề nghị.
TÂM ĐỨC