Môi trường tại một số đô thị lớn nước ta đang bị ô nhiễm nặng nề do một thời gian dài chỉ quan tâm phát triển kinh tế, chưa chú trọng bảo vệ môi trường. Trên thực tế, làng nghề, khu chế xuất, khu công nghiệp mọc lên như nấm nhưng rất ít đơn vị đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Luật Bảo vệ môi trường ban hành từ năm 2003 nhưng sau 7 năm vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả cần thiết. Điều này cho thấy biện pháp xử lý các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường chưa kiên quyết và triệt để.
Quản lý lỏng lẻo
Ông Nguyễn Trường Sinh, Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Môi trường cho biết, việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường trong thời gian qua ở nước ta chưa nghiêm, hiệu lực và hiệu quả còn thấp. Đồng thời, chưa có sự nhận thức đầy đủ và biện pháp giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với việc bảo vệ môi trường. Tư tưởng coi trọng lợi ích cục bộ, trước mắt về kinh tế, không chú ý đến lợi ích lâu dài về môi trường còn khá phổ biến ở các cấp, các ngành.
Ông Sinh phân tích thêm, ý thức chấp hành luật môi trường trong các doanh nghiệp, cộng đồng còn hạn chế. Việc xã hội hóa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được thực hiện tại nhiều địa phương còn ở phạm vi hạn hẹp, quy mô nhỏ, mô hình đơn giản. Hiện các địa phương chưa thực hiện xã hội hóa được các loại hình hoạt động bảo vệ môi trường có tính chất phức tạp, chuyên môn cao như sản xuất năng lượng sạch hoặc các dự án có quy mô lớn, kinh phí nhiều.
Kinh nghiệm từ việc bảo vệ môi trường tại Nhật, ông Yutaka Matsuzawa, Chuyên gia JICA đúc kết: Yếu tố quan trọng nhất để có thể cải thiện chất lượng môi trường là Chính phủ Nhật Bản phải có những biện pháp xử lý cứng rắn đối với các cơ sở, doanh nghiệp, sản xuất gây ô nhiễm. Trường hợp doanh nghiệp vi phạm luật bảo vệ môi trường sẽ bị thu hồi giấy phép, truy thu số tiền doanh nghiệp có được do trốn thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Nặng hơn nữa, nghiêm cấm các sản phẩm của họ bán ra thị trường. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc phạt hành chính, khiển trách. Còn lại, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vẫn hoạt động bình thường.
Bà Hideko Takamiya, Thẩm tra viên, Ủy ban Điều phối tranh chấp môi trường Nhật Bản chia sẻ, việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ở Nhật Bản được thực hiện một cách đồng bộ và rất chặt chẽ. Ở đây chính quyền địa phương có quyền quản lý hành chính và ban hành các quy định riêng của mình phù hợp với pháp luật để xử phạt các cơ sở gây ô nhiễm. Còn cảnh sát có quyền điều tra các hành vi vi phạm môi trường của các doanh nghiệp. Những biện pháp này ở Việt Nam không được thể hiện một cách rõ ràng.
Pháp lý đã đủ
Theo TS Hoàng Danh Sơn, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Môi trường, để khắc phục sự lỏng lẻo trong việc chấp hành luật bảo vệ môi trường của doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý, nhất thiết phải tăng biện pháp chế tài. Thời gian qua Chính phủ đã có những chính sách ưu đãi các hoạt động bảo vệ môi trường như hỗ trợ, ưu đãi về cơ sở vật chất, đất đai, vốn, thuế tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng những ưu đãi trên chưa đủ buộc các doanh nghiệp phải thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Tình trạng các doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm vẫn khá phổ biến. Tuy nhiên, những hành vi trên của doanh nghiệp sẽ không còn đất sống. Vì Chính phủ vừa ban hành nghị định mới về xử lý doanh nghiệp vi phạm môi trường. Theo đó, các cơ sở sản xuất trước khi đưa ra các dự án và đi vào hoạt động phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Các dự án đó phải đảm bảo các tiêu chí, không được gây ảnh hưởng xấu đến khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, nguồn nước lưu vực sông, vùng ven biển, vùng có hệ sinh thái cần được bảo vệ. Mặt khác, thông qua việc bắt buộc thẩm định phê duyệt các thủ tục về môi trường, các cơ quan quản lý nhà nước có thể cho phép hoặc không cấp phép đầu tư các dự án nhạy cảm với môi trường.
Ông Hoàng Văn Vy, Thanh tra Tổng cục Môi trường khẳng định thêm, trường hợp các cơ sở đang hoạt động cố tình vi phạm Luật Bảo vệ môi trường sẽ bị buộc phải khắc phục tình trạng ô nhiễm, bị phạt tiền với mức rất cao, có thể phạt đến 500 triệu đồng/hành vi vi phạm. Không chỉ vậy, chính quyền địa phương sẽ rút giấy phép đầu tư với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nào vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, gây thiệt hại về kinh tế, suy thoái về môi trường, làm suy giảm hoặc làm tổn hại đến sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, nếu cá nhân nào vi phạm pháp luật về môi trường mà gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự. Đến nay, đã có nhiều biện pháp về mặt kinh tế, hình sự, hành chính để xử lý doanh nghiệp cố tình vi phạm môi trường. Vấn đề hiện nay là chính quyền các địa phương sử dụng, phát huy công cụ pháp lý này như thế nào để cải thiện hiện trạng môi trường tại địa phương mình.
ÁI VÂN – HÀ HẢI