Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường thuộc Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm vừa quyết định thu hồi giấy phép hoạt động của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Xử lý môi trường Tân Phương Đông (Công ty TPĐ). Đây là công ty được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM cấp phép hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại. Tuy nhiên, công ty này lại có những hành vi vi phạm môi trường nghiêm trọng. Điều đáng nói là những hành vi này đang diễn ra rất phổ biến tại nhiều công ty khác nhưng việc quản lý, xử lý còn nhiều bất cập.
Vi phạm thì phải thu
Tại quyết định xử phạt hành chính hành vi vi phạm môi trường đối với Công ty TPĐ, ông Phan Hữu Vinh, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cho biết, trong quá trình hoạt động, công ty này đã làm sai lệch nội dung hợp đồng xử lý chất thải đã ký với Công ty Holcim Việt Nam nhằm hợp thức hóa hồ sơ xin Sở TN-MT TPHCM cấp phép hành nghề thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại. Sau khi được sở cấp phép, công ty ký hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại với nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM và các tỉnh khác khác như Vĩnh Long, Bình Dương, thực hiện hàng loạt các sai phạm về môi trường. Trước những sai phạm trên, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường quyết định phạt tiền công ty với tổng số tiền là 25 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu Sở TN-MT TPHCM rút giấy phép hoạt động của công ty trong lĩnh vực thu gom và xử lý chất thải nguy hại.
Liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn Sở TN-MT khẳng định: Giấy phép hoạt động của Công ty TPĐ chỉ có giá trị trên phạm vi địa bàn TPHCM. Còn công ty tự ký với các doanh nghiệp ngoài địa bàn TPHCM là không đúng quy định. Hơn nữa, công ty chỉ có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại và chuyển giao cho Công ty Holcim xử lý, chứ công ty không có chức năng xử lý. Trường hợp Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường yêu cầu sở thu hồi giấy phép hoạt động của công ty, sở đang xem xét để thu hồi.
Lợi bất cập hại
Trên thực tế việc xử lý chất thải nguy hại hiện là vấn đề nóng bỏng tại TPHCM và các tỉnh thành có nhiều doanh nghiệp. Nguyên nhân, vì các tỉnh thành chưa đầu tư hệ thống xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Đơn cử như tại TPHCM có khoảng hơn 30.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khối lượng chất thải nguy hại phát sinh lên đến 300 tấn/ngày nhưng chỉ có 20 doanh nghiệp thu gom, xử lý với công suất xử lý khoảng 20 - 30 tấn/ngày. Đó là chưa kể trong số 20 doanh nghiệp trên có nhiều doanh nghiệp năng lực hoạt động yếu, quá yếu. Còn tại các tỉnh khác như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Vĩnh Long… gần như chưa có. Đối với những đơn vị do Sở TN-MT tỉnh thành cấp thì dễ quản lý vì đơn vị phải giao nộp chứng từ chuyển giao chất thải cho sở chủ quản. Riêng những đơn vị hoạt động liên tỉnh thì không thể kiểm soát được.
Vừa qua, trước tình hình các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải liên tục có hành vi vi phạm môi trường, Sở TN-MT đã buộc tạm ngưng hoạt động một số đơn vị. Việc xử lý này hết sức cần thiết, nhằm siết chặt biện pháp quản lý. Tuy nhiên, từ đó đã phát sinh nhiều vấn đề nan giải. Cụ thể, cơ sở hạ tầng đảm bảo việc xử lý chất thải này chưa được đầu tư đúng mức nên một số đơn vị lợi dụng tăng giá. Trung bình giá thành thu gom, xử lý loại chất thải này đã tăng lên gấp đôi tại TPHCM và gấp 3 ở các tỉnh thành lân cận, dao động từ 4 triệu đến 12 triệu đồng/tấn chất thải. Sau khi ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty Môi trường đô thị TPHCM – một trong những đơn vị chủ lực trong việc xử lý chất thải cho biết, đơn vị này tiếp tục gia hạn đưa vào hoạt động nhà máy xử lý chất thải nguy hại công suất 21 tấn/ngày đến tháng 5 hoặc tháng 6-2010, thì giá thành thu gom xử lý loại chất thải này đã bị đẩy tăng đột biến. Nhiều doanh nghiệp sản xuất không chịu nổi mức giá này đã tìm cách đổ tháo chất thải nguy hại ra khu vực đất trống (thường là ở ngoại thành) của TPHCM hoặc chôn ngay trong nhà xưởng chờ cơ hội chở đổ bỏ ra ngoài.
Để giải quyết tình trạng này, Sở TN-MT đã có cuộc họp khẩn với các doanh nghiệp có chức năng thu gom, xử lý chất thải để yêu cầu họ tăng công suất tiếp nhận, cũng như xử lý chất thải. Đồng thời, lấy ý kiến đóng góp về việc xây dựng giá trần và giá sàn đối với việc thu gom xử lý chất thải. Tuy nhiên, những vần đề trên đã vấp phải không ít sự phản đối từ phía doanh nghiệp, vì cho rằng đây là quy luật cung cầu. Đại diện Công ty Tùng Nguyên cho biết, hiện nhà xưởng của công ty tại KCN Lê Minh Xuân không thể mở rộng vì không còn diện tích đất. Công ty đã mua thêm 2.000m² đất tại huyện Bình Chánh để đầu tư nhà máy xử lý mới nhưng UBND huyện không cho phép vì không phù hợp quy hoạch. Vậy lấy đâu ra đất để tăng công suất tiếp nhận, xử lý. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, khó nhất hiện nay là không có đất, đi thuê ở đâu cũng bị… từ chối.
Ái Vân