Xử lý doanh nghiệp trốn nộp phí nước thải-Chẳng lẽ bất lực?

Mỗi năm ngân sách TPHCM bị thất thu hàng tỷ đồng do nhiều doanh nghiệp trốn nộp phí nước thải. Tình trạng này đã và đang rất phổ biến tại nhiều tỉnh thành khác trên cả nước. Và nếu nhân số tiền mà các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải nộp phí nước thải trên cả nước trốn nộp thì thiệt hại cho ngân sách là quá lớn.

Mỗi năm ngân sách TPHCM bị thất thu hàng tỷ đồng do nhiều doanh nghiệp trốn nộp phí nước thải. Tình trạng này đã và đang rất phổ biến tại nhiều tỉnh thành khác trên cả nước. Và nếu nhân số tiền mà các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải nộp phí nước thải trên cả nước trốn nộp thì thiệt hại cho ngân sách là quá lớn.

Các cơ quan chức năng “bất lực” trong việc xử lý những doanh nghiệp trốn nộp phí là do quy định về vấn đề này còn quá nhiều bất cập. Cụ thể Nghị định 63 quy định xử phạt những doanh nghiệp cố tình không nộp phí nước thải công nghiệp đã có. Mức xử phạt cũng được định rõ, nhưng ai là người có thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực này thì lại không được xác định rõ.

Đơn cử như tại TPHCM, Chi cục Bảo vệ môi trường đã có công văn gửi Sở Tài chính yêu cầu thực hiện xử phạt những doanh nghiệp trốn nghĩa vụ nộp phí, nhưng Sở Tài chính lại cho rằng đó thuộc về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường, nên phải do thanh tra chuyên ngành về môi trường phụ trách. Về phía thanh tra trong lĩnh vực môi trường cho rằng, Nghị định 81 quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường không quy định được phép xử phạt đối tượng có hành vi trốn nộp phí nước thải công nghiệp. Còn trong Nghị định 63 về việc xử phạt doanh nghiệp có hành vi trốn nộp phí nước thải công nghiệp thì lại không quy định thanh tra chuyên ngành môi trường có quyền xử phạt.

Trước thực tế bất cập trên, Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM đã gửi kiến nghị lên Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu điều chỉnh theo hướng quy định rõ đơn vị chức năng, thẩm quyền xử phạt đối với những doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực nộp phí nước thải công nghiệp. Thế nhưng, cho đến nay kiến nghị đã lâu mà vẫn chưa nhận được hồi âm. Kết quả là nhiều doanh nghiệp trốn nộp phí nước thải công nghiệp vẫn ung dung tồn tại.

Trên thực tế, hiện có rất nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ nộp phí nước thải công nghiệp từ năm 2004 đến nay. Số tiền mà các doanh nghiệp nợ có khi lên đến cả tỷ đồng – mức mà theo quy định về nộp thuế doanh nghiệp là mức cực kỳ nghiêm trọng và phải bị xử lý bằng hình thức truy tố hình sự.

Để giảm thiểu thất thu cho ngân sách nhà nước, đồng thời tạo sự công bằng trong hoạt động sản xuất giữa các doanh nghiệp thực hiện tốt nghĩa vụ nộp phí với những doanh nghiệp không nộp, các chi cục bảo vệ môi trường – đơn vị được giao thu phí phải nhờ đến áp lực của các phương tiện truyền thông, cụ thể là nêu tên các doanh nghiệp chưa nộp phí từ năm 2004 đến nay. Tuy nhiên, với cách làm này chỉ là giải pháp tình thế, chưa thực sự giải quyết triệt để vấn đề trốn nộp phí nước thải công nghiệp.

Có thể nói, việc quy định xử phạt không chi tiết, rõ ràng và cụ thể đã và đang đánh đố các cơ quan chức năng khi thực thi pháp luật. Mặt khác, điều này cũng tạo kẽ hở cho các đối tượng thực hiện các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ môi trường. Việc điều chỉnh sớm và cấp bách những bất cập trong nghị định xử phạt về phí nước thải công nghiệp là cần thiết để tránh thất thu cho ngân sách nhà nước. Bản thân doanh nghiệp sẽ phải “tập” điều chỉnh thói quen theo hướng chấp hành nghiêm Luật Bảo vệ môi trường.

MINH XUÂN

  • Yêu cầu doanh nghiệp phải lập kê khai xử lý chất thải

Ban quản lý KCX-KCN TPHCM vừa yêu cầu các doanh nghiệp trong khu phải thực hiện thống kê xử lý môi trường. Cụ thể, doanh nghiệp phải kê khai hoạt động sản xuất và chất thải phát sinh; các biện pháp xử lý chất thải như nước thải, khí thải, chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại (nếu có), chất thải sinh hoạt.

Được biết, việc yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện báo cáo tình hình xử lý môi trường tại đơn vị mình sẽ là cơ sở để các cơ quan chức năng căn cứ thực hiện kiểm tra, thanh tra việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường. Trường hợp những doanh nghiệp cố tình kê khai không đúng hoặc kê khai nhưng không xử lý chất thải hoặc xử lý mang tính hình thức sẽ bị xử lý theo đúng quy định. Nếu doanh nghiệp cố tình tái vi phạm hành vi vi phạm môi trường nhiều lần, hoặc vi phạm với hình thức tăng nặng, sẽ bị buộc tạm ngưng hoạt động công đoạn phát sinh nước thải.

H.L.

  • Thêm một đơn vị bị xử phạt vì vi phạm môi trường

Công ty cổ phần Nhà hàng Nam Bắc – Nhà hàng White Palace (quận Phú Nhuận) vừa bị Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường xử phạt vì có hành vi vi phạm môi trường nghiêm trọng. Cụ thể đơn vị này đã xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép trên 5 lần đối với nước thải được phép xả thải loại B.

Với hành vi vi phạm môi trường trên, đơn vị bị xử phạt với mức phạt tiền là 23 triệu đồng. Ngoài ra, đơn vị còn bị buộc tạm ngưng hoạt động công đoạn phát sinh nước thải cho đến khi cải tạo hoàn thành hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo thu gom, xử lý nước thải phát sinh từ hoạt động của nhà hàng White Palace đạt tiêu chuẩn loại B trước khi thải ra môi trường.

T.M.

Tin cùng chuyên mục