Xử lý được 12 điểm ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu

(SGGPO).- 12 điểm ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu dạng khó phân hủy (POP) đã được xử lý, giảm thiểu ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe cho hơn 2.000 người dân sống ở quanh các khu vực này.

Đây là thông tin được Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) chia sẻ tại Hội thảo Tổng kết kết quả thực hiện Dự án “Xây dựng năng lực nhằm loại bỏ hoá chất bảo vệ thực vật tồn lưu dạng khó phân hủy tại Việt Nam”, do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua UNDP được tổ chức tại Hà Nội, ngày 14-12 .

Theo thống kê tại thời điểm năm 2010, Việt Nam có hơn 1.000 điểm ô nhiễm tồn lưu do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu dạng POP, trong đó có gần 300 kho thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu. Sau 5 năm thực hiện, Dự án đã giúp tiêu hủy hơn 900 tấn chất thải hoá chất bảo vệ thực vật dạng tồn lưu nồng độ cao và tiến hành các biện pháp ngăn ngừa và cô lập hơn 5.000 m³ đất ô nhiễm.

Ngoài ra, dự án đã giúp nâng cao năng lực quản lý các nguồn tồn lưu hoá chất bảo vệ thực vật dạng POP, biên soạn bộ tài liệu “Hướng dẫn kỹ thuật quản lý bền vững các khu vực ô nhiễm hoá chất bảo vệ thực vật tồn lưu dạng khó phân hủy” để sử dụng làm tài liệu tập huấn cho hơn 500 cán bộ chuyên môn cấp trung ương và địa phương về Quản lý khu vực ô nhiễm hoá chất bảo vệ thực vật tồn lưu dạng POP...

Phát biểu tại hội thảo, ông Bakhodir Burkhanov, Phó Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam, cho biết, năm 2015 đánh dấu 10 năm quan hệ đối tác giữa UNDP và Việt Nam trong việc thực hiện Công ước Stockholm về Chất tồn lưu dạng khó phân hủy. UNDP cam kết tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam, các cơ quan LHQ, các đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng địa phương nhằm giảm thiểu nguy hại của các chất hóa học để tất cả mọi người dân Việt Nam và các thế hệ mai sau đều được hưởng một môi trường xanh và sạch.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục