(SGGP).- Đây là nhận định của đại diện nhiều cơ quan chức năng tại hội thảo khoa học “Xử lý hình sự tội phạm vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm” diễn ra ngày 30-11, tại Hải Phòng.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, Việt Nam là một trong những nước có hệ đa dạng sinh học cao trên thế giới với khoảng 12.000 loài động vật khác nhau. Tuy nhiên, hệ sinh thái này đang bị đe dọa và suy giảm nghiêm trọng, nhiều loài ĐVHD đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do sự gia tăng nạn buôn bán và săn bắt bất hợp pháp.
Điều tra và nghiên cứu thực tế tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn… cho thấy, các đường dây mua bán, vận chuyển ĐVHD qua biên giới với nhiều thủ đoạn tinh vi, che giấu bằng nhiều hình thức, đáng chú ý là việc lợi dụng chính sách “tạm nhập, tái xuất”. Tuy nhiên, số vụ buôn bán trái phép ĐVHD bị bắt giữ chỉ chiếm khoảng 10% tổng số vụ trên thực tế.
Đáng ngại hơn khi không ít vụ vận chuyển, buôn bán ĐVHD quý hiếm bị các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ nhưng việc xử lý về hình sự đối với các vi phạm và tội phạm liên quan đến lĩnh vực này vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế.
Nguyên nhân chủ yếu là cơ quan điều tra chỉ khởi tố được vụ án mà không khởi tố được đối tượng, hành lang pháp lý về quản lý cũng như xử lý về bảo vệ ĐVHD chưa đồng bộ, thống nhất.
Trước thực trạng này, TS Scott Roberton, Giám đốc đại diện của Hiệp hội bảo tồn ĐVHD tại Việt Nam cho rằng, tội phạm liên quan đến ĐVHD có mối quan hệ chặt chẽ với các loại hình tội phạm khác được quy định trong Bộ luật Hình sự như tội đưa hối lộ các cán bộ thực thi luật, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng vũ khí, buôn lậu hàng cấm, vi phạm các quy chế về khu vực biên giới, trốn thuế.
Do đó, buôn bán ĐVHD là loại hình tội phạm có tổ chức nên đòi hỏi các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải nỗ lực đảm bảo điều tra hiệu quả và xử lý nghiêm minh như là một loại hình tội phạm nghiêm trọng.
NG. QUỐC