Ngày 5-4, kết luận hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng năm 2022, việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, tình hình quý I có những khó khăn, thách thức trong và ngoài nước tác động mạnh tới việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.
Nhưng, trong bối cảnh đó, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, bạn bè, đối tác quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến, khởi sắc rất tích cực. Tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Chúng ta đã mở cửa trở lại nền kinh tế, du lịch và tiếp tục mở cửa trường học an toàn. Tăng trưởng kinh tế phục hồi ở hầu hết các địa phương, một số địa phương tăng trưởng GRDP trên 10% như Bắc Giang, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Nam, Kon Tum, Hải Phòng, nhiều địa phương tăng trưởng trên 8% như Lai Châu, Hà Nam, Hưng Yên, Quảng Ninh… Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát dù sức ép rất lớn, thị trường tiền tệ, lãi suất ổn định trong khi xu thế thế giới là tăng lãi suất.
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức. Diễn biễn dịch bệnh còn phức tạp. Áp lực lạm phát tăng cao. Giải ngân vốn đầu tư công chậm. Nợ xấu có nguy cơ tăng. Thị trường bất động sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro. Số doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động tăng. Công tác quy hoạch triển khai chậm. Đời sống một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Vấn đề nhà ở công nhân chưa giải quyết được triệt để. Biến đổi khí hậu tác động tiêu cực, xuất hiện thiên tai, mưa lũ bất thường. Những thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu có nhiều biến động.
Về dự báo tình hình quý II, Thủ tướng yêu cầu phải xác định còn khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi, nhất là liên quan tới giá cả, lạm phát, nguyên liệu đầu vào, thị trường biến động… có những khó khăn chưa thể dự báo hết được. Do đó, phải quyết tâm, quyết liệt, cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.
Thủ tướng nêu rõ, bài học kinh nghiệm rút ra từ quý I vừa qua là các địa phương phải phát huy đoàn kết, thống nhất, tinh thần tự lực, tự cường, cùng cả nước xây nền kinh tế độc lập, tự chủ; huy động được khối đại đoàn kết toàn dân quanh cấp ủy, chính quyền để phát huy tối đa nội lực, tiềm năng cho phục hồi nhanh, phát triển bền vững. Các cấp lãnh đạo, chính quyền phải chủ động, tích cực hơn nữa để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và tạo môi trường thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp tham gia, đóng góp vào quá trình phát triển.
Thủ tướng nêu rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà các bộ, ngành, địa phương phải tập trung triển khai thực hiện trong quý II. Trước hết, tập trung, quyết liệt triển khai chương trình phòng chống dịch Covid-19, chương trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; nếu không hoàn thành thì kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện điều chuyển vốn theo đề xuất của Bộ KH-ĐT. Cùng với đó, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phát huy các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước, phát triển thương mại điện tử, các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mới. Đẩy mạnh tốc độ phục hồi trong các lĩnh vực, nhất là du lịch trong tình hình mới, bảo đảm an toàn, hiệu quả, thuận lợi cho du khách.
Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục coi trọng công tác phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tổ chức các hình thức dạy học phù hợp, an toàn. Khẩn trương tiêm vaccince cho trẻ em từ 5-11 tuổi và tiêm vét với trẻ em 12-17 tuổi và các đối tượng chỉ định, sẵn sàng kịch bản để chủ động ứng phó với các làn sóng dịch có thể xảy ra.
Thủ tướng cũng yêu cầu nắm sát tình hình, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực bất động sản, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, môi trường, xăng dầu... Rà soát, phát hiện các lỗ hổng về cơ chế, chính sách để điều chỉnh phù hợp.
Về vấn đề đầu tư công, Thủ tướng đề nghị các địa phương chia sẻ với Trung ương, "chung tay phát triển hạ tầng", không trông chờ, ỷ lại, suy nghĩ, tính toán, đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm tối đa chi thường xuyên, thậm chí "thắt lưng buộc bụng", rà soát, bố trí lại nguồn vốn để dành cho đầu tư phát triển, cho các công trình trọng điểm, lan tỏa cao. Mặt khác phải đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng chiến lược, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt huy động các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước. Với tinh thần liêm chính, công khai, minh bạch, Chính phủ phân bổ và triển khai đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm cho những lĩnh vực ưu tiên, bảo đảm hiệu quả cao nhất, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Đặc biệt, Thủ tướng cũng lưu ý, thời gian qua, một vấn đề nổi lên là tình hình vi phạm pháp luật liên quan bất động sản, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành một số biện pháp ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời và tiếp tục thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra những vấn đề có liên quan để làm lành mạnh thị trường. Theo Thủ tướng, một vấn đề có tính quy luật là với các vi phạm này, dòng tiền đều tìm đến nơi "trú ẩn" cuối cùng là bất động sản, các cơ quan liên quan cần lưu ý để có giải pháp phù hợp trong quá trình xử lý.