(SGGP).- Sáng 15-12, phát biểu tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011 - 2016, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu khẳng định, TPHCM kiên quyết xử lý các trường hợp sai phạm về nguồn gốc thực phẩm, nguyên liệu, đặc biệt là những cơ sở không chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu đầu vào. Đối với việc quản lý hóa chất, phụ gia thực phẩm, đồng chí Nguyễn Thị Thu cho rằng, hiện nay hệ thống quy định của Nhà nước vẫn chưa chặt chẽ, hóa chất phụ gia thực phẩm đang bán chung với hóa chất công nghiệp. Do vậy, đề xuất Trung ương cần có quy định xếp hóa chất, phụ gia thực phẩm vào hạng mục kinh doanh có điều kiện.
Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá cao TPHCM đã có nhiều nỗ lực trong quản lý ATTP. “Đây là một trong những địa phương làm tốt công tác quản lý ATTP, đặc biệt TP đã ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để kiểm soát ATTP, trong đó có việc sử dụng phần mềm điện thoại di động để truy xuất nguồn gốc thịt heo”, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng ghi nhận. Tuy nhiên, đồng chí Phan Xuân Dũng cũng lưu ý TPHCM cần quan tâm nhiều hơn vấn đề sử dụng các hóa chất trong chăn nuôi, đặc biệt là nguồn sản phẩm động vật giết mổ, cũng như công tác kiểm tra xử lý chưa thực sự nghiêm minh… Theo Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng, một trong những biện pháp quan trọng để đảm bảo nguồn thực phẩm sạch cho người dân TP là tăng cường phối hợp xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn, kiểm soát TP giữa TPHCM với các địa phương khác.
Theo báo cáo của UBND TP, từ năm 2011 đến tháng 11-2016, Chi cục Bảo vệ thực vật TP đã lấy 4.186 mẫu rau tại vùng sản xuất trên địa bàn TP để phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và phát hiện 5 mẫu (chiếm tỷ lệ 0,38%) có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Riêng tại 3 chợ đầu mối nông sản của TP: Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức, đã phát hiện 38/3.007 mẫu rau, củ, quả (chiếm tỷ lệ 1,26%) có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép.
Đối với các hộ chăn nuôi heo, Chi cục Thú y TP đã triển khai cho 100% số hộ ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Qua kiểm tra, tỷ lệ hộ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi (nhóm Beta - agonist) giảm đáng kể. Theo đó, năm 2011 tỷ lệ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là 7,89% số mẫu kiểm tra; năm 2015 còn 5,77% và năm 2016 không phát hiện được trường hợp nào. Tại các cơ sở giết mổ, Chi cục Thú y TP đã kiểm tra lâm sàng, kết hợp phân tích sử dụng chất cấm trước khi giết mổ. Cụ thể, từ năm 2011 đến tháng 11-2016, chi cục đã kiểm tra 1.015 lô hàng, trong đó phát hiện 99 lô hàng heo có tồn dư chất tăng trọng trong nước tiểu.
Cùng với đẩy mạnh công tác thanh tra, TPHCM đã thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại các quận - huyện, xã - phường trên địa bàn TP, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. UBND TPHCM đã phê duyệt đề án phát triển sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP (quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) tại các xã nông thôn mới từ năm 2011. Đến nay đã xây dựng được 178 mô hình có diện tích 741,3ha với hơn 2.100 hộ tham gia. Đặc biệt, TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn và hiện TP đã có hơn 400 điểm kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Ngọc Hòa, bắt đầu từ hôm nay 16-12, người tiêu dùng trên địa bàn TPHCM có thể kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thịt heo qua điện thoại tại 346 điểm bán thuộc các kênh phân phối hiện đại (gồm siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm).
Đêm 14 và rạng sáng 15-12, đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm đã đến thăm và làm việc về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa tết, đồng thời thị sát việc tổng duyệt đề án Quản lý, truy xuất nguồn gốc thịt heo tại Công ty cổ phần Vissan. Đoàn công tác đang tiến hành các thao tác trên điện thoại để kiểm tra thông tin từ vòng nhận diện đeo ở chân heo Báo cáo trước đoàn công tác, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết, tất cả những sản phẩm của Vissan đều được kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt từ nguyên liệu đến công nghệ trong sản xuất, chế biến. Hiện nay 100% thịt heo công ty cung ứng ra thị trường đạt chứng nhận VietGAP. Về công tác chuẩn bị hàng tết, Vissan đã có kế hoạch cung ứng khoảng 3.000 tấn thịt heo, bò tươi sống và 3.200 tấn thực phẩm chế biến các loại. Ngoài ra, công ty còn dự trữ thêm 15% - 20% sản lượng hàng hóa đề phòng khi thị trường có biến động. Tổng lượng hàng cung ứng tết trị giá khoảng 650 tỷ đồng. Đoàn công tác đã đến nhà máy giết mổ của Vissan để thị sát việc tổng duyệt của các sở, ngành về việc chạy thử nghiệm quy trình ứng dụng công nghệ thông tin để truy xuất nguồn thịt heo. Tại đây, tất cả heo nguyên liệu đầu vào đều được đeo vòng nhận diện ở 2 chân sau, vòng niêm phong theo dõi quá trình vận chuyển, trên công cụ kiểm tra có những thông tin cụ thể về số xe vận chuyển, kiểm soát viên, ngày giờ đưa heo từ trang trại vào nhà máy giết mổ... Theo đánh giá của Sở Công thương TPHCM, với việc chạy thử nghiệm tại Vissan, xem như một phần của đề án đã được triển khai thành công. |
Vân Anh - Thúy Hải