
Keo lai là loại cây dễ trồng, sống tốt trên vùng đất khô hạn, đồi núi trọc, đang được xem là nguồn nguyên liệu tiềm năng cho ngành giấy ở nước ta. Song trở ngại lớn là vấn đề xử lý nước thải từ sản xuất bột giấy bằng nguyên liệu keo lai...

Hệ thống xử lý màu nước thải sản xuất bột giấy từ gỗ keo lai tại Công ty Giấy Tân Mai. Ảnh: BÌNH NGUYÊN
Nhằm chủ động tìm cách mở rộng nguồn nguyên liệu, Công ty Giấy Tân Mai (Đồng Nai) đã sử dụng gỗ cây keo lai làm nguyên liệu sản xuất bột giấy in báo với kết quả đầy hứa hẹn.
Nhưng điều đáng quan ngại là nước thải từ nguồn nguyên liệu này có màu nâu đen với độ màu rất cao đến 60.000 – 70.000 Pt-Co (đơn vị đo độ màu), thậm chí có khi lên đến gần 100.000 Pt-Co.
Những chất mang màu trong loại nước thải này hầu hết là chất hữu cơ, khó bị phân hủy sinh học, tỷ số COD/BOD (nhu cầu ôxy hóa học/nhu cầu ôxy sinh học) vượt quá mức thông thường (COD/BOD = 10).
Ngoài ra trong nước thải còn có nhiều chất rắn lơ lửng độ pH cao(10 – 11) và nước thải ra rất nóng, khoảng 80 – 90 độ. Nếu không giải quyết được vấn đề màu của nước thải và xử lý các chất hữu cơ khó phân hủy, chắc chắn phương án sử dụng keo lai làm nguyên liệu sản xuất bột giấy sẽ gặp nhiều trở ngại.
Giải quyết nhu cầu bức xúc này, Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Trần Mạnh Trí (thuộc Trung tâm Công nghệ Hóa học và Môi trường (ECHEMTECH) - đặt trụ sở tại 140/2 Trần Huy Liệu quận Phú Nhuận TPHCM) đã tiến hành xây dựng công trình xử lý nước thải sản xuất bột giấy với nhiệm vụ cấp bách là xử lý hạ độ màu của nước thải xuống còn khoảng 1.000 Pt-Co để nguồn nước sau xử lý có thể hòa vào hệ thống nước thải của nhà máy.
Qua thử nghiệm, ECHEMTECH đã xây dựng thành công và đưa vào hoạt động hệ thống xử lý màu nước thải sản xuất bột giấy từ gỗ keo lai với quy mô 200m3/ngày. Để xử lý màu loại nước thải đặc biệt này, ECHEMTECH đã xây dựng hệ thống xử lý gồm nhiều công nghệ khác nhau về phân hủy sinh học, phân hủy hóa học, phân chia hóa lý bằng hóa chất keo tụ và phân chia vật lý bằng tuyển nổi và lắng trong.
Điểm nổi bật trong số các công nghệ áp dụng là vấn đề nghiên cứu và xây dựng 2 công nghệ mới dưới dạng 1 công nghệ tích hợp (Integrated Technology) nhằm xử lý nước thải trong trường hợp tải lượng ô nhiễm lớn, độ màu cao, hàm lượng các chất hữu cơ khó hoặc không bị phân hủy sinh học.
Kết quả cho thấy độ màu của nước thải ở giai đoạn khử màu đã giảm 98% – 99% so với đầu vào. Thành công này không những giúp cho CT Giấy Tân Mai có điều kiện tiến hành sản xuất bột giấy từ gỗ cây keo lai được thuận lợi, mà công nghệ mới của ECHEMTECH còn có thể triển khai rộng cho nhiều nhà máy giấy khác trong cả nước để giải quyết yêu cầu bức xúc tương tự.
THU BÌNH